Học sinh Anh nhường bạn chiến thắng cuộc thi: Khoảnh khắc cảm động khi các nam sinh lớp 6 quàng vai nhau, cùng về đích, nhường chức vô địch cho bạn học mắc hội chứng Down.
Câu chuyện trên diễn ra trong ngày hội thể thao do trường tiểu học St Oswalds ở Manchester, Anh, tổ chức.
Ban đầu, Daniel Boyers, 10 tuổi, không muốn tham gia hoạt động của trường vì sợ bị cười nhạo. Căn bệnh bại não khiến em không thể cử động linh hoạt như các bạn. Những năm trước, Daniel cũng tham gia thi chạy và luôn về cuối nên cậu bé rất tự ti.
Khoảnh khắc cảm động khi Daniel về đích đầu tiên trong cuộc thi chạy. Ảnh cắt từ clip.
Tuy nhiên, cuộc đua năm nay khiến nhiều người xúc động khi các vận động viên nhí giảm tốc độ, chạy cùng Daniel và để cậu đến đích đầu tiên. Cậu bé 10 tuổi bật khóc. Chiến thắng này là món quà ý nghĩa các bạn tặng nam sinh không may mắn.
Ở Anh, ngày hội thể thao tại các trường không chỉ là dịp để học sinh rèn luyện sức khỏe, mà còn là cơ hội thắt chặt tình đoàn kết, học cách cảm thông, chia sẻ.
Trước đó, câu chuyện tương tự tại trường tiểu học Wrawby St Mary's C of E cũng khiến nhiều người không kìm nổi nước mắt.
Telegraph cho hay, trong cuộc thi chạy 100 m, các nam sinh lớp 6 đã quàng vai nhau, chạy với tốc độ khá chậm để nhường chiến thắng cho bạn học Rory Kettles, 11 tuổi, mắc chứng Down. Các em cùng về đích ở vị trí thứ hai trong tiếng reo hò của khán giả.
Không chỉ các bạn nhỏ người Anh, học sinh Australia cũng khiến cộng đồng mạng thán phục. Cậu bé Jerome Johnstone, 11 tuổi, luôn đạt thành tích cao về thể dục thể thao. Jerome thường xuyên giành chiến thắng trong các cuộc chạy thi do trường tiểu học Serpentine tổ chức.
Tuy nhiên, cuộc thi năm nay là một ngoại lệ. Nam sinh đã từ bỏ cuộc đua để đồng hành cùng Seth Johnstone, cậu bé 10 tuổi mắc bệnh bại não.
Trường học không chỉ là nơi dạy chữ
Những câu chuyện trên nhanh chóng lan tỏa trên mạng xã hội. Cộng đồng online cảm phục lòng dũng cảm và quyết tâm chinh phục thử thách của các bạn nhỏ kém may mắn, đồng thời thán phục tinh thần đồng đội, ý thức giúp đỡ bạn bè của những học sinh tiểu học.
“Tôi không thể kìm nổi nước mắt khi chứng kiến khoảnh khắc các em từ từ tiến về đích. Daniel là nhà vô địch và tất cả các em là người chiến thắng”, Catherine Fletcher bình luận dưới video ghi lại cảnh Daniel Boyers hoàn thành cuộc thi.
Nhiều người cho rằng, giải thưởng lớn nhất dành cho Daniel, Rory hay Seth không phải chiếc huy chương vàng, mà là những người bạn sẵn sàng đồng hành, chia sẻ vinh quang. Theo cách đó, các em là tấm gương để nhiều bạn noi theo.
“Tôi hy vọng con trai mình trưởng thành, có được ý chí của Seth và lòng tốt bụng của Jerome”, Lovisa nói.
Các nam sinh quàng vai, cùng về nhì, nhường chiến thắng cho người bạn mắc hội chứng Down. Ảnh: Caters News Agency.
Độc giả Philip Seddon bình luận, những câu chuyện về tinh thần tương thân tương ái này đã thay đổi cách nhìn của ông về môi trường giáo dục nước Anh.
Ông viết: “Những đứa bé có thể độc ác theo cách hồn nhiên nhất. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng, các em cũng có thể rất tốt bụng. Điều làm nên sự khác biệt là giáo dục mà các em nhận được”.
Trên thực tế, bạo lực học đường là vấn nạn tại các quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Australia. Những học sinh tàn tật hoặc có vẻ khác biệt bị trêu chọc, đánh đập và cô lập. Khi xã hội ý thức được tính nghiêm trọng của vấn đề này, nhiều người chia sẻ cơn ác mộng họ trải qua thời đến trường.
Những câu chuyện đáng tiếc ấy gióng hồi chuông cảnh tỉnh về thực trạng giáo dục. Từ năm 2012, nhiều trường học ở Anh phát động chiến dịch chống bạo lực học đường. Phụ huynh phản ứng khá quyết liệt. Tuy nhiên, thay vì đổ hết lỗi lên nhà trường, giáo viên, họ thừa nhận, bản thân mình cũng có trách nhiệm.
Hành động đẹp của các nam sinh khiến hàng triệu người cảm phục trong thời gian qua là thành quả từ quá trình giáo dục, định hướng hành vi của gia đình và nhà trường.
Mariclare Potterton, Hiệu trưởng trường Wrawby, chia sẻ: “Trong quá trình dạy học, nhà trường tạo cho học sinh suy nghĩ các em đều quan trọng như nhau. Chúng tôi muốn, thay vì cạnh tranh, các em học cách trưởng thành bằng cách giúp nhau cùng tiến về phía trước”.
Bà cho biết, nhiều giáo viên đã bật khóc khi chứng kiến học trò biết yêu thương nhau. Họ rất cảm động và tự hào vì các em đã biến bài học về tinh thần đoàn kết, tương trợ thành hành động cụ thể.
Nhìn người ngẫm ta
Ở Việt Nam, giáo dục đang ngày càng được đầu tư. Nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng chi số tiền lớn để con học trường điểm hay học thêm tại nhà giáo viên danh tiếng, trung tâm uy tín. Nhà trường tích cực dạy thêm, nỗ lực nâng cao thành tích học tập của học trò.
Trẻ em được học kỹ năng sống, mối quan hệ bạn bè, tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết bạn học.
Tuy nhiên, thực tế lại khác sách vở. Nhà trường, lớp học trở thành môi trường mang tính cạnh tranh cao, ý thức giúp đỡ bạn học nhạt dần.
Thời gian gần đây, người lớn sốc khi chứng kiến học sinh buông lời nhục mạ, thượng cẳng chân hạ cẳng tay chỉ vì mâu thuẫn nhỏ. Thay vì can ngăn, giúp đỡ nạn nhân, bạn học vây quanh hò reo, cổ vũ rồi quay clip đăng lên mạng hoặc thờ ờ vì chuyện không liên quan mình.
Ở góc độ nào đó, môi trường giáo dục đang tạo cho trẻ em tâm lý ganh đua thay vì tương trợ. Nó xuất phát từ việc nhiều trường dùng thành tích để đánh giá học sinh, phần lớn gia đình đặt điểm số lên hàng đầu.
Các bậc cha mẹ thường hỏi con được bao nhiêu điểm chứ không mấy người để ý việc con mình đã giúp đỡ ai ở trường. Nhiều người thậm chí lấy giấy khen của con ra để “hơn thua” với người khác.
Ở Nhật Bản, khi chứng kiến bạn liên tục thất bại trong bài thi nhảy cao, các em nhỏ không cười đùa, chế giễu mà động viên, bày tỏ sự tin tưởng bạn có thể làm được.
Các em hành động đẹp như vậy là vì, ngay từ nhỏ, cha mẹ đã dạy giúp đỡ người khác. Hình ảnh những học sinh Nhật đưa đón các em lớp dưới đi học là bài học trực quan về cách giáo dục tinh thần tương thân tương ái, cũng như tính tự lập.
Có lẽ ở Việt Nam, nhiều phụ huynh bao bọc quá chặt, giáo viên mới chỉ tập trung việc truyền đạt kiến thức khiến các em quên mất cách san sẻ nỗi buồn, động viên nhau và chia sẻ chiến thắng.
Tác giả bài viết: Nguyễn Sương
Nguồn tin: