Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển - Ảnh: NGUYỄN HÙNG |
Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online giới thiệu phân tích của tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương gởi đến chuyên mục Bạn đọc làm báo.
1. Đọc bản tin Tuổi Trẻ Online: "Học sinh giỏi nhận điểm 0 môn tiếng Anh vì... ngủ quên", chiều 3-8, ông Tạ Thanh Vũ - phó giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau - trả lời với báo chí: "Bước đầu khẳng định các giám thị coi thi đã làm đúng quy chế".
Tại phụ lục IV (coi thi), kèm theo công văn số 1523 ngày 19-4-2022 của Bộ GD-ĐT, mục 11 yêu cầu: "Trong quá trình coi thi, các tình huống bất thường (nếu có), đặc biệt là các tình huống ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh, cán bộ coi thi phải thông qua cán bộ giám sát để báo ngay cho trưởng điểm thi xem xét quyết định trước khi xử lý".
Thí sinh H.N.T. ngủ quên trong thời gian dài (so với thời gian làm bài thi môn tiếng Anh) phải được coi là tình huống bất thường. Thế nhưng, cả 2 cán bộ coi thi không báo cáo kịp thời với lãnh đạo điểm thi, đây là lỗi sai cơ bản, dẫn tới điểm 0 môn tiếng Anh của H.N.T., "bước đầu khẳng định 2 cán bộ coi thi này đã làm đúng quy chế" là vội vàng, thiếu căn cứ pháp lý.
2. Cũng theo ông Tạ Thanh Vũ: "Việc thí sinh gục xuống bàn đến 40 phút hay bao lâu thì cũng không thể xác định được thời gian chính xác và theo quy chế, giám thị không được tiếp xúc gần với thí sinh", vế đầu hoàn toàn không phù hợp.
Tại mục đ, điều 21, chương V (coi thi) - thông tư 15/2020 ngày 26-5-2020 của Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT ghi rõ: "Khi thí sinh bắt đầu làm bài, cán bộ coi thi thứ nhất đối chiếu ảnh trong thẻ dự thi và danh sách ảnh của thí sinh với thí sinh để nhận diện thí sinh, ghi rõ họ tên và ký vào các tờ giấy thi, giấy nháp của thí sinh. Cán bộ coi thi thứ hai bao quát chung; trong giờ làm bài, một cán bộ coi thi bao quát từ đầu phòng đến cuối phòng, cán bộ còn lại bao quát từ cuối phòng đến đầu phòng cho đến hết giờ thi...".
Chiếu theo đó, nếu 2 cán bộ coi thi tại phòng thi thí sinh H.N.T. (môn tiếng Anh) làm theo quy định đó thì sao có chuyện không xác định thời gian chính xác mà H.N.T. gục xuống bàn!? Phải chăng ông phó giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau "lướt" quy chế thi hay bao che cho thuộc cấp?
Yêu cầu "cán bộ coi thi không được đứng gần thí sinh" là nhằm để thí sinh tập trung làm bài tốt nhất và hạn chế tiêu cực (nếu có). Đằng này H.N.T. ngủ quên, việc đánh thức (công khai) em dậy tiếp tục làm bài không hề phạm quy.
3. Nhiều thí sinh khi làm bài thi trắc nghiệm khách quan, thường các em làm trên giấy nháp trước rồi mới tô phương án trả lời vào phiếu trả lời trắc nghiệm sau nhằm tránh sai sót.
Với trường hợp H.N.T., dù cán bộ coi thi không đứng gần vẫn hoàn toàn có thể biết để đánh thức em dậy, nhắc em tô vào phiếu trả lời trắc nghiệm trước khi hết giờ làm bài.
Rất tiếc cán bộ coi thi đã không làm, tôi không nghĩ do họ non nghiệp vụ coi thi mà - xin được nói thẳng - các vị "thả trôi" lương tâm và trách nhiệm khiến một học sinh giỏi - điểm thi: toán 8, lý 9.5, hóa 9 - ngậm ngùi chờ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm tới.
Nhiều thầy cô vẫn gọi trò là con, chúng ta có để các con của mình ngủ dài trong phòng thi để trượt tốt nghiệp và cũng không được xét tuyển vào đại học, cao đẳng hay không?
H.N.T. còn cơ hội để làm lại, nhưng nhà giáo chúng ta có cơ hội làm lại khi chúng ta - chứ không ai khác - xô đổ nguyên tắc: "không để một học sinh nào bị bỏ rơi"?
Có thể khẳng định 2 cán bộ coi thi sai cả lý lẫn tình. Buồn hơn là việc giải thích từ một lãnh đạo Sở GD-ĐT Cà Mau quá ư lạnh lùng và khô cứng.
4. H.N.T., gia đình tuy buồn lo, bức xúc, nhưng, ngủ quên trong phòng thi thì "lỗi tại tôi" rồi. Thương em nhưng không thể không nhắn nhủ, giỏi kiến thức phải đồng bộ với chắc kỹ năng sống mà kỹ năng thi, là học sinh đều phải chăm chút.
Nhiều bài học đau đáu chuyện thí sinh đi thi, nay thêm chuyện H.N.T.. Bài học đắng của H.N.T. và cũng là lời cảnh tỉnh cho các em học sinh.
T.H.T. - một học trò cũ - bình luận trên trang Facebook của tôi: "Em thấy không những giám thị vô cảm mà các bạn gần đó cũng vậy, thấy bạn gục xuống bàn, không làm bài thì có nghĩa bạn đang có vấn đề, tại sao không lên tiếng?".
Các em cần rút kinh nghiệm, có một kỳ thi, chuyện lớn xảy ra có phần do thí sinh im lặng không phản ảnh kịp thời với giám thị mà chờ thi xong về... méc mẹ.
5. Còn nhớ kỳ thi tú tài phân ban một năm 90 của thế kỷ trước, phần tự chọn trong mỗi đề thi gồm hai phần; một phần dành cho học sinh học theo chương trình phân ban, một phần dành cho học sinh đang học chương trình đại trà.
Năm đó, trường tôi có em học sinh làm luôn cả hai phần. Theo quy chế thi, bài thi này sẽ bị loại. Lúc đó, bùng lên chuyện "tha" hay "không tha". Thầy cô trong trường và gia đình em thấp thỏm chờ dù biết rất mong manh, bởi quy chế thi... "vô tình".
Mấy hôm sau, tôi nhớ như in, báo Tuổi Trẻ trên trang nhất chạy tít lớn: "Bộ Giáo dục: Tha", 20 năm rồi, trong tôi vẫn còn nguyên cảm xúc.
Với H.N.T., biết là rất khó, nhưng nhà giáo chúng tôi và còn nhiều, nhiều người, cứ mong bộ lại... tha!
Tác giả: TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ