Giáo dục

"Kết quả này là cảnh báo nghiêm khắc với ngành giáo dục"

Trao đổi với PV về kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, GS Phạm Hồng Tung - Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới - cho rằng: "Không chỉ riêng môn Lịch sử, cả môn Ngoại ngữ là những hành trang quan trọng nhất của thế hệ trẻ hiện nay thì cả hai đều cho kết quả đáng báo động".

Tuy nhiên, trước những con số đáng báo động ấy, GS.TS Phạm Hồng Tung (Chủ biên môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông mới) lại cho rằng, so với lợi ích chung của xã hội, đó là một tín hiệu đáng mừng.

GS.TS Phạm Hồng Tung: "Cần bỏ hẳn tư duy thi gì học nấy. Nền giáo dục ứng thí đã đến lúc cáo chung"

Theo kết quả sơ bộ của kỳ thi thi THPT quốc gia năm 2018 cho thấy, gần 84% bài thi môn Lịch sử năm nay dưới điểm trung bình. So với các năm trước, điểm thi này là thấp hơn. Ví dụ điểm trung bình năm 2016 là 4,49; năm 2017 là 4,6, còn năm nay là 3,79. Theo ông, tại sao điểm Lịch sử năm nay lại thấp như vậy?

Nguyên nhân theo tôi là do phương pháp giáo dục sai lầm.

Chúng ta vẫn giáo dục theo hướng tiếp cận nội dung mà chưa chuyển sang tiếp cận năng lực.

Nhồi nhét một mớ kiến thức có sẵn vừa nặng về học thuộc ghi nhớ, vừa nặng về tuyên truyền mà không biết áp dụng vào đâu sẽ gây ra sự phản cảm, nhàm chán.

Mặc dù chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa gấp gáp nhưng người thầy vẫn truyền đạt những kiến thức từ thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa, kháng chiến chống Nguyên Mông và học sinh phải trình bày theo đúng mô-típ “Diễn biến, nguyên nhân, kết quả trận đánh” một cách máy móc. Với kiểu học này không thể tìm ra những thí sinh tài năng mà chúng ta sẽ có những con vẹt.

Do vậy, với cách ra đề thi theo hướng đánh giá năng lực như năm nay (tức không chỉ kiểm tra kiến thức học thuộc mà còn kiểm tra khả năng nhận biết, thông hiểu, vận dụng), nếu chỉ học thuộc, thí sinh sẽ không thể đạt điểm cao.

Bên cạnh đó, mặc dù đã có đề thi minh họa nhưng nhiều học sinh chủ quan không nắm vững được sự thay đổi của đề thi.

Nó giống như thể một người bị bệnh mua thuốc về nhưng lại không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng nên bị “sốc phản vệ”.

Một bộ phận khác, học sinh thi môn Lịch sử nhưng không phải môn dùng xét tuyển nên không học.

Tôi nghĩ các em chọn môn này vì với những môn Lý, Hóa, Sinh sẽ không có chuyện cầu may hoặc nếu tích bừa điểm cũng sẽ không cao. Các em đăng ký môn Sử với hi vọng biết đâu đọc câu hỏi cũng là gợi ý cho câu trả lời. Tuy nhiên đề thi này không có chỗ cho kẻ lười biếng, học hành lớt phớt. Học vẹt còn không có chỗ huống chi cầu may.

Ông nghĩ gì về những con số sau khi điểm thi được công bố và thống kê?

Không chỉ riêng môn Lịch sử, cả môn Ngoại ngữ là những hành trang quan trọng nhất của thế hệ trẻ hiện nay thì cả hai đều cho kết quả đáng báo động.

Nếu không nhận thức nghiêm túc, đây sẽ là nguy cơ cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Phổ điểm môn Lịch sử

Kết quả này cũng là một cảnh báo nghiêm khắc với ngành giáo dục. Các thầy cô phải là những người chịu trách nhiệm trực tiếp và cần tìm ra giải pháp lâu dài bền vững.

Tuy nhiên, tôi cho rằng những con số ấy đánh giá hoàn toàn chính xác và thực chất.

Với lợi ích chung của xã hội, tôi nghĩ đó là một tín hiệu đáng mừng. Xã hội cần những điểm 10. Nhưng 100 điểm 10 không thực chất còn nguy hiểm hơn nếu đó là điểm 4 -5 thậm chí là 2 - 1. Giống như khi đi khám sức khỏe, chúng ta cần biết sự thực về sức khỏe của mình mới có hi vọng chữa khỏi bệnh.

Tôi đã có dịp đi cùng với Bộ GD-ĐT thực nghiệm chương trình đến gặp trực tiếp học sinh ở rất nhiều nơi như Lào Cai, Cần Thơ, Bình Định. Khi chúng tôi hỏi: “Các con có muốn học Sử không?”, rất nhiều em thẳng thắn: “Tại sao con phải học lịch sử nước Mỹ từ 1945-1973?”. Khi các con hỏi như thế chúng tôi cũng rất biết ơn vì các con đã nói thật.

Cùng là mức điểm trung bình dưới 5 nhưng trong 3 năm thi theo phương thức "2 trong 1" thì năm nay thấp hẳn. Liệu có phải vì chất lượng làm đề của kỳ thi THPT quốc gia là chưa ổn định?

Để có được nhận thức đúng đắn, việc đầu tiên phải xem xét kết quả thi môn Lịch sử và các môn khác có phản ánh khách quan, trung thực chất lượng giáo dục hay không? Tôi đã kiểm tra tất cả các mã đề và lời giải của môn Sử thì thấy đề thi năm nay đảm bảo chất lượng cả về nội dung, hình thức lẫn kỹ thuật ra đề.

Năm nay khác đề thi năm trước là đã có sự đổi mới. Những năm trước chủ yếu kiểm tra năng lực ghi nhớ và nhận biết kiến thức, tức kiểm tra mức độ học thuộc của học sinh. Nhưng năm nay các câu hỏi đã kiểm tra được 4 nhóm năng lực.

Phổ điểm môn tiếng Anh

Hai nhóm đầu là năng lực nhận biết và thông hiểu. Nhóm này hầu hết học sinh đều có thể làm được dễ dàng. Nhóm thứ 3 là năng lực phân tích và đánh giá lịch sử. Điều này ngoài việc học thuộc và nắm được những kiến thức cơ bản, học sinh còn phải tự suy luận và đánh giá. Nhóm năng lực thứ 4 là năng lực vận dụng. Đây là đòi hỏi cao nhất trong quy trình đánh giá được toàn thế giới áp dụng. Phần này chiếm khoảng 15% số câu hỏi và mang tính chất phân loại học sinh. Cách ra đề thi như vậy là hoàn toàn khoa học từ phạm vi đến nội dung kiến thức.

Trước những kết quả này, theo ông, đề thi năm nay đã tiệm cận được với chương trình phổ thông mới hay chưa?

Kết quả chưa đáp ứng được hoàn toàn mà mới chỉ đang chuyển đổi từng bước. Tôi nghĩ bước đầu làm được như vậy đã là rất tốt. Chúng ta đang tập làm quen với hướng đi khoa học và đúng đắn. Ưu điểm của đề thi trắc nghiệm khách quan là không ai can thiệp được vào việc chấm thi, từ đó tránh được sự cảm quan và tiêu cực trong thi cử.

Tuy nhiên, ra được đúng câu hỏi khách quan và đánh giá được đúng năng lực lại là một thách thức rất lớn cho người ra đề.

Chúng ta không thể chấp nhận được việc học một đằng, thi một nẻo. Đó là nguyên tắc từ Nghị quyết của Đảng đến chỉ đạo của Bộ GD-ĐT.

Cần bỏ hẳn tư duy thi gì học nấy. Nền giáo dục ứng thí đã đến lúc cáo chung.

Bây giờ, việc học phải là học gì thi nấy.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều đó cần có thời gian và sự chuẩn bị, nhất là những người chịu trách nhiệm chuyên môn và tổ chức chương trình đổi mới giáo dục và đổi mới thi cử.

Với những môn Khoa học xã hội, chúng ta phải làm từng bước để xã hội, thầy cô giáo và học sinh tập làm quen với sự thay đổi đó.

Tác giả: Thúy Nga (Thực hiện)

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP