Trong nước

Khẩn trương đưa ra xét xử sơ thẩm 5 vụ án

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng cần thêm cơ chế phòng chống tham nhũng, tiêu cực - đó chính là chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống

Ngày 18-3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (viết tắt là Ban Chỉ đạo) - đã chủ trì phiên họp của Thường trực Ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo xử lý đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau phiên họp thứ 19 đến nay (tháng 1-2021).

5 vụ án trọng điểm nào?

Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo cho biết từ đầu năm đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng đã kết thúc điều tra 6 vụ án đối với 70 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 5 vụ án đối với 45 bị can; xét xử sơ thẩm 4 vụ án đối với 15 bị cáo...; mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can trong một số vụ án.

Theo đó, các cơ quan chức năng đã hoàn thành xét xử sơ thẩm vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại dự án xây dựng Nhà máy Ethanol Phú Thọ và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam. Điều tra, truy tố một số vụ án trọng điểm được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như: Vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (giai đoạn 1); Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Tham ô tài sản; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI); Vụ án "Buôn lậu; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị có liên quan...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng - chủ trì phiên họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Ảnh: TTXVN

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thành lập 22 đoàn kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức Đảng và đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý. Thanh tra Chính phủ hoàn thành thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng Công ty Lâm nghiệp và Tổng Công ty Chè Việt Nam.

Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương đưa ra xét xử sơ thẩm 5 vụ án: Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco; quận 1, TP HCM), Bộ Công Thương và một số đơn vị có liên quan; vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng"; "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên; vụ án "Buôn lậu"; "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị có liên quan; vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (giai đoạn 1); vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"; "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh"; "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, Công ty VN Pharma và một số cơ quan, đơn vị có liên quan.

Việc thu hồi tài sản phải được thực hiện tốt hơn

Kết luận phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu khẩn trương tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ đã rõ. "Chúng ta phải kiên trì làm và làm triệt để chứ không bỏ lửng, không phải làm tượng trưng là có xử, mà xử là phải triệt để và khâu thu hồi tài sản phải làm tốt hơn nữa" - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ cần thiết nghiên cứu, đề xuất, báo cáo với Bộ Chính trị cho phép bổ sung chức năng phòng, chống tiêu cực trong hoạt động của Ban Chỉ đạo. Nhấn mạnh danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng thêm cơ chế phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đó chính là chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Hai nội dung này liên quan với nhau. Lợi ích kinh tế gắn liền với quyền lợi chính trị, với chức tước, với sự hư hỏng về đạo đức.

Từ đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ đạo thời gian tới, tiếp tục kiện toàn, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng. Đồng thời lựa chọn cán bộ vào Ban Chỉ đạo phải rất mẫu mực.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý cần có cơ chế thưởng, phạt đối với cơ quan, cá nhân làm tốt hoặc không làm tốt; cần phân định rõ, không giẫm chân sang việc của người khác, khi làm đồng lòng, nhất trí, quyết tâm cao, tất cả vì sự nghiệp chung.

Tác giả: Bảo Trân

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP