Xã hội

Lạ kỳ “Trường Sa” giữa… đất liền!

Ở Nghệ An có một xã rất đặc biệt, bởi có hơn 150 cựu chiến binh từng công tác tại Trường Sa và hiện có 16 cán bộ, chiến sĩ đang bám trụ trên quần đảo thiêng liêng này. Đó là xã Phúc Thọ (huyện Nghi Lộc, Nghệ An), nhưng người dân nơi đây quen gọi là xã “Trường Sa"...

Ông Biếng, bà Phương và cháu nội. Ảnh: Vũ Đồng

Ra ngõ gặp "Trường Sa"

Ông Nguyễn Hữu Thường, Phó ban Chỉ huy quân sự xã Phúc Thọ dẫn chúng tôi về các xóm có đông cán bộ, chiến sĩ đang công tác ở Trường Sa. Ông bảo, trong hơn 150 cựu chiến binh có nhiều sĩ quan, mang quân hàm từ Trung tá đến Đại tá. 16 cán bộ, chiến sĩ đang công tác ở Trường Sa thì cũng có cha hoặc anh từng công tác trong quân đội. Ông Thường nguyên là lính Hải quân từng có 11 năm công tác tại đảo Thổ Chu (tỉnh Kiên Giang). Hiện con trai ông là Thượng úy Nguyễn Hữu Trung, công tác trên tàu kiểm ngư.


Qua từng ngả đường thôn rải nhựa, câu chuyện về bộ đội Trường Sa ở vùng quê này cứ khiến chúng tôi bất ngờ. Vì sao Phúc Thọ là xã duy nhất của Nghệ An có nhiều cán bộ, chiến sĩ đã và đang công tác ở Trường Sa? Theo ông Thường, Phúc Thọ là vùng đất ven sông, ven biển. Đa số người dân ở đây sống bằng nghề ngư nên hầu hết thanh niên đều là những trai làng ngư giỏi nghề và giỏi bơi lội trên sông nước. Vì thế, các đơn vị hải quân chọn vùng quê này làm điểm tuyển quân hàng năm.

Bất ngờ tiếp theo là xã Phúc Thọ có 18 xóm, trong đó 7 xóm có lính Trường Sa. Riêng xóm 12 có 5 người, xóm 3 có 3 người, xóm 15 có 2 người... Ông Thường cho hay, dịp Tết hoặc Ngày thành lập Quân đội 22/12 hàng năm, các cơ quan, đoàn thể ở tỉnh và huyện đều cử đoàn cán bộ về chúc Tết, thăm hỏi từng gia đình có con đang công tác ở Trường Sa. Đặc biệt, khi Trường Sa có sự kiện nóng bỏng, những cuộc thăm hỏi này diễn ra thường xuyên, rất cảm động.


Trên đường đến nhà ông Cao Xuân Biếng (ở xóm 3) để tìm hiểu về một câu chuyện cảm động của cha con người lính Trường Sa, chúng tôi gặp ông Nguyễn Bá Ninh, bố của Trung úy Nguyễn Bá Quý là thủy thủ tàu ngầm. Ông Thường giới thiệu, nhà ông Ninh ở ngay trước ngõ nhà ông Biếng. Cách nhà ông Biếng vài mảnh vườn là nhà ông Lưu Hồng Phương, có con là Lưu Hồng Phúc cũng là bộ đội Trường Sa. Quả thật, đúng như câu nói cửa miệng của người dân vùng quê biển này - cứ ra ngõ là gặp “Trường Sa”.

Mầm nhựa sống Trường Sa trên cạn

Vợ chồng Thượng úy Nguyễn Huy Khánh.

Trên đường thôn thoảng thơm mùi hương trầm ngày áp Tết, chúng tôi rẽ vào nhà ông Biếng. Trong ngôi nhà cấp bốn khá khang trang bên một khu vườn rộng, chúng tôi thấy ông lần giở cuốn abum xem những tấm ảnh của người con trai là Thượng úy Cao Xuân Chiến đang công tác ở Trường Sa. Ông Biếng nói: “Tết năm nay, con trai tôi không biết có về không? Đã mấy Tết rồi nó không về. Những Tết trước, chỉ có hai ông bà và cu Tiến (con anh Chiến) đón Tết thôi. Ngày Tết, nhớ mong con nên lại dở cuốn abum ra xem”.


Bà Trần Thị Phương (vợ ông Biếng) đang làm cỏ ngoài vườn, thấy chúng tôi đến cũng vào góp chuyện: “Con tôi trở thành lính đảo Trường Sa đã 17 năm nhưng chỉ có vài ba cái Tết được về quê với gia đình. Những dịp về Tết ấy, Chiến thường xem mái nhà có viên ngói nào vỡ là đi mua ngói mới về thay. Biết mái nhà yên ổn, Chiến đóng lại cái lát giường thật chắc chắn cho ông bà chúng tôi nằm. Xong việc, Chiến mới tranh thủ đưa con là cu Tiến đi thành phố Vinh mua sắm quần áo, giày dép và đồ đón Tết. Được bố về thăm, thằng cu Tiến cứ quấn quýt bố không chịu rời”.


Câu chuyện đang tiếp diễn, vừa lúc cu Tiến đi học về, bà Phương chạy ra ngõ, dắt xe đạp cho cháu. Bà kể: "Năm cu Tiến tròn 3 tuổi thì mẹ cháu mất vì trọng bệnh. Ông bà nén nỗi đau vì người con dâu chết trẻ, đón cháu từ trong Khánh Hòa về nhà nuôi. Thế là bố ở đảo, con ở với ông bà. Nay cu Tiến đã 10 tuổi, học lớp 4 Trường Tiểu học Phúc Thọ. Mỗi khi bố gọi điện về, Tiến lại líu lo chuyện trò với bố. Còn nhỏ mà cháu đã biết động viên bố cứ yên tâm công tác, ở nhà đã có ông bà. Cháu đâu biết rằng, những ngày đêm Trường Sa sóng gió, hay có sự kiện nóng bỏng, hai ông bà cứ thấp thỏm chứ có yên được đâu”.


Kể chuyện những Tết có con trai từ Trường Sa về, hai ông bà nhớ nhất là không khí ngày xuân ấm cúng nhờ có thêm bàn tay của con trai trang trí gian nhà Tết với cành đào mua ở chợ quê. Vui nhất là khi cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng đỏ lửa với chuyện làng, chuyện đảo, chuyện lính tráng xa nhà râm ran suốt đêm khuya. Cu Tiến ngập ngừng nói chen vào: “Tết năm 2013, qua Giao thừa là bố Chiến mừng tuổi cho cháu đầu tiên, cháu vui lắm. Nhưng mấy Tết rồi bố không về. Đêm Giao thừa, bố chỉ gọi điện dặn cháu mặc thật ấm, quàng khăn và đi giày cho đỡ lạnh. Cháu thương bố lắm, chỉ mong Tết bố về với cháu thôi”.


Rời nhà ông Biếng, chúng tôi đến nhà vợ chồng người lính đảo là Thượng úy Nguyễn Huy Khánh và chị Nguyễn Thị Hằng trú tại xóm 5. Thật may vì anh Khánh vừa có chuyến công tác từ Trường Sa về Hải đội 137 thuộc Vùng 1 Hải quân đóng ở vùng biển xã Phúc Thọ. Nói về những ngày Tết, chị Hằng không khỏi xúc động: “Tuy đã có bốn cái Tết được chồng về thăm nhưng chưa có đêm Giao thừa nào trọn vẹn vì chồng còn lo ra đơn vị (Hải đội 137) để trực thay cho những anh em ở xa, đến tận 2h sáng mới về. Nhưng như thế đối với vợ lính cũng quá đầy đủ rồi”.

Anh Khánh kể, đối với lính đảo, Giao thừa thường đến sớm với cành đào, cành mai, cây quất đưa từ đất liền ra tuy không còn tươi nguyên. Những nồi bánh chưng cũng được cánh lính chuẩn bị từ sớm. Đó là cảnh mỗi người lính một công việc, người giã đậu, người thái thịt, bóc hành, chẻ giang, lau lá và người khéo tay nhất được cử vào vị trí gói bánh. Lúc này, chiến sĩ có năng khiếu đàn hát hay nhất đơn vị cũng chung tay bằng việc ngân lên những câu ca, bài hát bè, liên khúc đầy chất lính. Thế là toàn bộ cánh lính đảo vừa gói bánh chưng, vừa hát vang cho quên bớt nỗi nhớ nhà.

Trong cuộc đoàn viên này, khi nghe ông Thường nhắc về những người lính đảo, chị Hằng cho hay, anh trai của chồng là cảnh sát biển, bố chồng là cựu chiến binh. Nghe vợ nhắc chuyện cũ, anh Khánh chia sẻ: “Năm 2013, bố tôi qua đời nhưng tôi không thể nào rời đảo để về quê với bố được vì lúc đó, tình hình ở Trường Sa đang rất nóng bỏng”. Nhìn con gái 11 tuổi đang quét sân, anh Khánh nói cảm động: “Những hình ảnh chăm làm của con gái như thế khiến những lúc ở đảo nhớ về ghê lắm. Gia đình tôi đang vui vì vợ đang mang bầu đứa con thứ hai. Có khả năng đứa em này cũng giống như chị khi được sinh ra trong lúc bố đang “bồng súng” ở đảo Trường Sa”.

Chúng tôi rời xã “Trường Sa” giữa rậm rịch ngày Tết đang đến gần mà cứ ngỡ rời những người lính biển. Hình như, trong mỗi căn nhà đều chất chứa niềm tự hào về sự hiện diện lặng lẽ của những người lính và gia đình họ cho sự bình yên của Trường Sa, quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tác giả bài viết: Vũ Đồng - Hồ Hà

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP