Trong tỉnh

Khốn khổ vì chờ thi hành án!

Vụ việc đã được tòa tuyên án, đương sự cũng đã nộp số tiền hơn 3 tỷ đồng để được đảm bảo thi hành án. Thế nhưng, đã nhiều tháng trôi qua, vụ việc vẫn chưa được thực thi. Trong khi sai sót dẫn đến sự vụ kéo dài cũng được xác định nguyên nhân là từ phía Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).

Trụ sở Ngân hàng Eximbank Chi nhánh TP Vinh, nơi xảy ra sự việc.

Hơn 10 năm, bìa đỏ “nằm” trong ngân hàng

Những ngày vừa qua, vợ chồng ông Nguyễn Tất Phú (SN 1979) và bà Cát Hồng Dung (SN 1981), trú tại phường Hà Huy Tập, TP Vinh (Nghệ An) đã phải gửi đơn đến cơ quan chức năng, cầu cứu về việc Chi cục THADS TP Vinh về việc cưỡng chế để giao trả tài sản là GCNQSDĐ gắn liền tài sản trên đất của hai vợ chồng đã thế chấp tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) Chi nhánh TP Vinh. Sự việc kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của bản thân, bất luận trước đó theo yêu cầu và cam kết từ Chi cục THADS TP Vinh, hai vợ chồng đã phải vay mượn hơn 3 tỷ đồng nộp vào tài khoản của đơn vị này để đảm bảo việc thi hành án.

Theo hồ sơ vụ án, do có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh doanh nên từ ngày 28/9/2010, Công ty Thương mại CP điện tử Bình An (Công ty Bình An), địa chỉ tại phường Quang Trung, TP Vinh đã thế chấp 3 bìa đỏ của 3 hộ dân ở TP Vinh, trong đó có thửa đất số 28, tờ bản đồ số 30, diện tích 116,7m2 tại phường Hà Huy Tập, TP Vinh mang tên Nguyễn Tất Phú và Cát Hồng Dung, để vay của Ngân hàng Eximbank Chi nhánh TP Vinh số tiền 10 tỷ đồng trong thời hạn 36 tháng. Trên thực tế, quá trình giải ngân, số tiền mà Công ty Bình An thực nhận chỉ là 8,698 tỷ đồng, tương đương tỉ lệ cho vay là 69,433%.

Ngày 8/11/2011, Công ty Bình An làm văn bản đề nghị Eximbank tạo điều kiện cho công ty xuất 2 tài sản đảm bảo của bên thứ 3, trong đó có bìa đỏ của ông Phú và bà Dung. Hai vợ chồng đề xuất thay mặt công ty được trả hết nợ gốc và lãi phát sinh đối với tài sản thế chấp để nhận bìa đỏ về. Các đề xuất này được Eximbank Vinh ghi nhận nhưng Hội sở của ngân hàng này không có ý kiến phản hồi. Mặc dù sau đó, vợ chồng ông Nguyễn Tất Phú và bà Cát Hồng Dung đã có đơn gửi Eximbank Vinh nhưng vẫn không nhận được phúc đáp về việc có đủ điều kiện tất toán hay không.

Quá trình xác minh sau đó, phát hiện nguyên nhân phía Eximbank Vinh không chấp nhận việc giải chấp các tài sản đảm bảo cho Công ty Bình An là vì trước đó phía ngân hàng đã tự ý giải chấp, “lặng lẽ” tất toán khoản vay 1,7 tỷ của một trong 3 bìa đỏ nói trên mà không thông báo cho Công ty Bình An. Việc làm này không được sự đồng ý của Công ty nên đã làm thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho doanh nghiệp. Vì lẽ đó, từ đó đến nay, phía Công ty không thanh toán nợ lãi phát sinh cho ngân hàng.

Cho rằng Công ty Bình An chỉ mới thanh toán số tiền hơn 2,5 tỷ lãi suất, chưa thanh toán tiền gốc và lãi phát sinh nên ngày 6/2/2015, Eximbank Vinh đã làm đơn khởi kiện ra tòa án. Ngày 10/7/2019, TAND TP Vinh đã tuyên buộc Công ty Bình An phải có nghĩa vụ thanh toán cho Eximbank tổng số tiền là hơn 19,8 tỷ đồng, trong đó nợ gốc gần 8,7 tỷ đồng và tiền lãi suất quá hạn là 11,1 tỷ đồng. Không chấp nhận với kết quả này, người có quyền lợi liên quan là vợ chồng ông Nguyễn Tất Phú và bà Cát Hồng Dung đã làm đơn kháng cáo.

Ngày 22/9/2021, TAND tỉnh Nghệ An đã mở phiên tòa phúc thẩm, chấp nhận kháng cáo của bị đơn, buộc Công ty Bình An chỉ phải trả cho Eximbank số tiền gốc là xấp xỉ 8,7 tỷ đồng. Tiền lãi phát sinh, do lỗi từ phía ngân hàng đã làm mất tài sản đảm bảo, đồng thời không có ý kiến trả lời về việc xin tất toán của khách hàng nên tòa án xác định khách hàng không có lỗi, không có nghĩa vụ phải thanh toán.

Khốn khổ vì không được thi hành án

Do phía Công ty Bình An làm ăn thua lỗ, không có khả năng thanh toán cho Eximbank nên vợ chồng ông Nguyễn Tất Phú và bà Cát Hồng Dung đã có đơn xin tự nguyện thanh toán thay cho Công ty, với số tiền được xác định là hơn 3,15 tỷ đồng để nhận lại tài sản là bìa đỏ tại thửa đất số 28, tờ bản đồ số 30 tại khối 6 phường Hà Huy Tập, TP Vinh. Ngay sau khi bản án có hiệu lực thi hành, ngày 14/1/2022, Chi cục THADS TP Vinh ban hành thông báo số 88, cho quyết định thi hành án theo yêu cầu đối với ông Nguyễn Tất Phú và bà Cát Hồng Dung.

Ngày 6/5/2022, vợ chồng ông Phú và bà Dung đã vay mượn khắp nơi để có đủ số tiền nói trên, nộp đủ vào tài khoản của Chi cục THADS TP Vinh để tự nguyện thi hành án. Tiếp đó, trong các ngày 11 và 20/5/2022, Chi cục THADS TP Vinh ban hành các quyết định cưỡng chế, giao trả giấy tờ, buộc Eximbank Vinh phải giao giấy tờ là GCNQSDĐ cho ông Phú, bà Dung. Thời gian cưỡng chế được ấn định là 14h30 ngày 26/5.

Tuy nhiên, ngày 25/5, Hội sở Eximbank đã cử chuyên viên phòng tranh chấp Eximbank (VAMC) cùng với chuyên viên tổ xử lý nợ của ngân hàng này đã có buổi làm việc, hòa giải liên quan đến quyết định cưỡng chế. Cho rằng bản án 2 cấp của tòa án xét xử không thỏa đáng nên ngày 16/12/2021, Eximbank làm đơn kháng cáo giám đốc thẩm, đến nay Eximbank vẫn chưa nhận được thông báo từ TAND và VKSND cấp cao tại Hà Nội. Do vậy, Eximbank đề nghị tạm hoãn buổi cưỡng chế để ngân hàng thực hiện các thủ tục báo cáo cấp thẩm quyền tự nguyện thi hành án, cụ thể là xin hoãn thi hành án trong thời gian 2 tháng, kể từ ngày 25/5.

Tuy nhiên, số tiền hơn 3,15 tỷ đồng có được để nộp vào tài khoản của Chi cục THADS TP Vinh là vay lãi nặng, hai vợ chồng phải chịu lãi suất cao nên ông Phú, bà Dung không chấp nhận việc tạm hoãn mà yêu cầu cưỡng chế thi hành án ngay để đảm bảo quyền lợi.

Kết thúc buổi hòa giải, phía Chi cục THADS TP Vinh cho rằng, thời hạn 2 tháng tạm hoãn là quá lâu nên chỉ đồng ý tạm hoãn đến ngày 31/5/2022, yêu cầu phía ngân hàng phải tự nguyện thi hành án. Nếu quá thời hạn nói trên, cơ quan thi hành án ngoài việc cưỡng chế, sẽ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện thủ tục hoãn xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ thi hành án nhưng không thực hiện. Tuy nhiên, đến nay đã hết thời hạn nói trên, phía Eximbank vẫn không tự nguyện thi hành án, phía Chi cục THADS TP Vinh cũng không cưỡng chế, không phạt hành chính và ra thông báo cấm xuất cảnh như đã cam kết.

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục THADS TP Vinh cho rằng, liên quan đến vụ việc này, thủ tục cưỡng chế thi hành án đã hoàn tất. Tuy nhiên, quá trình xác minh thì phát hiện GCNQSDĐ đang ở tại Eximbank Chi nhánh huyện Đô Lương nên phía ngân hàng lại giao về cho Hội sở của Eximbank để xử lý. Chi cục cử người vào TP Hồ Chí Minh để xử lý thì Hội đồng xử lý nợ của ngân hàng cho biết đã trình vụ việc lên Hội đồng quản trị để họp bàn, tháo gỡ. “Phía ngân hàng đang hẹn cuộc họp sẽ diễn ra vào đầu tháng 7/2022.

Sau cuộc họp này, nếu phía Eximbank vẫn chây ì, không chịu trao trả tài sản cho khách hàng thì Chi cục THADS TP Vinh sẽ tiến hành cưỡng chế tại TP Vinh, hoặc sẽ ủy thác cho lực lượng THADS tại TP Hồ Chí Minh, tiến hành cưỡng chế để trao trả lại tài sản cho khách hàng”, ông Hải khẳng định.

Tác giả: Thiên Thảo

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP