Mây là tên gọi chung cho khoảng 600 loài cây, chủ yếu thuộc các chi Calamus (khoảng 400 loài) và Daemonorops (khoảng 115 loài), phân bố tự nhiên thuộc các khu vực nhiệt đới của châu Á, châu Úc, châu Phi. Tại Việt Nam, mây mọc nhiều tại các rừng già, rừng nguyên sinh… điển hình như dãy Trường Sơn với hàng chục loài như mây song, mây nước, mây voi.
|
Ít ai biết được rằng đọt mây rừng chính là món ăn đặc sản nổi tiếng được nhiều người tìm mua |
Mây rất giống cây tre, nhưng mây dễ phân biệt với tre là chúng đặc chứ không có thân rỗng như tre. Mây mọc thành bụi, có dây mây mọc dài có khi lên đến hàng vài chục mét. Với đặc điểm bền, chắc, không bị mối mọt… các giống mây từ bao đời nay đã trở thành nguyên liệu quen thuộc dùng để bó buộc hoặc đan lát đồ thủ công mỹ nghệ.
Tuy vậy, có một món ăn rất đặc biệt từ mây mà phải đến các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông… gặp người dân tộc Cơ Tu thì mới thưởng thức món ăn này “đúng điệu”. Mây có nhiều loài khác nhau, nhưng chỉ có loại mây voi là được ưa chuộng nhất bởi nõn ăn giòn, béo và vị ngọt, đắng nhẹ. Ðọt mây được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như xào, hấp cơm, nướng chín với lửa than hoặc giã nát nấu với thịt khô hoặc cá khô trong ống tre là món canh ngon nhất của người dân tộc Cơ Tu.
|
Các món ăn hấp dẫn từ đọt mây. |
Các món ăn từ đọt mây rừng có hương vị rất riêng, rất thơm, bùi và không dai vì còn giữ được nước. “Đọt mây rừng là nguyên liệu quý để chế biến các món ăn đậm vị Tây Nguyên. Đơn giản nhất là món đọt mây nướng, tiếp đến là món đọt mây luộc, cầu kỳ thêm chút nữa là món đọt mây nấu thịt, hay là món đọt mây hầm xương. Có điều không phải ai cũng biết tìm và biết cách lấy đọt mây rừng”, ông Trần Hùng (Đắk Lắk) chia sẻ.
Cách chế biến đọt mây khá phức tạp: Lựa đoạn dài tầm 60cm, bóc lớp vỏ ở đọt mây ra, lấy nõn non thái và ngâm qua nhiều nước cho hết nhựa đỏ, đến nước cuối cùng thì thêm chút muối cho bớt đi vị chát trước khi chế biến các món ăn.
|
|
Ngày càng ít người đi hái đọt mây, vì thế sản phẩm này khá hiếm, giá cũng đắt đỏ |
Ngày nay, rừng càng ngày càng hẹp lại. Muốn ăn đọt mây, đồng bào phải đi rất xa, do đó đọt mây trở thành sản vật hơi hiếm. Chưa kể, muốn lấy đọt phải rút sợi mây xuống, có khi phải huy động nhiều người mới rút nổi sợi mây để lấy đọt. Ông Hùng cũng cho biết thêm: “Để kiếm mây rừng, bà con phải vào rừng sâu rất vất vả nên ít người đi. Hơn nữa, để chặt mây gùi về cũng rất khó khăn, không cẩn thận sẽ bị những chiếc gai nhọn hoắt, chi chít bám khắp thân mây đâm phải, vừa đau vừa buốt”.
Do đó, đọt mây trở thành quý hiếm, thi thoảng mới gặp để mua, giá bán cũng rất đắt đỏ. Mỗi bó gồm 5 đọt mây được chị Phương bán với giá 40.000 đồng, đắt hơn các loại rau khác nhiều lần nhưng luôn trong tình trạng cháy hàng, không có hàng để bán. Nếu lượn một vòng quanh các trang thương mại điện tử, đọt mây rừng được bán với giá 120.000 đồng/kg.
Đọt mây được bán trên Internet. |
Liên hệ với anh Đắc Nguyễn, một người chuyên bán các loại rau rừng Tây Nguyên, anh cho biết mình thường tìm đến các nơi có người dân đi hái mây rừng thái, tới tận nhà mua luôn với giá xấp xỉ giá bán. Tuy lời không nhiều nhưng anh Đắc “lấy công làm lãi”, bù lại lượng khách mua mây rừng khá đông nên vị thương lái này vẫn luôn cố gắng kiếm đủ nguồn cung cho khách.
Ngoài làm thực phẩm, theo kinh nghiệm của đồng bào Ê đê, đọt mây còn được dùng để giải độc rượu, trị đầy hơi, chướng bụng… vì thế nó không còn là món ăn riêng của đồng bào mà trở thành đặc sản được nhiều người săn lùng.
Nguồn tin: thoidaiplus.suckhoedoisong.vn