Xã hội

Khó xử mại dâm nam, đồng tính

Pháp luật chưa quy định cụ thể khiến nhà chức trách e ngại khi xử lý những hình thức tệ nạn mới, điển hình là tệ nạn mại dâm nam, đồng tính, chuyển giới

Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM) thống kê 9 tháng đầu năm 2018, cơ quan chức năng đã kiểm tra và xử phạt 90 cơ sở kinh doanh có sai phạm liên quan đến mại dâm, khiêu dâm, kích dục. Theo chi cục này, hoạt động mại dâm tại TP tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhằm cạnh tranh, câu kéo khách, nhiều tụ điểm trá hình có xu hướng ưu tiên "đất" cho hoạt động mại dâm nam, đồng tính, chuyển giới.

Núp bóng spa, massage

Vài năm trở lại đây, dạo quanh TP, kể cả vùng ven, nhiều tụ điểm mại dâm hoạt động núp bóng không ngại dùng hình ảnh khiêu dâm, kích dục của nhân viên nam, người chuyển giới để kéo khách. Bên cạnh đó, không ít đối tượng lại lợi dụng mạng xã hội, internet môi giới, giới thiệu mua, bán dâm. Chính vì vậy, lực lượng chức năng liên tiếp triệt phá nhiều ổ mại dâm nam, núp bóng cơ sở massage, spa. Điển hình, lực lượng liên ngành đã khám xét và bắt quả tang 2 nam nhân viên quan hệ đồng tính với khách tại cơ sở chăm sóc da C.S (quận 10, TP HCM).

Theo lời khai của các nhân viên, cơ sở này hoạt động từ giữa năm 2017, thường có khoảng 10 nam nhân viên. Đến đây, người mua dâm xem ảnh và chọn "bạn" với giá 300.000 đồng/giờ. Hay một doanh nghiệp tư nhân ở phường Tân Định (quận 1, TP HCM) bị công an phát hiện tổ chức hoạt động mại dâm nam. Không chỉ phục vụ ở các cơ sở, nhiều người bán dâm còn công khai đứng đường, mời chào khách. Trước đây, đường Lý Thường Kiệt (đoạn gần Trường Đại học Bách khoa TP HCM) từng là địa bàn hành nghề của nhiều người chuyển giới.

Một “động” mại dâm nam tại TP HCM bị công an triệt phá

Cần làm rõ đối tượng vi phạm

Hiện TP có 8.864 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, khiêu dâm, kích dục. Theo các chuyên gia, điều đáng lo là một số văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống tệ nạn mại dâm không còn phù hợp với thực tiễn. Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP HCM phản ánh quy định pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tệ nạn mại dâm trong bối cảnh hiện nay. Hiện pháp luật chưa quy định rõ về việc xử lý đối tượng vi phạm (người mua, bán dâm là người đồng tính, chuyển giới...).

Pháp lệnh Phòng chống mại dâm chưa đề cập cụ thể đến xử lý mại dâm đồng giới, hành vi kích dục, khiêu dâm. Theo định nghĩa trong Pháp lệnh Phòng chống mại dâm, bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác; mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu. Theo đó, mua bán dâm là việc thỏa thuận trao đổi tiền hoặc lợi ích vật chất khác với mục đích giao cấu. Trong khi giao cấu được hiểu là việc quan hệ giữa nam và nữ, còn giữa nam với nam thì chưa thuộc phạm vi điều chỉnh trong pháp lệnh. Hơn nữa, những quy định hiện hành chưa hề đề cập việc xử lý tổ chức, cá nhân bao che, thực hiện hành vi khiêu dâm, kích dục.

Từ thực tế nêu trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM đã kiến nghị Chính phủ bổ sung hành vi khiêu dâm, kích dục trong quy định xử phạt hành vi "Sử dụng việc mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh". Ngoài ra, sở đề xuất phương án lấy ý kiến chính quyền địa phương khi cấp phép hoạt động cho doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ. Như vậy, cơ quan quản lý sẽ dễ dàng kiểm soát chủ cơ sở vi phạm dùng "chiêu bài" thay tên, đổi chủ, xin cấp phép mới để "né" pháp luật.

Bày tỏ quan ngại về tệ nạn mại dâm nam, đồng tính, chuyển giới, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng các văn bản pháp luật liên quan đến tệ nạn xã hội cần có nội dung rõ ràng và cụ thể hơn. Về việc xử phạt, luật sư nhận xét cơ quan chức năng chiếu theo quy định xử phạt hành chính hiện hành. Theo đó, pháp luật quy hết tất cả đối tượng vào trường hợp có hành vi mua hoặc bán dâm. Song mức phạt còn nhẹ, chưa đủ răn đe. Đơn cử, người bán dâm chỉ bị phạt cao nhất 500.000 đồng.

Luật sư băn khoăn: "Rất ít khi đối tượng có hành vi khiêu dâm, kích dục chịu trách nhiệm trước pháp luật dù hoạt động này diễn ra nhan nhản. Liệu cơ quan chức năng có "nhát tay" trước những hình thức mới mà pháp luật chưa kịp đề cập? Theo tôi, bên cạnh mại dâm "truyền thống", pháp luật nên phân định rõ ràng những đối tượng sai phạm khi xử phạt. Ví dụ: người bán hoặc mua dâm đồng tính chịu mức phạt bằng hoặc thấp hơn, cao hơn người bán dâm khác giới...".

Lây nhiễm HIV qua đường tình dục vẫn tăng

Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP HCM thông tin chỉ 6 tháng đầu năm 2018, TP phát hiện hơn 2.400 trường hợp nhiễm mới HIV (tăng khoảng 732 trường hợp so với cùng kỳ năm 2017). Tính đến tháng 6-2018, TP có 59.107 trường hợp nhiễm HIV, 10.615 trường hợp tử vong do AIDS.

Tình hình lây nhiễm HIV trên các nhóm đối tượng nguy cơ cao (tiêm chích ma túy, mại dâm, nam có quan hệ tình dục đồng giới) tuy giảm trong những năm qua nhưng vẫn ở mức cao và có xu hướng tăng nhẹ qua đường tình dục.

Tác giả: Di Lâm

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP