Giáo dục

"Không hiểu nổi" khi học sinh toàn... giỏi

Tỷ lệ học sinh đạt học lực giỏi cao lẽ ra là niềm vui nhưng nhiều người lo ngại tình trạng lạm phát học sinh giỏi.

Thống kê học lực bậc THPT tại TPHCM năm học 2021-2022 mới đây, tỷ lệ học sinh (HS) khá, giỏi áp đảo. HS có học lực giỏi chiếm 37,66%, học lực khá đạt 44,76%, học lực trung bình đạt 16,08%, còn lại chưa đến 1,6% học sinh học lực yếu, kém.

Tỷ lệ học sinh giỏi ở TPHCM gây "choáng", có trường gần 95% học sinh đạt loại giỏi (Ảnh chụp lại báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM).

Cụ thể, ở khối 10 HS xếp loại giỏi chiếm 30,88%, HS khá chiếm 44,09%, HS trung bình 22,1%, còn lại chưa đến 3% học lực yếu, kém.

Ở khối 11, tỷ lệ tương ứng giỏi, khá, trung bình, yếu kém là 37,42%, 43,52%; 17,47% và gần 1,6%.

Ở khối 12, tỷ lệ HS giỏi tăng vọt lên 45,19%, HS khá 46,46%, chỉ còn hơn 8% HS có học lực trung bình, yếu.

Một cách dễ hình dung, trong tổng số 58.262 HS lớp 12 thì có đến 53.489 em là giỏi và khá.

Ở nhiều trường, tỷ lệ HS giỏi chiếm trên 90%. Như Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa là 95,92%, Trường THPT Lê Quý Đôn là 92,52%; Trường tiểu học, THCS, THPT Mùa Xuân là 93,57% đạt học lực loại giỏi.

Hàng loạt trường khác cứ 10 HS thì có đến 6 - 7 - 8 em là giỏi như Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (hơn 87% học sinh giỏi), Nguyễn Du (trên 86%), Mạc Đĩnh Chi (gần 84%), THCS - THPT Nguyễn Khuyến (trên 81%)...

Ở đây, không chỉ HS trung bình mà đến HS tiên tiến cũng là "của ít".

Nhiều người ngạc nhiên vì trải qua hơn 2 năm ảnh hưởng vì dịch bệnh, HS nhiều lần đứt đoạn việc học, phải học trực tuyến, có những giai đoạn, nhiều em còn không có điều kiện tham gia học trực tuyến... Nhưng thành tích học tập của học sinh vẫn cao chót vót.

Không chỉ ở TPHCM mà tỷ lệ HS toàn giỏi, toàn tiên tiến cũng xuất hiện tại nhiều địa phương khác. Thông qua giáo dục, nhiều năm qua chúng ta đang chứng kiến con cháu mình đều học giỏi. Khác hẳn với cách đánh giá trước đây, mỗi lớp, thậm chí cả trường không có lấy một HS giỏi, hoặc chỉ có một vài HS giỏi, tiên tiến.

Nhiều người còn ví von, HS giỏi bây giờ cũng tăng như chứng khoán, như giá nhà đất.

Cô Hoàng Thị Thu Hiền, cựu giáo viên Trường chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM nêu quan điểm, kết quả HS giỏi chiếm tỷ lệ cao là "bất thường".

Điều này xuất phát từ cuộc đua giữa các trường. Ban đầu là giữa các trường dân lập và công lập, rồi giữa các trường công lập, giữa các trường dân lập vì thành tích, vì tuyển sinh... Ngoài ra, như nhiều cảnh báo trước đó, theo cô Hiền xét điểm học bạ trong tuyển sinh đại học cũng góp phần đẩy... tỷ lệ học sinh lên cao.

"Đây là điều bất thường và dẫn đến giáo dục đi tới con đường gian dối", cô Hiền bày tỏ.

Một chuyên gia giáo dục TPHCM cho rằng, nếu ở tiểu học, đặc biệt là HS lớp 1, lớp 2 với những yêu cầu rất đơn giản, đáp ứng được yêu cầu là đạt thì tỷ lệ HS giỏi cao còn dễ hiểu. Nhưng lên các lớp, các bậc cao hơn với nhiều môn học, phân ban, chương trình lâu nay lại được xem là quá nặng, là quá tải mà tỷ lệ học sinh giỏi cao vọt là điều "chẳng biết phải nói thế nào".

Theo báo cáo của TPHCM, hơn 45% học sinh lớp 12 của thành phố xếp học lực loại giỏi (Ảnh minh họa: Hải Long).

Theo ông, ngành giáo dục, phụ huynh nhìn vào kết quả này có thể vui nhưng với HS là... nỗi đau.

"Bi kịch trước mắt của không ít học sinh giỏi toàn diện, cái gì cũng giỏi nên em không biết mình giỏi cái gì, thế mạnh của mình là gì. Nhiều HS hoang mang trên con đường hướng nghiệp, chọn nghề cũng vì... giỏi. Chưa nói đến việc nếu là thành tích ảo, gian dối ảnh hưởng đến nhân cách, lối sống của học trò", chuyên gia này cho hay.

Không hiểu nổi vì sao con mình đạt học sinh giỏi

Chị T.N.A, ở Hà Nội, có cháu học lớp 7 tại một trường ngoài công lập chia sẻ nhiều năm qua đều đạt HS giỏi toàn diện mà trong nhà phải bật cười vì không hiểu nổi cách nào để thầy cô cho được như vậy.

Chưa nói đến các kiến thức khác, chỉ riêng chữ viết của cháu, không một ai có thể đọc nổi. Chữ cháu viết là giống như dùng bút bi đang tô màu, không ra bất kỳ một nét nào. Hiện tại, gia đình đang phải đi học luyện chữ lại từ đầu như HS lớp 1. Không hiểu tại sao giáo viên vẫn đọc nổi và cho điểm rất cao.

Kết quả học tập toàn giỏi, chỉ một em khá từng gây tranh cãi ở Bà Rịa - Vũng Tàu (Ảnh: CTV).

Cách đây không lâu, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xảy ra sự việc kỳ lạ khi người thân của một HS lớp 6 đạt loại giỏi đã phản đối kết quả này vì "không hiểu nổi". Người này lên tiếng để mong mọi người nhìn nhận, tỉnh táo khi nhìn vào kết quả học của con cái trong trường học và thực tế.

Rồi HS tiên tiến đọc chữ không ra múi, học lớp 9 không làm nổi phép chia thông thường cũng là những sự việc đã từng xảy ra trong ngành giáo dục.

HS chúng ta giỏi hay cách đánh giá của chúng ta đang chạy theo thành tích? Biết bao nhiêu đứa trẻ đang phải khoác lên mình chiếc áo quá rộng? Đó là câu hỏi dành cho tất cả mọi người, từ quản lý, đến người thầy và từng phụ huynh.

Như lời nhắn trong lễ tổng kết năm học của TPHCM mới đây của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Giáo dục phải lành lạnh, quan tâm đến yếu tố "trung thực", tránh thành tích ảo. Trung thực là phải dám nói thật làm thật, thành tích thật, chấm điểm thật...

Tác giả: Hoài Nam

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP