Thế giới

Hoảng sợ, bật khóc gọi về VN - ngày hãi hùng của người Việt ở Beirut

Lao động Việt Nam tại Beirut chia sẻ với Zing trải nghiệm kinh hoàng do vụ nổ tại cảng biển thành phố này tối 4/8, khẳng định đây là khủng hoảng tiếp theo Lebanon phải đối mặt.

Vào thời điểm hàng nghìn tấn chất hóa học phát nổ tại cảng Beirut tối 4/8, chị Từ Thị Năm - lao động Việt Nam 30 tuổi tại Lebanon - đang ở trong căn biệt thự thuộc khu vực Aley, cách hiện trường vụ nổ khoảng 18 km về hướng đông nam.

"Lúc đó, vào khoảng 18h tối giờ địa phương, mình đang ở trong nhà dùng điện thoại, còn chủ nhà ở ngoài vườn", chị Năm nói với Zing hôm 5/8, đề cập đến chủ căn biệt thự trên ngọn đồi ở Aley, nơi chị đang làm giúp việc.

Dù ở cách hiện trường gần 20 km, chị cho biết vẫn cảm nhận được vụ nổ khiến "nhà rung lên". Sang Lebanon làm việc từ năm 2010 cho tới nay nhưng lao động Việt 30 tuổi này cho biết chưa từng chứng kiến điều gì tương tự.

"Người ở đây cũng nói đây là lần đầu tiên xảy ra vụ việc như vậy", chị Năm chia sẻ.

Trực thăng được huy động để dập lửa vụ nổ ở cảng Beirut tối 4/8. Ảnh: AFP.

Tiếng nổ "như sấm", cửa sổ vỡ vì chấn động

Hai vụ nổ chấn động liên tiếp ở cảng Beirut tối 4/8 gây rung chuyển các tòa nhà và khiến thủ đô Lebanon rơi vào cảnh hỗn loạn. Số người thiệt mạng hiện đã lên tới 135, trong khi hơn 5.000 người bị thương trong vụ việc. Người dân sinh sống dọc bờ biển Địa Trung Hải, cách Beirut 180 km, cũng nghe thấy tiếng nổ và cảm nhận được dư chấn.

Theo tường thuật của AFP, vụ nổ thứ hai với tiếng động kinh hoàng gây ra một quả cầu lửa màu cam khổng lồ lên bầu trời, san phẳng bến cảng và tạo ra một làn sóng chấn động giống như cơn lốc xoáy lan ra xung quanh, phá vỡ các cửa sổ cách xa hàng cây số.

Chia sẻ với Zing, chị Năm cho biết tại thời điểm đó, cửa sổ nhà chị đang ở bị va đập mạnh khiến lọ hoa thủy tinh cạnh đó rơi vỡ.

Chị Từ Thị Năm, lao động Việt 30 tuổi tại Beirut, Lebanon. Ảnh: Từ Thị Năm.

"Lúc ấy, mình hốt hoảng hét lên. Ban đầu mình tưởng là sấm vì có tiếng nổ bùm rất to. Sau đó, chủ nhà ở ngoài chạy vào và mở TV lên xem. Bà có nói lại với mình là nổ container pháo hoa, đừng sợ", lao động Việt này chia sẻ lại thông tin ban đầu mà chị tiếp nhận được về vụ việc.

"Nhà mình không bị vỡ cửa sổ nhưng một đồng nghiệp mình ở gần đây kể lại là cửa sổ nhà họ có bị vỡ", chị Năm nói và cho biết từ vị trí nhà chị không nhìn thấy cột khói ở cảng do "nhà ở trên đồi, cây cối che lấp hết".

Trong khi đó, T. Thu, 29 tuổi, nhân viên tiệm nail, đang tranh thủ nghỉ ngơi sau ngày làm việc dài thì nghe thấy tiếng nổ. “Mình còn tưởng là cái gì rơi. Cửa nhà rung lên. Ba lớp cửa kính xô vào nhau lạch cạch nhưng không vỡ”, Thu nói với Zing qua điện thoại từ Beirut. Lao động này hiện sinh sống làm việc tại vùng núi cách hiện trường vụ nổ khoảng 30 km.

Mười phút sau, quản lý của chị Thu hớt hải chạy vào thông báo đó là một vụ nổ, nhưng chưa rõ nguyên nhân.

Chị "chết lặng, chân tay bải hoải", rồi cuống cuồng gọi cho chị gái, người ở Achrafieh, quận lâu đời và du lịch nổi tiếng của Beirut, cách tâm chấn vụ nổ chỉ khoảng 2 km.

“Chị mình đang ngồi ngay gần cửa sổ kính. Khi chị vừa đứng lên, một tiếng nổ rầm trời vang lên. Cửa kính vỡ tan nát, may mà tránh kịp không thì bị cứa khắp người”, lao động Việt 29 tuổi này kể lại chi tiết cuộc hội thoại với chị gái mình.

Vụ nổ khiến các cửa kính bật tung, vỡ nát, toàn bộ đồ đạc bị xáo trộn bên trong ngôi nhà của chị gái Thu, nơi cách vụ nổ Beirut khoảng 2 km. Ảnh: T. Thu

“Nhà chị mình như vừa trải qua một trận bão lớn. Bàn ghế xộc xệch, đồ đạc đổ vỡ tan tành. Chị nói mọi người hoảng loạn chạy tán loạn nhưng cuối cùng lại quay vào nhà vì không biết đi đâu. Mắt nhắm tịt lại, mọi thứ đen ngòm, không nghĩ được gì cả”, chị kể tiếp.

Phản ứng trước vụ nổ, chủ nhà của chị Năm cũng ngay lập tức gọi điện cho con trai đang ở Beirut về nhà, nhưng may mắn người này vẫn an toàn.

"Mẹ mình ở Việt Nam xem tin tức cũng rất lo lắng, nhưng mình có trả lời là không sao rồi, vì may mắn không ở trong thành phố Beirut", chị Năm chia sẻ.

Một người Việt bị thương nhẹ, "sức khỏe ổn định"

Theo xác nhận của Thủ tướng Lebanon Hassan Diab, vụ nổ làm rung chuyển thủ đô nước này tối 4/8 là do 2.700 tấn ammonium nitrate - chất được sử dụng làm phân bón - trữ trong nhà kho tại cảng Beirut phát nổ.

Nơi ở của chị Trần Thị Huế, lao động Việt Nam làm nghề giúp việc tại Lebanon, chỉ cách hiện trường vụ nổ chưa đầy 1 km. Khoảnh khắc hàng nghìn tấn chất hóa học bốc cháy, lao động Việt 46 tuổi này đang ngồi ngoài hiên nhà của gia đình chủ.

“Ban đầu tôi thấy rung lắc nhẹ, tưởng động đất giống lần trước nên cứ cố ngồi”, chị Huế kể lại với Zing.

“Nhưng nghĩ sợ cửa kính vỡ đè vào người nên đứng dậy đi vào trong nhà. Tôi vừa đứng lên thì nổ một quả trước. Tôi chỉ kịp luồn tay đẩy cửa ra để đi vào thì nổ tiếp quả nữa. Người tôi lúc đó đổ theo cửa kính, vồ xuống đống kính nát. Kính bay phăng phăng ra khắp nhà nhưng may không mảnh nào bay vào mặt”, chị nói thêm.

Người phụ nữ này vẫn hồi hộp khi hồi tưởng khoảnh khắc được bình an vô sự trong gang tấc “nhờ có phúc lớn”. Bằng giọng gấp gáp, chị miêu tả lại cho Zing qua điện thoại: “Tất cả tường và cánh cửa làm bằng gỗ tốt đều sứt do bị kính văng vào. Toàn bộ đồ chai lọ trên bàn vỡ hết. Bóng điện kêu leng keng cả”.

Ngay sau khi cầm được điện thoại, chị Huế lập tức vào mạng để kiểm tra mạng có bị ngắt hay không. Vẫn thấy có tín hiệu và con trai đang trực tuyến, chị gọi luôn cho con trai tên Nam đang sinh sống ở Hà Nội.

“'Nam ơi, mẹ về! Nam ơi, số điện thoại của mẹ đây nhé’. Đấy, chỉ nói được vậy thôi xong là tôi khóc”, chị Huế xúc động kể lại, đề cập đến ý định muốn về nước ngay vì sợ hãi.

Cửa kính và đồ đạc bằng thủy tinh trong nhà chủ của chị Huế vỡ vụn do vụ nổ tối 4/8. Ảnh: Trần Thị Huế.

Đến sáng 5/8, chị Huế tới một bệnh viện gần đó để thăm một nữ lao động người Việt khác bị thương có tên là Nga, người ở cách hiện trường cũng khoảng 1 km. Theo mô tả của chị, bệnh viện khi đó "rất hỗn loạn" và "sập điện liên tục".

Trong thông cáo liên quan tới tình hình công dân Việt Nam tại Lebanon, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết ngay khi có thông tin về vụ nổ, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Lebanon đã liên hệ với cộng đồng người Việt Nam tại Lebanon, Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Lebanon để tìm hiểu thông tin.

Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Lebanon Trần Thành Công xác nhận đã có 1 công dân Việt Nam bị thương trong vụ nổ. Công dân này bị thương nhẹ và đã được đưa vào bệnh viện điều trị, tình trạng sức khỏe ổn định.

Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình, giữ liên lạc với sở tại và sẵn sàng các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.

Trả lời Zing từ Beirut tối 5/8, chị Đặng Huyền Nga, quê Thái Nguyên, xác nhận chị là người bị thương do ảnh hưởng của vụ nổ một ngày trước đó.

"Tôi vào viện từ hôm qua nhưng vẫn chưa được phẫu thuật. Tôi bị gãy tay, bong gân chân và đau nửa bên đầu. Thấy y tá bảo tôi phải mổ để đóng đinh và bó bột", chị Nga trả lời Zing qua tin nhắn.

Khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng

Chị Phan Thị Nhung, 32 tuổi, người mới sang Lebanon 6 tháng sau khi kết hôn với người chồng bản địa, cho biết nhà chị không bị thiệt hại gì vì cách khá xa tâm chấn nhưng các anh em trong gia đình ở gần hiện trường chịu thiệt hại nặng nề.

Chia sẻ với Zing từ Sidon, thành phố nằm bên bờ Địa Trung Hải cách thủ đô Beirut 40 km về phía nam, chị Nhung miêu tả khí độc từ vụ nổ lan đến tận thành phố của chị nên mọi người ra đường phải đeo khẩu trang và chỉ đi ra ngoài khi cần thiết.

“Kinh tế thì bất ổn, đất nước bị lạm phát, dịch Covid-19 rồi thêm vụ nổ như thế này thì còn gì nữa”, chị than thở và nói thêm rằng bố chồng chị mô tả “vụ nổ nghiêm trọng hơn cả nội chiến” và “kinh khủng nhất trong thời bình”, như là “nổ bom nguyên tử”.

“Covid-19 đến, chồng mình vẫn kẹt ở Ấn Độ chưa thể bay về. Giờ lại thêm vụ nổ, mình chỉ mong chờ đến ngày được về Việt Nam thôi”, người phụ nữ Việt 32 tuổi chia sẻ.

Khung cảnh tan hoang ở cảng Beirut sau vụ nổ tối 4/8. Ảnh: AP.

"Trước khủng hoảng Covid-19, bên này đã bị khủng hoảng kinh tế. Giá cả mọi thứ đều lên. Đến nay, người dân gần như không thể gượng dậy được nữa. Các sạp hàng ở trong siêu thị chỉ có một vài mặt hàng, không còn cả đồ để mua. Siêu thị nhỏ dưới cổng nhà tôi cũng chỉ cho mỗi người mua 1 kg gạo/lần, còn để cho người khác", chị Huế nói.

Lao động Việt 46 tuổi này khẳng định rất muốn trở về Việt Nam nhưng điều kiện kinh tế không cho phép. "Nhà chủ bên này không thể gượng dậy được. Một số lao động Việt suốt 6-7 tháng nay không được trả lương", chị Huế chia sẻ.

Đợt đầu tiên dịch Covid-19 bùng phát ở Lebanon, công ty của chị Thu đóng cửa một mạch 3 tháng từ 13/3-8/6. Chị gần như không nhận được tiền trợ cấp, cũng không thể trở về Việt Nam bên chồng con.

Được gần một tháng đi làm lại, dịch Covid-19 lại bùng phát lần hai khiến chị không khỏi lo ngại. “Sang đây là xác định để làm việc. Không có ai sang chơi cả. Nhưng người dân ở đây quá chủ quan, không đeo khẩu trang hay phòng chống gì mà vẫn đi lại bình thường”, chị Thu nói.

“Họ không sợ dịch. Các nhà hàng, quán bar, bãi biển vẫn đông nghẹt. Thậm chí, đường bay quốc tế đã mở cửa nhưng người nhập cảnh lại không bị cách ly. Bởi thế nên dịch bùng là tất nhiên”.

Tính tới hết ngày 5/8, Lebanon ghi nhận 5.062 ca nhiễm Covid-19 và 65 ca tử vong. Ảnh: AFP.

Sang Lebanon đã 7 năm, chưa khi nào chị Thu chứng kiến đồng tiền bị mất giá như lúc này. Công ty chị làm việc đã quyết định trả lương bằng tiền Lebanon (LBP), thay vì USD như trước đây.

Lao động Việt 29 tuổi nhớ lại thời điểm cuối tháng 10/2019, thủ đô Beirut bắt đầu chìm trong biểu tình liên miên sau khi chính phủ tăng biểu thuế lên gần hết các mặt hàng.

“Lebanon rơi vào khủng hoảng kinh tế, đồng tiền mất giá nghiêm trọng. Mọi mặt hàng từ thực phẩm, xăng dầu, internet và ứng dụng gọi điện WhatsApp tăng chóng mặt”, chị Thu nhớ lại.

Trước thời điểm đó, hàng tháng Thu đều đặn gửi gần như toàn bộ số tiền lương khoảng hơn 1.000 USD về Việt Nam. Nhưng đến nay, công việc không đều, lúc có lúc không, số tiền chị gửi về quy đổi ra chỉ còn 480 USD/tháng.

“Bây giờ, mình chỉ mong có vé về Việt Nam”, chị Thu bộc bạch.

Tác giả: Ngọc Ngạn - Hà Lan

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP