Nhà ở sát sông Lam nên ông Phạm Văn Nguyên ở khối 1B, thị trấn Anh Sơn đã tranh thủ làm lồng nuôi cá ngay trên sông. Ông Nguyên cho biết: Gia đình ông làm nghề chài lưới đã mấy chục năm nay. Nhận thấy nghề nuôi cá lồng mang lại hiệu quả cao, lại tranh thủ được thời gian lúc nông nhàn nên năm 2016, gia đình ông quyết định đầu tư 40 triệu đồng làm bè nuôi cá lồng.
Tận dụng diện tích mặt nước sông Lam, những năm gần đây nhiều hộ dân ở huyện Anh Sơn đã đầu tư phát triển nuôi cá lồng. Ảnh: Thái Hiền |
Tham gia vào tổ hợp tác nuôi cá, được các hộ dân trong tổ chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, phòng bệnh nên cá của gia đình ông Nguyên phát triển rất nhanh. Hiện nay ông Nguyên chủ yếu nuôi loại cá trắm cỏ, nếu thả cá giống nặng từ 0,2 - 0,3kg/con, chỉ sau một năm đã đạt 5 kg/con. Nhờ được ăn thức ăn tự nhiên nên cá lồng ở đây được người tiêu dùng ưa chuộng. Bán với giá 100.000 - 120.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi năm một lồng cá cho ông thu nhập khoảng 50 triệu đồng.
Gia đình bà Phạm Thị Dần ở khối 1B, thị trấn Anh Sơn cũng là một tổ viên của tổ hợp tác nuôi cá lồng khối 1B, thị trấn. Đây là năm thứ 2 gia đình bà nuôi cá lồng, do không có vốn đầu tư nên gia đình bà chỉ nuôi 1 lồng với số lượng 200 con, chủ yếu là cá trắm. Khi đăng ký tham gia vào tổ nuôi cá lồng trên sông Lam, gia đình bà được hỗ trợ 2,5 triệu đồng tiền làm chuồng. Mỗi tháng tổ tham gia sinh hoạt 1 lần luân phiên giữa các nhà trong tổ, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm về cách chọn cá giống, cách cho cá ăn, cách chọn thức ăn cho cá và cách phòng bệnh nên cá không bị bệnh, nhanh lớn.
Nhờ được hỗ trợ về kiến thức nuôi nên cá của các hộ trong tổ hợp tác phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thái Hiền |
Ông Trần Văn Huy - Tổ trưởng tổ hợp tác nuôi cá lồng trên sông Lam cho biết: Nhận thấy nghề nuôi cá lồng có triển vọng, đầu năm 2017, Hội Nông dân thị trấn Anh Sơn vận động nhân dân nuôi cá lồng ven sông Lam thành lập tổ hợp tác. Khi tham gia vào tổ, mỗi gia đình sẽ được hỗ trợ 2,5 triệu đồng tiền làm lồng. Đến nay tổ có 8 hộ dân tham gia, mỗi hộ nuôi 1 lồng cá trắm cỏ số lượng dao động từ 200 - 500 con.
Việc thành lập tổ hợp tác đã giúp các hộ dân nuôi cá lồng có sự liên kết chặt chẽ với nhau, mỗi tháng 1 lần tổ sinh hoạt để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm nuôi, tính toán chọn lựa nuôi loại cá nào cho phù hợp với điều kiện chăm sóc, môi trường sống.
Bên cạnh đó, tổ hợp tác đã thống nhất liên kết giữa các hộ nuôi trong tổ ký kết hợp đồng từ dịch vụ đầu vào lấy giống tại các cơ sở uy tín, đảm bảo chất lượng; áp dụng đúng quy trình nuôi đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm.
Tất cả các hộ nuôi cá lồng trong tổ đều tận dụng dọc bên bờ sông, vườn nhà trồng cỏ, chuối để làm thức ăn cho cá nên chất lượng cá rất đảm bảo, đầu ra ổn định. Năm 2017, sản lượng cá của các hộ dân trong tổ hợp tác bán ra thị trường 3-4 tấn cá, mang lại nguồn thu không nhỏ cho các gia đình. Từ hiệu quả mô hình tổ hợp tác nuôi cá lồng, thời gian tới trên địa bàn sẽ mở rộng thêm 4 hộ tham gia vào tổ.
Trên địa bàn huyện Anh Sơn, các hộ dân không chỉ trên sông Lam còn nuôi trên hồ đập như mô hình nuôi cá lồng nhựa ở Đức Sơn, Lạng Sơn, Thạch Sơn, Tào Sơn, Tam Sơn. Qua đó, góp phần làm tăng sản lượng cá trên địa bàn trong năm 2017 đạt 1.337 tấn đạt 84,61% KH, tăng 2,27% so với cùng kỳ.
Hiện nay, bên cạnh việc chú trọng tập huấn kiến thức nuôi trồng thủy sản, giúp người nông dân tận dụng tối đa thế mạnh sẵn có ở địa phương, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững và có hiệu quả, huyện Anh Sơn cũng tuyên truyền, khuyến khích, cùng với đó hỗ trợ người dân kinh phí làm lồng nuôi theo cơ chế phân vùng. Tính trong vòng 5 năm trở lại nay huyện đã hỗ trợ người dân trên 100 triệu đồng.
Tác giả: Thái Hiền
Nguồn tin: Báo Nghệ An