Pháp luật

Kê biên 40 tỷ đồng, 5 bất động sản và hàng triệu cổ phần vụ buôn lậu đất hiếm

Khối tài sản gồm 5 bất động sản, hơn 4,9 triệu cổ phần, 40 tỷ đồng đã được cơ quan điều tra phong toả, kê biên trong vụ buôn lậu đất hiếm gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 864 tỷ đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa ra kết luận điều tra, đề nghị truy tố Chủ tịch công ty Thái Dương - Đoàn Văn Huấn, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc cùng 25 bị can trong vụ khai thác trái phép, buôn lậu đất hiếm ở tỉnh Yên Bái. Vụ án được xác định gây thiệt hại cho khoáng sản của Nhà nước, tổng thiệt hại trị giá hơn 864 tỷ đồng.

Chủ tịch công ty Thái Dương - Đoàn Văn Huấn bị đề nghị truy tố về các tội danh "Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên", "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", "Gây ô nhiễm môi trường".

Các bị can Đoàn Văn Huấn (trái, Chủ tịch công ty Thái Dương); Nguyễn Văn Chính (Phó Tổng giám đốc công ty Thái Dương) và mỏ đất hiếm tại tỉnh Yên Bái.

Theo kết luận điều tra, lực lượng chức năng đã phong toả khối tài sản bao gồm 3 bất động sản tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, 2 bất động sản tại Hà Nội, 3,5 triệu cổ phần trị giá 350 tỷ đồng. Các tài sản này đứng tên Đoàn Văn Huấn, vợ Huấn và anh trai Huấn.

Đồng thời, cơ quan chức năng kê biên 1,4 triệu cổ phần, trị giá 14,625 tỷ đồng đứng tên bị can Lưu Anh Tuấn (Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam). Phong toả số tiền 40 tỷ đồng tại 20 sổ tiết kiệm của bị can Đỗ Hạnh Hương (Phó Giám đốc công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam).

Kết luận điều tra xác định Chủ tịch công ty Thái Dương - Đoàn Văn Huấn có hành vi bán trái phép hơn 10.292 tấn quặng hàm lượng TREO 18-20%, trị giá 403 tỷ đồng và 280.846 tấn quặng sắt, trị giá 333 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính 736 tỷ đồng.

Một khách hàng mua quặng trái phép của Đoàn Văn Huấn là bị can Lưu Vũ (quốc tịch Trung Quốc), Giám đốc Công ty HUYHUANG. Điều tra xác định, năm 2018, Vũ tới Việt Nam tìm nguồn mua quặng đất hiếm chuyển về Trung Quốc để bán cho các cơ sở chế biến.

Lưu Vũ biết rõ đất hiếm tại mỏ Yên Phú (tỉnh Yên Bái) của công ty Thái Dương chưa tinh chế đủ tới điều kiện xuất khẩu. Bản thân Đoàn Văn Huấn cũng trao đổi rõ nếu Vũ mua quặng, việc mua bán không thể ký hợp đồng, xuất hóa đơn do quặng chưa được phép bán. Việc mua bán là vi phạm pháp luật.

Tuy vậy, từ tháng 5/2020 – 6/2021, Lưu Vũ vẫn mua tổng số 1.953 tấn đất hiếm với tổng giá trị hơn 70 tỷ đồng của Đoàn Văn Huấn, đã thanh toán hơn 59 tỷ đồng. Hiện Lưu Vũ đang bị tạm giam với cáo buộc về tội "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có".

Một "khách hàng" khác của Đoàn Văn Huấn là Lưu Đức Hoa (quốc tịch Trung Quốc) hiện đang bị truy nã. Kết luận điều tra xác định, Lưu Đức Hoa đã mua 2.160 tấn quặng đất hiếm từ Huấn. Để buôn lậu mặt hàng này, Lưu Đức Hoa chỉ đạo nhân viên pha trộn các chất phụ gia, tạo quặng đất hiếm thành màu trắng đục.

Sau đó, các bị can đóng gói "đất hiếm" trong các bao bì giả gạo ghi ở ngoài nhãn hiệu "BẢO KHANG RICE, Chuẩn cơm mẹ nấu, cơm dẻo mềm thơm đặc trưng". Việc này nhằm ngụy trang, che giấu quặng đất hiếm.

Đất hiếm có nhiều tính chất đặc biệt như từ tính, quang học, điện hóa và siêu dẫn. Đất hiếm có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực như: Dùng để chế tạo nam châm vĩnh cửu, chế tạo các đèn cathode trong máy vô tuyến truyền hình, xúc tác trong công nghệ lọc hóa dầu và xử lý môi trường, dùng làm vật liệu siêu dẫn...

Tác giả: Trọng Phú

Nguồn tin: vov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP