Trong nước

Luật mới, nhưng vẫn có viên chức biên chế suốt đời

Trong con mắt người dân, một khi đã là cán bộ, công chức hoặc viên chức thì không lo mất việc như ở doanh nghiệp, bệnh viện, trường học tư.

Biên chế là một trong những vấn đề từ thời bao cấp vẫn tiếp tục tồn tại trong thời buổi kinh tế thị trường kiểu nước ta. Sổ gạo, tem phiếu về thực phẩm, chất đốt... đã ra đi vĩnh viễn. Nay mai có thể là hộ khẩu giấy cũng không còn, nhưng biên chế thì chưa hẳn. Biên chế vẫn nửa nọ nửa kia có đất dung thân trong chế độ quản lý người nhà nước hiện hành.

Thí sinh đăng ký dự tuyển viên chức giáo viên tại Hà Nội. Ảnh: Hà Nội mới

Các nhà làm luật đưa ra nhiều khái niệm như cán bộ, công chức, viên chức, biên chế, hợp đồng làm việc có xác định thời hạn, rồi không thời hạn... hòng phân biệt, làm rõ người làm việc để có các chế độ và cách quản lý tương ứng, ví dụ như mấy ông bí thư, chủ tịch UBND xã, phường là cán bộ, còn mấy vị xem xét thủ tục để cấp đăng ký kết hôn ở xã, cấp sổ đỏ ở huyện... thì lại là công chức, trong khi bác sỹ, điều dưỡng viên đang làm việc tại bệnh viện nhà nước huyện, tỉnh lại gọi là viên chức.

Cũng hơi rối rắm chút. Nhưng không sao, quan trọng nhất trong con mắt người dân, đó là một khi đã là cán bộ, công chức hoặc viên chức thì không lo mất việc như ở doanh nghiệp, bệnh viện, trường học tư. Cái đó mới là đáng giá nhất, đã vào là không ra khỏi cơ quan nhà nước. Con cái học xong ra trường phải tìm mọi cách vào cho được nhà nước. Đối với viên chức, quy định của pháp luật không dùng cụm từ trong biên chế giống như với cán bộ, công chức, mà là hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, cho nên trên thực tế cũng đồng nghĩa với biên chế suốt đời.

Sức ỳ lớn

Biên chế suốt đời có mặt tốt là tạo tâm lý ổn định, an tâm làm việc nơi người thụ hưởng. Đang làm việc, định học hành vươn lên thì cứ lo mà học, không sợ học xong về cơ quan mất chỗ, không có việc này thì khắc có việc khác, cơ quan phải lo cho mình chứ, cứ túc tắc làm việc, mấy năm lại lên một bậc lương.

Tuy nhiên, mặt trái của nó lại khá lớn - không tạo động lực làm việc, không khuyến khích người làm việc có kết quả tốt. Cào bằng trong đánh giá, thưởng phạt. Nếu không vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì cứ yên tâm ở lại bộ máy, không phải lo lắng gì ghê gớm. Đây là sức ỳ, lực cản to lớn cho quá trình cải cách, cho quá trình lựa chọn những người đủ năng lực, trình độ cho bộ máy.

Nhưng mọi sự bắt đầu khác đi đối với viên chức với việc sửa đổi luật có hiệu lực từ 1/7. Theo quy định mới, những ai được tuyển dụng làm viên chức sau ngày 1/7 sẽ ký hợp đồng làm việc có thời hạn từ đủ 12 tháng đến 60 tháng. Hết thời hạn hợp đồng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị ký tiếp hoặc chấm dứt hợp động với viên chức mà chấm dứt đồng nghĩa với ra khỏi cơ quan đang làm việc.

Với quy định mới này, những cái gọi là điểm yếu của chế định biên chế suốt đời cho viên chức sẽ bị triệt tiêu hoặc giảm gần bằng không xét về mặt lý thuyết. Đây là điểm tích cực và do đó cần được triển khai nghiêm túc trong thời gian tới.

Có cùng mặt bằng cạnh tranh không?

Tuy nhiên, việc triển khai quy định này, cũng đặt ra mấy vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu.

Một là, có vấn đề về tính công bằng, cùng mặt bằng cạnh tranh như nhau cho đội ngũ viên chức hay không? Đây là điều có vẻ không được bảo đảm lắm với quy định mới, bởi cùng một lúc tồn tại lâu dài hai hệ viên chức khác nhau trong các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL).

Hệ viên chức thứ nhất là hệ mới vào sau ngày 1/7 thì ký hợp đồng xác định thời hạn từ đủ 12 - 60 tháng, hết thời hạn có thể được ký tiếp hợp đồng hoặc phải ra khỏi ĐVSNCL.

Hệ viên chức thứ hai lại bao gồm 3 phân hệ: Phân hệ vào trước 1/7 thì ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, có nghĩa giống như biên chế suốt đời. Mà phân hệ này mới nhiều người, cứ nói tròn hiện có khoảng 2 triệu viên chức trong cả nước.

So 2 triệu này với số viên chức tuyển mới sau 1/7 mới thấy chênh lệch lớn. Tình hình chung sẽ là cái quy định mới nhằm tạo ra chuyển biến lớn, có tính đột phá trong đội ngũ viên chức nói chung lại chỉ áp dụng cho một bộ phận nhỏ viên chức mới vào các ĐVSNCL. Nói một cách cụ thể có nghĩa là tính cạnh tranh giữa viên chức chỉ diễn ra với các vị mới tuyển, còn đại đa số viên chức “cũ“ do cơ chế khác biệt theo kiểu biên chế suốt đời nên khỏi lo, khỏi phải cạnh tranh, phấn đấu để tiếp tục ở lại bộ máy.

Phân hệ thứ hai là cán bộ, công chức sau ngày 1/7 chuyển sang làm viên chức. Những người này ký hợp đồng không thời hạn và nếu cứ tiếp tục làm việc cho đến khi về hưu tại ĐVSNCL thì mặc nhiên cùng lúc đúng là có 2 loại chế độ nhân sự trong ĐVSNCL.

Và phân hệ thứ ba là người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Những người này cũng ký hợp đồng không thời hạn.

Không nên có ngoại lệ

Như vậy, với 3 nhóm đối tượng viên chức hưởng chế độ hợp đồng không thời hạn là tạo ra sự khác biệt căn bản với nhóm viên chức hưởng chế độ hợp đồng có thời hạn. Nói cách khác, với quy định mới, vẫn có rất nhiều viên chức “biên chế” suốt đời. Đây là điểm bất ổn của quy định mới.

Có thể nói với mấy phân hệ ngoại lệ như vừa nêu, đặc biệt là 2 phân hệ đầu sẽ dẫn đến sự không thực sự có hiệu quả cao khi triển khai quy định mới.

Nên nghiên cứu xử lý vấn đề theo cách tất cả viên chức bao gồm vào từ trước đây lẫn mới vào đều ký hợp đồng có thời hạn, tức là không nên có sự ưu ái, ngoại lệ cho những viên chức được tuyển trước ngày 1/7. Hoặc là theo cách thức như vừa rồi tăng tuổi nghỉ hưu thì có lộ trình, chẳng hạn trong vòng 15 năm thì hoàn thành. Và điều này cũng áp dụng cho cán bộ, công chức nay chuyển sang làm viên chức, họ cũng phải theo cái chung.

Riêng viên chức làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể xem xét ký loại hợp đồng 10 năm nhằm tạo sự an tâm và động viên, chứ không nên duy trì hình thức hợp đồng không thời hạn như theo quy định mới.

Hai là, vấn đề về tính hình thức, không thực chất trong triển khai. Theo quy định thì viên chức vào trước 1/7 vốn đã phải ký hợp đồng có thời hạn hoặc không thời hạn. Quy định này có được thực hiện đúng 100% trong thực tế? Xin thưa là hoàn toàn không phải như vậy. Bao năm nay, viên chức làm việc tại các ĐVSNCL từ cách đây 15, 20 năm hầu như có biết đến hợp đồng gì đâu. Quy định này chỉ tồn tại trên giấy, chả có ý nghĩa gì và cơ quan chịu trách nhiệm chung quản lý việc này cũng cảm thấy không sao, thế là ổn.

Ba là, với cơ chế quản lý mới, quyền của người đứng đầu các ĐVSNCL rất lớn trong cái gọi là có ký tiếp hợp đồng với viên chức hay không. Mà cơ sở để ký hay không ký tiếp chính là dựa vào kết quả đánh giá viên chức. Làm thế nào để công tâm, khách quan trong đánh giá viên chức là vấn đề hết sức quan trọng, có thể nói là sống còn đối với viên chức có liên quan. Đánh giá tốt là cơ sở để tiếp tục làm việc, ngược lại là ra khỏi bộ máy. Vấn đề tránh lạm dụng đánh giá để trù úm, vùi dập, thậm chí cho thôi việc, không ký tiếp hợp đồng làm việc từ phía người đứng đầu ĐVSNCL cần được đặt ra xem xét.

Tác giả: Đinh Duy Hòa

Nguồn tin: Báo Việt Nam Net

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP