Thể thao

Lứa trẻ liên tiếp vô địch, bóng đá Nghệ An nghèo vẫn hoàn nghèo

Vài ngày sau chức vô địch của U17 SLNA, đội một SLNA thảm bại 1-3 trước Hải Phòng và rơi xuống nhóm đua trụ hạng.

Bóng đá trẻ Nghệ An vừa tạo tiếng vang khi có đội U17 vô địch giải U17 Quốc gia - Cúp Next Media 2020, nhưng vài ngày sau, niềm tự hào lớn nhất của xứ Nghệ là SLNA lại rơi xuống nhóm đua trụ hạng sau thảm bại trước Hải Phòng.

SLNA mất vị thế

"Các cầu thủ sung sướng đến nỗi lột áo ăn mừng. Trong buổi liên hoan, có người còn trèo lên loa thùng để 'quẩy' vì quá phấn khích", Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng của CLB TP.HCM bồi hồi kể lại ký ức khi SLNA vô địch năm 1999, ở mùa giải cuối cùng trước khi V-League lên chuyên.

SLNA vô địch V-League 2011.

Hữu Thắng là biểu tượng của bóng đá Nghệ Tĩnh. Ông vừa thành công trên tư cách cầu thủ với tấm băng đội trưởng, vừa gặt hái vinh quang trên cương vị HLV. Mùa 2011, SLNA của Hữu Thắng vô địch quốc gia sau cuộc đua cam go với Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng.

Không ít nhân tố trong đội hình vô địch của SLNA giờ vẫn thi đấu, như Trọng Hoàng, Đình Đồng hay Ngọc Mạnh. Nói không xa, nhiều đội bóng V-League hiện tại sở hữu "chất Nghệ" trong đội hình.

Bóng đá xứ Nghệ như dòng sông chảy xuyên suốt lịch sử bóng đá Việt Nam. Gần hai thập kỷ trôi qua, những chiến tích vang dội nhất của tuyển Việt Nam hay các cấp trẻ đều gắn liền với cầu thủ Nghệ An.

Siêu phẩm của Văn Quyến giúp tuyển Việt Nam lần đầu trong lịch sử thắng Hàn Quốc. Pha đánh đầu ngược của Công Vinh giúp tuyển Việt Nam có danh hiệu AFF Cup - danh hiệu lớn đầu tiên sau nửa thế kỷ chờ đợi.

Hay những Quế Ngọc Hải, Công Phượng, Văn Đức,... đều góp công không nhỏ trong thành công của bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo. Nhưng câu chuyện của SLNA, thế lực một thời tại V-League, lại toàn màu xám xịt.

SLNA rơi tự do từ vòng 6.

Thất bại trên sân Hải Phòng là hình ảnh phản chiếu cho SLNA mùa này: nhiệt huyết, giàu khát vọng, nhưng mong manh và dễ vỡ. 5 trận đầu tiên, SLNA thắng 3, hòa 2, đứng đầu bảng với 11 điểm. Người Nghệ An không dám nói về cuộc đua vô địch (dù trong lòng vẫn mộng mơ), biết trước sau SLNA cũng "về mặt đất", nhưng ít ai ngờ Văn Đức và đồng đội lại sa sút nhanh như thế.

8 trận còn lại của lượt đi, SLNA chỉ kiếm 5 điểm, bằng nửa giai đoạn đầu. Nếu tính bảng xếp hạng cho 8 vòng cuối, SLNA còn tệ hơn cả đội bét bảng Quảng Nam. Vẫn những nhân tố cũ, nhưng SLNA không còn sức chiến đấu.

Sao vẫn cứ nghèo?

"Nghèo" là lý do đầu tiên, cũng là duy nhất người ta nhắc đến khi nói về bi kịch của bóng đá xứ Nghệ. U17 SLNA phải chinh chiến cả giải U17 Quốc gia trong cảnh chắt bóp chi tiêu. Các cầu thủ ăn uống với tiêu chuẩn "còm cõi" 90.000 đồng/ngày (sau được nâng lên 150.000 đồng). Mức lương của trợ lý Văn Quyết chỉ là vài triệu đồng.

SLNA cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Giám đốc điều hành Hồ Văn Chiêm từng chia sẻ với VTC News: lương cầu thủ SLNA chỉ có vài triệu một tháng, nếu vì dịch COVID-19 mà giảm nữa thì chẳng còn bao nhiêu, bởi "SLNA bao năm nào cũng là đội bóng nhà nghèo vượt khó".

U17 SLNA đã "thoát nghèo" vươn lên, nhưng đội chính của SLNA thì không. Vì cái nghèo, đội bóng xứ Nghệ rơi vào vòng luẩn quẩn, mua phải ngoại binh kém chất lượng, không có nội binh giỏi (hầu hết tự đào tạo), chưa kể luôn bị "xâu xé" mỗi khi cầu thủ trụ cột hết hợp đồng.

SLNA có thể vượt khó ở giải trẻ, còn giải chuyên nghiệp là chuyện khác.

Ở giải trẻ, SLNA vượt khó nhờ khát vọng và sự tinh quái của cầu thủ trẻ so với các trung tâm khác. Khó khăn giúp các tài năng của SLNA trải hơn, đời hơn những đồng nghiệp được chăm bẵm tận chân răng. Ngọn lửa nghị lực hun đúc cho cầu thủ xứ Nghệ tinh thần chiến đấu đặc biệt cao, nhưng V-League là câu chuyện khác.

Bóng đá chuyên nghiệp không thể cứ đá bằng tinh thần, mà phải có đầy đủ cơ sở vật chất, khoa học, nhân lực chất lượng. Không yếu tố nào có được mà không cần đến tiền.

"Nguyên nhân thất bại của SLNA là tiền. Bóng đá Nghệ An, nói thế thôi, làm gì có tiền. Họ có hệ thống đào tạo tốt, đi lên từ cơ sở, các quận huyện. Khi lập giải U17 Quốc gia, SLNA có tới 5 lần liền vô địch. Điều này cho thấy họ đào tạo tốt. Mà đào tạo trẻ không cần quá nhiều tiền.

Rất nhiều con em Nghệ An đi đá bóng để thoát nghèo, nên đá máu lửa, có tinh thần tốt. Dù vậy, đá bóng chuyên nghiệp thì phải có tiền. Tại sao Quế Ngọc Hải, Nguyên Mạnh, Khắc Ngọc đi hết? Vì nghèo, SLNA phải để cầu thủ đi để nuôi đội bóng. Họ phải đôn cầu thủ trẻ lên thôi.

Ngọc Hải là cựu đội trưởng SLNA.

Tôi quen nhiều lãnh đạo bóng đá Nghệ An, họ luôn đau đầu về vấn đề này. Có tài chính tốt như Hà Nội chẳng hạn, SLNA sẽ vô địch suốt", nguyên TBT Tạp chí Bóng đá Vũ Mạnh Hải chia sẻ với VTC News.

Còn vấn đề tại sao bóng đá Nghệ An không có tiền, ông Hải chỉ nói: "Chúng ta phải đặt dấu hỏi với tỉnh Nghệ An. Họ có truyền thống, nhưng tại sao bóng đá Nghệ An cứ mãi thiếu tiền? Họ phải tự hỏi chính mình thôi. Có thể lãnh đạo CLB chưa làm tốt, hoặc quyết tâm của tỉnh Nghệ An chưa cao. Chịu đầu tư vào sẽ khác ngay", ông Hải nói.

Bóng đá trẻ Nghệ An vẫn "chạy tốt", giành nhiều danh hiệu giải trẻ. Cầu thủ xứ Nghệ cũng giỏi, gặt hái thành công ở nhiều địa phương khác, nhưng ngày nào SLNA còn ở lưng chừng thất bại, ngày ấy niềm vui của bóng đá xứ Nghệ còn không trọn vẹn.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP