Giáo dục

Loại tiếng Anh khỏi môn thi bắt buộc: Lợi hay hại?

Đối với phương án thi 2+2 khiến cho Ngoại ngữ trở thành môn thi tự chọn, nhiều ý kiến cho rằng điều này sẽ dẫn đến tình trạng học sinh "bỏ bê" môn Tiếng Anh.

Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã có thông tin về kết quả lấy ý kiến về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Đáng chú ý, trong quá trình khảo sát, nhiều chuyên gia, địa phương đề xuất thêm phương án 2+2 cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Cụ thể với phương án này thí sinh học chương trình THPT phải thi 4 môn, gồm 2 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả môn Ngoại ngữ và Lịch sử).

Tuy nhiên, phương án này nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các giáo viên, học sinh trên cả nước.

Phổ điểm môn Tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Điểm trung bình là 5.45 điểm, điểm trung vị là 5.2 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4.2 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 192 (chiếm tỉ lệ 0.022%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 392,784 (chiếm tỉ lệ 44.83%). Có gần 500 thí sinh được điểm tuyệt đối, số thí sinh được điểm 9 lên đến hơn 15.000 em.

Gia tăng khoảng cách trình độ giữa các địa phương

Trước việc Ngoại ngữ có khả năng trở thành môn tự chọn, cô giáo Phạm Thị Liên – Tổ trưởng bộ môn Tiếng Anh, Trường THPT Vị Xuyên, Hà Giang cho rằng phương án này sẽ ảnh hưởng đến nhiều mặt.

“Hình thức thi 2+2 giúp tăng tính linh hoạt cho thí sinh, các em có thể lựa chọn 2 môn thi theo sở thích, năng lực, định hướng nghề nghiệp, học đa dạng các tổ hợp môn, tìm hiểu sâu hơn các lĩnh vực khác nhau”, cô Liên bày tỏ.

Cùng với đó, phương án cũng phù hợp với phương pháp học tập của mỗi cá nhân, đồng thời giảm tải kiến thức học cho các em.

Tuy nhiên, việc môn Ngoại ngữ trở thành môn tự chọn khiến vị giáo viên có nhiều lo lắng. Cô giáo Phạm Thị Liên chia sẻ: “Khi không đưa Ngoại ngữ vào môn bắt buộc thi THPT, khả năng Tiếng Anh không được thí sinh lựa chọn là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Điều này dẫn đến học sinh sẽ bị hổng những kiến thức nền tảng, những kỹ năng quan trọng trong chương trình, dẫn đến hệ quả trình độ khó đáp ứng, hội nhập với quốc tế trong bối cảnh hiện nay”.

Ngoài ra, việc này cũng sẽ ảnh hưởng đến việc kiểm tra, đánh giá học sinh khi không có các quy chuẩn chung, “phần lớn các địa phương đều lựa chọn thi 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ lấy điểm chuẩn đầu vào lớp 10 nhưng theo phương án 2+2 sẽ không có kỳ thi đánh giá chất lượng đầu ra môn Ngoại ngữ”, cô Phạm Thị Liên cho hay.

Cô giáo Phạm Thị Liên – Tổ trưởng bộ môn Tiếng Anh, Trường THPT Vị Xuyên, Hà Giang.

Ở đây cô Liên phân tích mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 môn Tiếng Anh sau khi học xong cấp trung học phổ thông, học sinh có thể đạt được trình độ Tiếng Anh bậc 3 của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

“Mặc dù các bài kiểm tra định kỳ có phát triển đủ 4 kỹ năng nhưng không thể thay thế một kỳ thi tốt nghiệp nghiêm túc nhằm đánh giá đầu ra cho học sinh sau 12 năm học”, cô Liên chia sẻ.

Một trong những lý do khiến cô giáo trăn trở đó là gia tăng khoảng cách trình độ giữa học sinh thành phố lớn và vùng sâu, vùng xa.

Cô Phạm Thị Liên cho biết: “Mặc dù là điểm trường miền núi, còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi xác định quan trọng nhất là định hướng học tập cho học sinh để chuẩn bị kiến thức phục vụ công việc sau này.

Đối với các bạn ở thành thị, hiểu rõ vai trò của ngoại ngữ, dù là không bắt buộc học sinh vẫn chủ động học. Nhưng đối với học sinh nông thôn, miền núi nếu môn Tiếng Anh là lựa chọn thì các em chắc chắn sẽ không học, không chọn và không thi”.

Điều này khiến nữ giáo viên tại Hà Giang lo ngại những lứa học sinh tiếp theo sẽ quay trở về các thế hệ trước kia không có kiến thức Tiếng Anh bỏ lỡ nhiều cơ hội làm việc, ảnh hưởng đến tương lai và làm gia tăng khoảng cách trình độ giữa các địa phương.

Năm 2025 là năm đầu tiên thi tốt nghiệp THPT Chương trình GDPT 2018.

Cũng cùng quan điểm, cô Nguyễn Minh Oanh – Giáo viên luyện thi IELTS tại Hà Nội cho rằng việc đưa ra phương án đổi môn Ngoại ngữ thành môn tự chọn có mặt lợi cho học sinh, song, cũng tồn tại một vài điểm hạn chế đối với khả năng ngoại ngữ của học sinh, sinh viên.

Về lợi ích sẽ giúp học sinh không áp lực vừa ôn thi các môn nặng lý thuyết, vừa ôn ngoại ngữ mà hoàn toàn có thể chọn môn thi theo thế mạnh của bản thân. Có những bạn không nổi trội với ngoại ngữ cũng không cần quá lo lắng và có thể "thở phào" hơn khi thi tốt nghiệp THPT.

“Tuy nhiên, phương án này gây ra một số những mặt hạn chế mà mình cần cân nhắc. Về vấn đề năng lực ngoại ngữ, hiện nay dù đã có rất nhiều học sinh, sinh viên có chứng chỉ ngoại ngữ đạt chuẩn quốc tế, nhưng mặt bằng chung khả năng ngoại ngữ của các bạn học sinh Việt Nam chưa thật sự tốt.

Nên việc biến thành môn tự chọn khiến cho các bạn có thể "bỏ bê" bộ môn này, và nó sẽ có thể trở thành rào cản của các bạn khi gia nhập thị trường lao động sau này nếu như không ít nhất thành thạo thêm một ngôn ngữ khác ngoài tiếng mẹ đẻ”, cô Minh Oanh đánh giá.

Về trình độ giữa các học sinh, theo cô Oanh những học sinh giỏi ngoại ngữ thì sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều, nhưng các bạn yếu ngoại ngữ thì có thể sẽ "né tránh" bộ môn này, “dần dần dẫn tới việc là yếu hẳn và bỏ bẵng quên đi kỹ năng giao tiếp và ngôn ngữ khiến cho sẽ có một sự chênh lệch lớn trong năng lực của nguồn lao động trẻ việt nam. Vô hình chung cũng làm giảm cơ hội cho một bộ phận nhóm trẻ”, cô Nguyễn Minh Oanh bày tỏ.

Học đối phó đi thi sẽ gây lãng phí

Ở chiều ngược lại, thầy Vũ Khắc Ngọc – Giáo viên luyện thi Hoá học tại Hà Nội cho rằng không nên quá lo lắng Ngoại ngữ trở thành môn thi tự chọn. Ở đây, thầy Ngọc bày tỏ quan điểm: “Ngoại ngữ là môn học đặc thù, đặc thù về năng khiếu và đặc thù về nhu cầu. Do đó, nên để là môn thi tự chọn để ai có nhu cầu thật sẽ chọn thi”.

Thẫy Vũ Khắc Ngọc cho rằng không phải bắt buộc thi sẽ là tạo động lực học tập.

Thầy đưa ra dẫn chứng, nếu không thi bắt buộc vẫn có hàng trăm ngàn gia đình đầu tư cho con học và thi IELTS vì nó phù hợp với nhu cầu của họ nhằm xét tuyển đại học, đi du học. “Nhưng cũng có hàng triệu học sinh chỉ có nhu cầu làm các công việc không yêu cầu trình độ ngoại ngữ chuyên môn cao thì việc bắt buộc thi Tiếng Anh ở những đối tượng này chỉ là hình thức, chỉ để thoát điểm liệt”, thầy Ngọc nhận xét.

Thầy giáo cho rằng hãy để việc học ngoại ngữ được tự điều tiết theo nhu cầu của cá nhân, việc bắt buộc thi không có nghĩa sẽ tạo ra được động lực thực sự cho việc học Tiếng Anh bài bản.

“Ngoại ngữ khác với các môn học khác, cần tính ứng dụng cao, sử dụng ngay và năng khiếu nếu không có nhu cầu thì có ép cũng không giải quyết được vấn đề. Thực tế số người sử dụng Tiếng Anh thường xuyên ở trình độ cao rất ít vì vậy việc cả xã hội cùng theo học và không dùng tới sẽ gây ra sự lãng phí”, thầy Vũ Khắc Ngọc cho biết.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần tính đến bối cảnh hiện nay, khi công nghệ thông tin, trí tuệ nhận tạo phát triển mạnh mẽ sẽ hỗ trợ rất nhiều, ngoại ngữ sẽ không còn bị cản trở trong giao tiếp, đọc hiểu thông thường nhờ có sự hỗ trợ của công nghệ.

Theo kết quả khảo sát của Bộ GD&ĐT công bố, khoảng 26% (khảo sát trên phạm vi cả nước với cán bộ, giáo viên) và hơn 30% (khảo sát tại hội nghị) người khảo sát ủng hộ phương án lựa chọn 4+2, theo đó thí sinh học chương trình THPT phải thi 6 môn, gồm thi bắt buộc 4 (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.

Đối với ý kiến 3+2 được khoảng 70% người tham gia khảo sát, theo phương án này thí sinh học chương trình THPT phải thi 5 môn, gồm thi bắt buộc 3 môn (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả môn Lịch sử).

Tác giả: Nguyễn Hoa Trà

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

  Từ khóa: bắt bộc ,môn thi ,tiếng anh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP