“Bằng mọi giá phải để thằng Tài đá bóng”
Xin chào Hồ Tấn Tài, một trong những hậu vệ phải triển vọng nhất của bóng đá Việt Nam hiện tại. Tôi tò mò, cơ duyên nào đưa anh đến với môn thể thao vua và thành danh như bây giờ?
Bóng đá hiện diện trong tôi khi còn rất nhỏ. Hàng ngày tại làng quê thuộc huyện Hoài Ân, tôi thường lăn lộn với những trận bóng cùng với các bạn cùng thời. Rồi khi đi học, tôi được đá cho tuyển trường. Rồi từ trường, tôi được lên đá cho huyện trước khi giành chức vô địch ở giải tỉnh. Lúc bấy giờ, tôi được nhận giấy tuyenr chọn vào trong TP Quy Nhơn, tập luyện cho đội trẻ của Bình Định.
Anh đón nhận tin vui ấy ra sao?
Với tôi, đó là niềm vui. Nhưng cũng là… nỗi lo. Bởi gia đình tôi không cho đi. Nhà tôi nghèo. Bố sửa xe đạp, mẹ thì làm nông. Tôi lại là con trai duy nhất trong nhà khi lúc đấy, em gái tôi mới chỉ 1-2 tuổi. Gia đình tôi họp cả cậu, mợ, ông, bà để hỏi ý kiến. Và khi phần đông cả nhà đồn ý, tôi mới xách hành lý lên Quy Nhơn để học bóng đá. Tôi tự nhắc mình rằng bằng mọi giá phải trụ lại với nghề. Năm tôi học xong lớp 12, mục tiêu của tôi là phải lên được đội 1 của Bình Định. Nhưng bóng đá của tỉnh gặp khó khăn. Nhiều bạn cùng lứa với tôi, khoảng gần 20 người không đá bóng nữa. Lứa của tôi chỉ còn 4-5 người. Rồi bây giờ, ngoài tôi đá cho B.Bình Dương thì chỉ còn 1-2 bạn chơi ở giải hạng Nhì và hạng Nhất. Tôi tự xem mình là người may mắn.
|
Kỷ niệm thời còn ở lò đào tạo trẻ Bình Định với anh thế nào?
Đó là một khoảng thời gian cũng khổ cực lắm. Anh em đùm bọc lẫn nhau thôi. Chúng tôi tự động viên nhau là phải cố ăn thật nhiều nhất có thể. Tiền ăn sáng tôi nhớ chỉ có khoảng được 7.000 đồng/ngày. Nghèo lắm. Nhưng tôi vui. Vì dù sao tôi được theo cái nghề này. Còn một chuyện buồn giờ tôi mới có dịp giải bày. Tôi và một cậu bạn hàng xóm cùng lên thành phố Quy Nhơn học đá bóng. Nhưng cậu bạn tôi mê điện tử quá dẫn đến bị đội cho về nhà. Nhưng khi gia đình bạn tôi đón về thì nhà tôi cũng không cho tôi đá bóng nữa. Hai thằng cùng đi thì hai thằng cùng về. Nhà tôi nghĩ vậy.
Vậy là thầy Hậu, người thầy dạy bóng đá đầu tiên của tôi đã đến nhà động viên. Thầy ở lì từ sáng đến chiều tôi. Thầy nói với bố mẹ tôi: “Bằng mọi giá, cỡ nào cũng phải cho thằng Tài quay lại, không được cho nó bỏ bóng đá”. Gia đình tôi sau cùng cũng chấp nhận. Nhưng 1 tuần sau khi trở lại đội, tôi hay tin thầy bị bệnh. 1 tháng sau, thầy mất. Thật sự rất buồn. Nhưng tôi biết ơn thầy. Vì chính nỗ lực của thầy trước khi qua đời mới cho tôi được như ngày hôm nay. Có lẽ nếu thầy còn sống, thấy tôi như bây giờ, thầy sẽ vui và hãnh diện lắm.
Có người chọn bóng đá vì đam mê. Nhưng phần lớn đa số chọn bóng đá để thoát nghèo. Với anh, đến bóng đá vì đam mê hay muốn đổi đời vì nó?
Khi tôi còn nhỏ, nhà rất nghèo. Như tôi nói đấy, bố mẹ tôi sửa xe máy và làm nông. Có thể, nếu mình không theo bóng đá, bố mẹ vẫn nuôi mình được. Nhưng như thế thì nhà khổ lắm. Tôi phải đi đá bóng để tự lo cho tương lai của mình trước tiên, rồi sau đó là nghĩ cho gia đình. Bây giờ, mình được xuất hiện trên truyền hình nhiều hơn. Bố mẹ cũng vì thế mà hãnh diện trước bà con xóm giềng.
“Tôi từng tự ti vì bị HLV Hoàng Anh Tuấn mắng quá nhiều”
Để được bố mẹ hãnh diện như bây giờ, có lẽ việc lên đội U19 Việt Nam cách đây 5 năm là bước ngoặt đổi đời với Tấn Tài?
Đúng vậy. Phải nói là thế này, thời điểm khi đó bóng đá Bình Định cũng trải qua nhiều biến cố. Lúc tôi được HLV Hoàng Anh Tuấn gọi lên U19 Việt Nam, mục tiêu của tôi khi đó là có thể được lên đội 1 của Bình Định. Khi ấy, tôi có thể kiếm tiền về cho bố mẹ. Nhưng sau vòng loại U19 châu Á 2016, tôi mới biết rằng Bình Định bỏ giải. Toi chỉ còn biết cố gắng đá ở giải hạng Nhì để cố gang tìm cơ hội. Sau đó, phải nhờ đến thành công của U19 Việt Nam mà tôi mới được lọt vào mắt xanh của B.Bình Dương.
Anh có nhắc tới VCK U19 châu Á 2016, giải đấu mà U19 Việt Nam giành vé dự U20 World Cup lịch sử. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh tại Bahrain khi ấy là gì?
Mọi người sẽ nhắc đến trận thắng trước chính chủ nhà Bahrain để giúp Việt Nam dự U20 World Cup. Nhưng với tôi, trận hòa 0-0 trước Iraq ở lượt cuối vòng bảng mới là đáng nhớ hơn cả. Thầy Tuấn nói với chúng tôi rằng, đó là trận then chốt để xem chúng tôi vào được tứ kết hay không. Khi ấy, Trọng Đại bị chấn thương. Tôi được đeo băng đội trưởng. Một trận đấu quá quan trọng và thật may, tôi đã làm tốt.
U19 Việt Nam khi ấy ít nhận được sự quan tâm của người hâm mộ. Thầy Tuấn không cho chúng tôi dùng điện thoại vì sợ xao nhãng. Nhưng cũng vì thế mà anh em gắn kết với nhau hơn, giữ được sức khỏe tốt hơn khi ấy.
Còn trước trận đấu quyết định với Bahrain, thầy Tuấn có một cuộc họp với toàn bộ cầu thủ. Ông không nói nhiều mà thay vào đó viết lên bảng hai từ: “Dũng cảm”. Chúng tôi đã phải cố gắng hết mình để dũng cảm thể hiện tinh thần Việt Nam. Ròi đến VCK U20 World Cup, tôi sướng lắm vì được gặp hàng loạt đội mạnh. Khi quốc ca Việt Nam vang lên, tôi run lên vì vinh dự.
|
Anh trải qua 2 người thầy ở sự nghiệp ĐTQG. Đó là HLV Park Hang Seo và HLV Hoàng Anh Tuấn. Ai là người ảnh hưởng lớn hơn với sự phát triển của anh?
Cả hai đều thúc đẩy tinh thần cầu thủ rất tốt. Với HLV Hoàng Anh Tuấn, tôi được ông huấn luyện khi bản thân còn rất trẻ. Lúc đấy, tôi bị thầy la nhiều quá. Tối về, tôi thường nằm vắt tay lên trán suy nghĩ. Tôi tự ti bản thân thật sự. Tôi tự hỏi rằng: “Sao thầy nói với mình nhiều thế”. Rồi sau sự động viên của gia đình, bạn bè, tôi hiểu rằng thầy la mắng mình là để tốt cho mình. Còn HLV Park Hang Seo là người đã chỉ cho tôi cách để hoàn thiện bản thân mình hơn.
“Tôi muốn vượt qua anh Trọng Hoàng, Văn Thanh, Xuân Mạnh”
Ngoài việc dự U20 World Cup 2017, dấu ấn sự nghiệp của Tấn Tài hẳn nhiên là SEA Games 2019 với tấm huy chương vàng?
Đúng là như vậy. Nhưng SEA Games mang đến cho tôi cảm giác vừa vui mà vừa buồn. Vui vì thành công với huy chương vàng. Buồn vì tôi vẫn chơi không tốt ở giải đấu ấy.
Có phải là bởi sự xuất hiện của Trọng Hoàng, người chơi đúng vị trí của anh?
Nhiều người bàn tán về quyết định của thầy Park. Nhưng tôi thì không bất ngờ. Thầy muốn có sự đột biến ở 2 biên. Tôi thì mới chỉ đảm bảo được phòng ngự chứ chưa biết tấn công. Vì thế, thầy mới gọi anh Hoàng. Tôi nhìn nhận điều đó và tự nhắc mình phải cố gắng hơn.
Mà tôi cũng có một trận đấu thật sự không tốt. Đó là trận U22 Việt Nam hòa 2-2 U22 Thái Lan. Tôi bị khớp và dẫn đến bàn thua thứ 2 củ U22 Việt Nam. Thầy nhận ra được điều đó và rút tôi rời sân sớm.
|
Anh thất vọng vì điều đó?
Không hề. Ngược lại, tôi nhận ra nhiều điều sau SEA Games 2019. Thầy Park dặn tôi phải xử lý bóng nhanh hơn, gọn gang hơn và đồng đội hơn. Tôi đặt câu hỏi rằng tại sao mình lại không làm tốt, dẫn tới việc thầy Park chọn anh Hoàng. Tôi hiểu rằng một hậu vệ biên thì phòng ngự là chưa đủ. Tôi phải tích cực tham gia tấn công hơn.
Tôi chăm tập gym hơn, từ thân trên, đùi trước, đùi sau… Mỗi bữa sáng, tối, tôi đều uống thêm sữa. Tôi nhìn vào tấm gương của những đàn anh đá cùng vị trí, từ anh Xuân Mạnh, Văn Thanh đến Trọng Hoàng. Lối đá của tôi đơn giản, ít rườm rà. Thầy Park dặn tôi rằng vị trí của tôi khó ghi bàn nhưng có thể tạo cơ hội cho người khác. Bởi chiến thắng của tập thể mới là quan trọng hơn cả.
Đã có một Hồ Tấn Tài tiến bộ vượt bậc ở V.League, đặc biệt trong khâu tấn công. Vậy mục tiêu tiếp theo của anh là gì?
Tôi muốn được như anh Trọng Hoàng, Xuân Mạnh, Văn Thanh… Thậm chí là hy vọng đến một ngày có thể là hậu vệ phải số 1 Việt Nam. Tôi không biết đến bao giờ giấc mơ ấy mới thành hiện thực. Nhưng tôi tin là có quyết tâm, nỗ lực thì sẽ có ngày tôi làm được thôi.
Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi. Chúc anh thành công.
Thông tin cá nhân Họ và tên: Hồ Tấn Tài Thành tích Á quân U13 Quốc gia năm 2000 |
Tác giả: Trí Công
Nguồn tin: bongdaplus.vn