Giáo dục

Học sinh tự chọn giáo viên, giải pháp giáo dục tích cực?

Các em sẽ chọn giáo viên dễ, chiều chuộng mình thay vì chọn giáo viên dạy giỏi hay không? Đó là một trong nhiều lo lắng của bạn đọc trước thông tin học sinh tại TP. Cao Lãnh (Đồng Tháp) được tự chọn giáo viên.

Học sinh Trường THCS Kim Hồng háo hức điền vào phiếu đăng ký chọn giáo viên và môn học trái buổi - Ảnh: NGỌC TÀI


Các trường THCS trên địa bàn thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) có tổ chức học hai buổi/ngày sẽ cho học sinh chủ động chọn môn học và giáo viên buổi học thứ hai (trái buổi).

Việc này bắt nguồn từ sự thay đổi lớn của Phòng GD-ĐT thành phố Cao Lãnh trong cách dạy và học của các trường THCS trên địa bàn, với buổi học thứ hai - trái buổi. Chương trình mong muốn tạo động lực cho giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy để thu hút học sinh “về đội của mình”.

Nhiều ý kiến cho rằng đây là một đề xuất giáo dục mang tính đổi mới, giúp học sinh chủ động hơn trong việc học tập, khuyến khích giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy.

Tuy vậy, vẫn có không ít băn khoăn trong việc liệu rằng học sinh có chọn giáo viên dựa trên chất lượng giảng dạy hay vì những lý do khác, các giáo viên không được học sinh chọn nhiều có thiệt thòi không,…

Giải pháp hay cần khuyến khích

Theo GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên phó trưởng ban Ban Khoa giáo trung ương, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, đây là một giải pháp rất mới mẻ, ý tưởng tuy đã có từ lâu nhưng trước TP Cao Lãnh, dường như chưa có nơi nào “can đảm” thực hiện.

Đồng tình với ý kiến trên, Th.S Lê Thị Loan, nguyên trưởng Khoa Giáo dục, Học viện quản lý giáo dục (Hà Nội), cho rằng đây là một thử nghiệm hay, không những đặt quyền lợi học sinh lên trên hết mà còn tạo được sự cạnh tranh giữa các giáo viên trong hội đồng sư phạm, khuyến khích giáo viên nỗ lực hết mình để nâng cao trình độ chuyên môn nhằm phục vụ học sinh tốt hơn.

“Cần xem xét ở góc độ giáo viên là người cung cấp dịch vụ, còn học sinh là đối tượng tiếp nhận dịch vụ ấy”, bà Loan nêu ý kiến.

Ở khía cạnh khác, PGS.TS Phan Trọng Ngọ - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Sư phạm (Đại học Sư phạm Hà Nội) - cho rằng việc cho phép học sinh được tự chọn thầy cô trong giờ học trái buổi có những ưu điểm như tăng cường tính dân chủ trong việc học tập và giảng dạy trong nhà trường, khuyến khích học sinh phát triển tính tự lập, tự quyết, tính chủ thể, độc lập.

“Đây là những mặt rất tích cực, nếu ta lấy những điểm này làm mục tiêu để thực hiện nghiêm túc và thận trọng thì đây là một giải pháp nên khuyến khích”, ông Phan Trọng Ngọ nói. Tuy nhiên, theo ông Ngọ, thường giải pháp giáo dục nào cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực, do vậy để xác định tính hiệu quả của một giải pháp cần xem xét cách thực hiện.

Cần chuẩn bị tâm lý cho học sinh và giáo viên

Theo PGS.TS Phan Trọng Ngọ, để tránh trường hợp giải pháp hay nhưng lại phản tác dụng giáo dục do bị lạm dụng hoặc thực hiện sai mục tiêu, trước tiên cần chuẩn bị tâm lý cho học sinh, giáo viên và phụ huynh cũng như chuẩn bị các điều kiện về mặt xã hội.

Về phía học sinh, cần đặt ra câu hỏi liệu rằng khi lựa chọn giáo viên, các em có quyết định một một cách nghiêm túc dựa trên suy nghĩ mang tính tích cực của mình không, hay chọn vì những lý do như giáo viên dễ, ít sử dụng thời gian trên lớp vào chuyên môn, hay kể chuyện, hay cho học sinh chơi,…

Học sinh thường thích những điều này hơn là việc học, các em cũng dễ bị ảnh hưởng bởi sự lựa chọn của bạn bè. Do vậy, việc đầu tiên cần làm là chuẩn bị nhận thức cho các học sinh.

Th.S Lê Thị Loan cho rằng đây là vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý, người hiệu trưởng do đó phải rất bản lĩnh, khi thực hiện chủ trương phải nhận được sự đồng ý và hòa thuận giữa các giáo viên với nhau.

“Là đồng nghiệp với nhau nên vấn đề này cũng khá nhạy cảm, người được chọn nhiều, người được chọn ít, thế nào cũng có những ngậm ngùi, tị nạnh, thậm chí nếu không được chuẩn bị tâm lý tốt có thể dẫn đến sự đố kị lẫn nhau” - bà Lê Thị Loan cảnh báo.

Về mặt xã hội, theo ông Phan Trọng Ngọ, nếu không tạo được làn sóng dư luận tốt, phụ huynh cũng như giáo viên có thể sẽ không đánh giá được hết những cái hay và những điểm tích cực mà chỉ nhìn thấy những hạn chế, khó khăn.

“Tất cả những vấn đề này cần phải được chuẩn bị thật kĩ. Trước mắt cần chuẩn bị về mặt tâm lý cho học sinh, phụ huynh và các giáo viên. Không chỉ riêng giải pháp này mà tất cả những hoạt động giáo dục nghiêm túc và có định hướng đều cần công tác chuẩn bị kĩ càng về mặt tâm lý và các điều kiện xã hội, và nhất thiết phải có thí điểm”, ông Phan Trọng Ngọ nói.

“Không có thí điểm rất dễ sinh lộn xộn”

Đó là nhận định của GS.TS Phạm Tất Dong. Theo ông Dong, cần tổ chức thực hiện thí điểm tại một số trường trên địa bàn để thấy được những điểm còn hạn chế và tìm cách khắc phục.

Cần xem xét những vấn đề như học sinh cấp hai liệu có đủ chín chắn trong suy nghĩ để tự chọn giáo viên cho mình hay chưa? Có dồn hết gánh nặng giảng dạy cho một số thầy cô được học sinh chọn nhiều hay không? Nếu tính toán dựa trên mật độ giáo viên thì trong trường hợp một người không được học sinh chọn, số tiết dồn cho những người khác là bao nhiêu?...

Ngoài ra, còn một vấn đề rất quan trọng cần được xem xét, đó là việc giáo viên vì một lý do nào đó không được học sinh chọn sẽ mất uy tín giảng dạy. “Trong cuộc đời của một giáo viên, không phải ngày một, ngày hai mà đã dạy tốt được. Tôi rất ngại trường hợp một thầy cô không được học sinh chọn, người ngoài đâu có biết lý do thực sự là gì, lại nghĩ ngay rằng người ấy dạy không tốt, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của giáo viên ấy, có khi họ không trụ lại được mà đành phải ra đi”, ông Phạm Tất Dong nói.

PGS.TS Phan Trọng Ngọ nhận định: Đây là một giải pháp giáo dục rất tích cực, mang tính đổi mới và cởi mở. Tuy nhiên trong bối cảnh văn hóa và hoàn cảnh hiện nay thì nên thực hiện một cách rất thận trọng.

Một mặt là phải thử nghiệm trên phạm vi hẹp, mặt khác phải tạo được dư luận lành mạnh. Trường nào tổ chức thí điểm phải trên tinh thần cầu thị và khoa học, hướng đến một giải pháp mang tính chất tích cực đối với học sinh.

Tác giả bài viết: Võ Hương - Mai Nguyễn - Mạnh Khang

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP