Trong tỉnh

Hiểm nguy tiềm tàng, thiên tai rình rập vùng đất cao Tương Dương

Huyện vùng cao Tương Dương thường xuyên đối mặt với hiểm nguy tiềm tàng từ thiên tai, bão lũ. Đặc biệt sau khi có thêm các công trình thủy điện...

Thiên tai nhiều phen đọa đày người dân vùng cao huyện Tương Dương. Ảnh: Việt Khánh.

Mưa lũ tàn phá huyện nghèo

Là huyện miền núi cao ở phía Tây Nam của tỉnh Nghệ An, Tương Dương chịu ảnh hưởng trực tiếp của vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm thường xuất hiện lốc, sét, mưa đá với sức tàn phá hết sức nặng nề.

Lượng mưa trung bình nhiều năm trên địa bàn huyện dao động từ 1.300 - 1.900mm, đây được xem là chất xúc tác gây nên lũ, lụt, lũ ống, lũ quét. Thiên tai nơi đây thường càn quét theo 4 dạng chính: Ảnh hưởng hoàn lưu Bão hoặc ATNĐ, trung bình ghi nhận hơn 2 cơn/ năm; Hoàn lưu bão hoặc ATNĐ kết hợp với không khí lạnh; Nhiều cơn bão đổ bộ liên tiếp trong một thời gian ngắn; Không khí lạnh kết hợp với loại hình thời tiết khác.

Bên cạnh yếu tố bất lợi về địa hình, việc quy hoạch phát triển hệ thống thủy điện đầy rẫy bất cập cũng góp phần gia tăng hiểm họa cho huyện Tương Dương. Những tưởng được ưu ái phân bổ cho hàng loạt công trình điện năng (thủy điện Bản Ang, Khe Bố, Nậm Nơn, Bản Vẽ…) sẽ mang lại cuộc sống ấm no, sung túc cho đồng bào vùng cao nơi đây, nào ngờ sự thể lại diễn tiến hoàn toàn trái ngược.

Bị đọa đày miết từ năm nay sang năm khác khiến niềm tin của số đông đã rớt xuống tận đáy, ngao ngán đến mức khi nhắc đến 2 chữ “thủy điện” là người dân lại lắc đầu nguầy nguậy.

Những nhà máy thủy điện trên địa bàn huyện Tương Dương cũng "góp phần" khiến sự thể thêm nghiêm trọng hơn. Ảnh: Võ Dũng.

Lấy trận “cuồng phong” cuối năm 2018 làm điểm, lúc bấy giờ mưa trên thượng nguồn đổ về với lưu lượng khủng khiếp, tình trạng trên kéo dài suốt nhiều ngày kết hợp với quá trình xả lũ cật lực của các nhà máy thủy điện biến khu vực hạ du thành biển nước mênh mông, phút chốc đẩy nhiều nhà lâm cảnh màn trời chiếu đất, khốn cùng vô tận. Ước tính sơ bộ, tổng thiệt hại đợt này trên 101 tỷ đồng.

Năm 2020 thiên tai lại giáng tiếp một đòn mạnh lên huyện nghèo Tương Dương. Do tác động của đợt hạn hán dài ngày trước đó, dồn thêm trận lốc xoáy kèm theo mưa đá, lũ quét, bão và áp thấp nhiệt đới tức thì dẫn đến cảnh tượng tan hoang, tiêu điều.

Rà soát thực tế, trên 1.000 nhà dân, 1.077 diện tích lúa; 413ha hoa màu; 139ha cây lâm nghiệp; 29,89ha cây ăn quả; hàng chục điểm trường, nhà cộng đồng bị tốc mái; nhiều tuyến đường giao thông và hàng loạt công trình khác bị hư hỏng nghiêm trọng… qua vụ này Tương Dương mất trắng thêm vài chục tỷ đồng, con số hết sức quan ngại, đặc biệt là với một huyện nằm trong diện nghèo của cả nước.

Thiên tai chẳng ai nói trước được, do đó bên cạnh sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và các cấp, ngành đoàn thể, Tương Dương buộc phải duy trì được sự chủ động cần thiết, qua đó ổn định tâm lý cho số đông đồng bào.

Thiên tai hay nhân tai?

Để công tác PCTT- KCN năm 2021 đạt hiệu quả cao, UBND huyện Tương Dương chỉ đạo kiện toàn lại Ban chỉ huy PCTT-TKCN, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ huy theo Nghị định số 160/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ. Đồng thời tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng hồ đập, công trình thuỷ lợi, xác định cụ thể trọng điểm để có phương án gia cố, xây dựng và hoàn thiện trước mùa mưa bão.

Các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn huyện và UBND các xã, thị trấn phải quán triệt phương châm “4 tại chỗ”. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng chống thiên tai, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, nhắc nhở nhân dân sinh sống trong vùng bị ảnh hưởng gia cố nhà cửa, kê gác vật dụng, dự trữ lương thực đề phòng khi bị chia cắt cục bộ.

Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, đường đi của thiên tai, mưa bão ngày càng khó đoán, bắt buộc Tương Dương phải xây dựng, lên sẵn kịch bản ứng phó chi tiết, tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy”. Trường hợp xuất hiện áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lớn các địa phương, đơn vị phải thực hiện di dân khẩn cấp ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Khẩn trương sơ tán, di dời dân sinh sống ở những vùng thiếu an toàn là phương án được chú trọng hàng đầu. Ảnh: Việt Khánh.

Phòng chống thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn dân chứ không riêng lẻ một cá thể nào, trên tinh thần đó các thành viên Ban chỉ huy PCTT-TKCN phải trực tiếp xuống tận các cơ sở, quyết liệt chỉ đạo các phương án, đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Căn cứ vào tình hình thực tế của trận lũ lịch sử tháng 8/2018, huyện Tương Dương nhận định, khi có mưa lớn kéo dài gây ngập lụt, kết hợp thủy điện Bản Vẽ xả lũ (từ 3.500 m3/s trở lên) và tổng lượng nước đổ về hồ thủy điện Khe Bố (trên 4.500 m3/s trở lên) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến 14 xã, thị trấn (Tam Quang, Tam Đình, Tam Thái, Tam Hợp, Thị trấn Thạch Giám, Xá Lượng, Lưu Kiền, Yên Na, Yên Tĩnh, Yên Hòa, Yên Thắng, Nga My, Xiêng My, Hữu Khuông), dự kiến khoảng 438 hộ với 1.525 người phải tiến hành di dời, sơ tán (di dời tại chỗ 1.008 người, sơ tán đến chỗ ở khác 517 người).

Tại Tương Dương, tình trạng lũ quét, sạt lở đất không hiếm gặp. Từ những hậu quả nặng nề trước đó, huyện này xác định phải kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng các khu dân cư dọc ven khe, suối, đặc biệt là các hộ đang sinh sống tại các điểm có mái taluy cao… để kịp thời đi trước một bước. Liên quan đến nội dung này, ước có khoảng 697 hộ, 2.494 nhân khẩu phải phải dời, hoặc sơ tán. Xác định an toàn là trên hết, hộ nào không chấp hành sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Tác giả: Việt Khánh - Võ Dũng

Nguồn tin: nongnghiep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP