Ông Lee Kun-hee qua đời hôm nay ở tuổi 78 sau 6 năm nằm viện ròng rã (Ảnh: Yonhap) |
Tập đoàn Samsung hôm nay ra thông báo cho biết, ông Lee Kun-hee - người đã gây dựng công ty điện tử Samsung thành một tập đoàn toàn cầu trong nhiều lĩnh vực như điện thoại di động, ti vi và chất bán dẫn - đã qua đời ngày 25/10 ở tuổi 78 sau hơn 6 năm được điều trị trong bệnh viện sau một cơn đau tim vào năm 2014.
Samsung cho biết, ông Lee qua đời bên gia đình, nhưng không nói rõ nguyên nhân cái chết của ông. “Tất cả chúng tôi tại Samsung sẽ luôn ghi nhớ những kỷ niệm về ông và biết ơn về hành trình mà chúng tôi đã chia sẻ với ông”, tuyên bố cho hay.
Sau khi thừa kế công ty Samsung từ người cha vào năm 1987, ông Lee đã đưa công ty nhỏ của gia đình thành một tập đoàn kinh tế sừng sỏ, mà giờ đây tham gia kinh doanh ở hàng chục lĩnh vực, từ thiết bị kỹ thuật số, công nghệ thông tin tới bảo hiểm, đóng tàu, vận chuyển…
Theo số liệu của Ủy ban thhương mại Hàn Quốc và tính toán của hãng tin Reuters, các công ty thuộc tập đoàn Samsung có doanh thu 326,7 nghìn tỷ won (289,6 tỷ USD) trong năm 2019, chiếm 17% GDP của Hàn Quốc.
Còn theo tạp chí Forbes, tổng tài sản của ông Lee Kun-hee ước tính lên tới 20,9 tỷ USD. Ông Lee Kun-hee nắm giữ nhiều cổ phần và một số bất động sản. Theo Reuters, chỉ riêng thuế thừa kế các cổ phần mà ông Lee để lại cũng có thể lên tới hàng tỷ USD.
Ông Lee là chủ sở hữu cổ phiếu giàu nhất tại Hàn Quốc, và có cổ phần tổng 4 công ty của Samsung được niêm yết trên sàn chứng khoán trị giá khoảng 18,2 nghìn tỷ won (16,1 tỷ USD).
Theo tính toán của Reuters dựa trên số liệu của Ủy ban thhương mại Hàn Quốc, các cổ phần của ông Lee bao gồm 4,18% cổ phiếu thông thường của công ty điện tử Samsung và 0,08% cổ phiếu ưu đãi trị giá tổng cộng khoảng 15 nghìn tỷ won; 20,76% cổ phần trong công ty bảo hiểm nhân thọ Samsung trị giá 2,6 nghìn tỷ won; 2,88% cổ phần trong công ty kỹ thuật - xây dựng Samsung C&T trị giá 564 tỷ won; và 0,01 cổ phần trong công ty công nghệ thông tin Samsung SDS trị giá khoảng 1,67 tỷ won.
Hai ngôi nhà của ông Lee được biết đến ở trung tâm Seoul là những ngôi nhà đắt nhất tại Hàn Quốc, rộng lần lượt 1.245 và 3.422 m, có giá khoảng 40,9 tỷ won và 34,2 tỷ won, Yonhap đưa tin hồi đầu năm nay.
Theo truyền thông Hàn Quốc và quốc tế, sự ra đi của ông Lee, nhà lãnh đạo thế hệ thứ 2 trong một tập đoàn do gia đình kiểm soát tại Hàn Quốc, để lại các vấn đề thừa kế có thể nan giải đổi với thế hệ thứ 3.
Lee Jae-yong - con cả và con trai duy nhất của ông Lee Kun-hee - hiện là Phó chủ tịch tập đoàn Samsung và nhiều khả năng sẽ nối nghiệp cha thành lãnh đạo Tập đoàn. (Ảnh: Yonhap) |
Hiện chưa rõ người vợ và 3 người con đã trưởng thành sẽ chia tài sản của ông Lee như thế nào, một vấn đề từng gây ra các mâu thuẫn trong các tập đoàn gia đình khác ở Hàn Quốc sau khi người đứng đầu qua đời.
“Đã 6 năm kể từ khi ông Lee nhập viện, vì thế nếu có một sự đồng thuận trong ở những người con, Samsung sẽ được thừa kế một cách có trật tự. Nếu không, sẽ có khả năng xảy ra mâu thuẫn”, Reuters dẫn lời một giáo sư tại Đại học Quốc gia Seoul nhận định.
Hàn Quốc áp dụng mức thuế thừa kế rất cao, 50% đối với tài sản thừa kế trị giá trên 2,5 triệu USD. Theo luật thừa kế của Hàn Quốc, trước khi áp dụng thuế thừa kế 50% đối với các cổ phiếu được giao dịch trên sàn chứng khoán, còn có mức bổ sung 20% được đưa vào giá trị thẩm định tài sản của người đã qua đời, được tính dựa trên mức trung bình 4 tháng của giá cổ phiếu trước và sau khi người này qua đời.
Theo các ước tính hiện thời, riêng đối với các cổ phiếu được liệt kê trên đây, thuế thừa kế ước tính đã lên tới 10,6 nghìn tỷ won (9,4 tỷ USD).
Ba người con của ông Lee cũng nắm giữ các cổ phần khác nhau trong các công ty thuộc Tập đoàn Samsung. Trong đó, người con trai cả có các cổ phần trị giá tổng cộng khoảng 7,2 nghìn tỷ won trong 6 công ty thuộc Tập đoàn Samsung. Hai con gái cũng nắm giữ các cổ phần trong các công ty khác nhau thuộc Tập đoàn.
Yonhap cho hay, các chuyên gia ước tính rằng những người thừa kế của ông Lee có thể chọn trả thuế thừa kế trong vòng vài năm. Theo luật Hàn Quốc, họ được phép trả góp trong vòng 5 năm.
Gia đình của Tập đoàn LG, một tập đoàn gia đình lừng lẫy khác tại Hàn Quốc, trước đó đã quyết định trả thuế thừa kế trong vòng 5 năm khi họ thừa kế các cổ phần từ người đứng đầu quá cố.
Tác giả: An Bình
Nguồn tin: Báo Dân trí