“Chàng tí hon” quê biển
Đặt túi hành lý sau chuyến trở về từ phương Nam, Đậu Văn Quý ở xóm 2, xã Diễn Hải (Diễn Châu) ôm chầm lấy đứa con gái bé bỏng rồi hôn tới tấp vào trán, vào mắt, vào má. Mới 2 tuổi đầu, bé Như Quỳnh dường như đã cảm nhận được được sự thắm thiết của tình phụ tử, cô bé đưa bàn tay bé xíu xoa lên đầu, trán và những ngón tay ngắn cũn của người bố đi làm xa vừa trở về. Chứng kiến cảnh ấy ai cũng rơi nước mắt.
Vừa mới lọt lòng, Đậu Văn Quý đã phải gánh chịu nỗi đau tật nguyền bởi tay chân ngắn hơn bình thường, các ngón tay và chân co quắp, đan chéo vào nhau, thân hình lại nhỏ bé. Ảnh: Công Kiên |
Cuộc đời của Quý là cả một câu chuyện dài, ở đó có không ít nỗi đau đớn và bất hạnh nhưng cũng chứa đựng cả niềm vui và hạnh phúc. Đúng như lời anh tâm sự: “Có những lúc tôi lâm vào cảnh bi quan, thậm chí là tuyệt vọng. Nhưng rồi, bằng nghị lực của mình, tôi đã tìm được nguồn vui và hạnh phúc, dẫu cuộc sống còn không ít những thử thách đang đợi chờ”.
Sinh năm 1992, vừa lọt lòng mẹ, chân và tay của Đậu Văn Quý có dấu hiệu không bình thường khi kích thước ngắn, các ngón vắt chéo lấy nhau. Càng lớn, những dấu hiệu dị tật càng hiện rõ khiến vợ chồng ông Đậu Quang Hạnh – bà Phạm Thị Huynh không khỏi buồn rầu, lo lắng.
Hạnh phúc lớn nhất của Quý là được gặp Ngô Thị Cẩm Giang - cô gái quê Long An đã đem lòng yêu thương và nhận lời làm vợ Quý. Ảnh: Công Kiên |
Tay, chân dị tật bẩm sinh nhưng trí não của Quý phát triển bình thường, thậm chí khá nhanh nhạy trong việc khám phá, nắm bắt thế giới xung quanh. Đến tuổi, cậu bé được bố mẹ tập vận động, di chuyển bằng đôi chân tật nguyền; lớn thêm một tý tập làm việc bằng đôi bàn tay nhỏ xíu với những ngón tay rất ngắn.
Phải nói, đó là cả một sự nỗ lực của bản thân Quý và gia đình, bởi quá trình tập luyện trải qua bao đau đớn và khó khăn, có lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc. Nhất là sau này, khi Quý được đến trường theo học cái chữ, hàng ngày bố mẹ phải thay nhau đưa đón, luyện thêm cách cầm bút và đưa từng nét chữ.
Niềm hạnh phúc của Quý và Giang trong ngày cưới đầu năm 2016. Ảnh: NVCC |
Đến tuổi trưởng thành, không muốn bố mẹ vì mình phải vất vả, buồn phiền, Đậu Văn Quý quyết định theo đoàn từ thiện để hành nghề bán bút bi. Đôi bàn chân tật nguyền của chàng thanh niên đất Nghệ đã in dấu khắp các vùng trên mảnh đất phương Nam, từ phố xá sầm uất đến làng quê yên bình. Việc mưu sinh rất đỗi vất vả, nhọc nhằn nhưng nó giúp Quý nhận ra những điều tốt đẹp của cuộc sống, đặc biệt là tình cảm giữa con người và con người.
Hạnh phúc đơm hoa
Một lần vào cuối năm 2015, trên đường đi bán bút, Quý dừng chân tại một quán cơm ở thị trấn Bến Lức (Long An) để ăn bữa trưa. Thấy người con trai trong vóc dáng “tí hon”, chân tay dị tật, lai mang theo túi đồ lỉnh kỉnh, một cô gái phục vụ tại quán đã ân cần hỏi han, chia sẻ. Khi hiểu rõ sự tình, Ngô Thị Cẩm Giang (SN 1994) – cô gái ở quán cơm càng thêm nể phục nghị lực của chàng thanh niên xứ Nghệ.
Rồi như là sự sắp đặt của số phận, Giang gọi điện cho một người bạn chẳng hiểu sao lại nhầm sang số máy của Quý. Sau giây phút bỡ ngỡ, hai người hẹn gặp và cả hai đều không thể ngờ đến cuộc tái ngộ này. Từ đó, Quý và Giang thường xuyên liên lạc với nhau, biết Giang bận nên Quý thường tranh thủ đến quán ăn để được gặp gỡ và chia sẻ tâm tình.
Tình yêu của Quý và Giang đã kết trái, đơm hoa bằng sự chào đời của bé Như Quỳnh. Ảnh: Công Kiên |
“Mấy ngày đi xa không ghé được quán cơm Giang làm, trong lòng chợt thấy như có lửa đốt” – Quý tâm sự. Còn cô gái miền Tây không giấu được nỗi lòng: “Vài ngày, không thấy anh ghé ăn cơm, tôi lại lo lắng, sợ anh đi xa đau ốm hay có chuyện gì”. Nghĩa là, giữa họ, ngọn lửa tình yêu đã được nhen nhóm, hai con tim đã hướng về nhau và cùng chung nhịp đập.
Đến lúc, Giang và Quý nhận thấy không thể sống thiếu nhau và quyết định cùng đắp xây hạnh phúc. Thế nhưng, khi Giang dẫn người yêu về nhà, bố mẹ và các anh chị em kịch liệt phản đối, thậm chí mẹ Giang tuyên bố sẵn sàng từ con. Bởi lẽ, gia đình Giang không thể chấp nhận một chàng rể với thân hình bé tý, lại tật nguyền trong khi con gái mình hoàn toàn khỏe mạnh và lành lặn.
Nhưng tình yêu vốn có lý lẽ riêng, Giang thưa: “Con không thể sống thiếu anh ấy, xin bố mẹ hãy đồng ý, sau này cuộc sống dù sướng hay khổ con xin chịu và không oán trách!”. Đến đây, bố mẹ Giang đành phải thuận tình, cho dù trong lòng còn ngổn ngang trăm mối.
Lễ thành hôn của Quý và Giang diễn ra đầu năm 2016, là sự kiện gây xôn xao cả làng biển Diễn Hải. Hôm ấy, hầu hết người dân trong xã đều tạm gác công việc đến dự đám cưới, một phần vì tò mò, một phần là để chứng kiến phút giây hạnh phúc của chàng "tí hon” và cô vợ đến từ miền Tây xa xôi. Quý bộc bạch: “Ngày cưới, có lúc vẫn nghĩ mình đang mơ, vì chỉ có trong mơ tôi mới dám nghĩ đó là sự thật”.
Mong ước lớn nhất của Giang là tích lũy được ít vốn mở gian hàng tạp hóa, vợ chồng cùng làm ăn để khỏi phải sống xa nhau. Ảnh: Công Kiên |
Đến nay, mối tình của họ đã kết trái, đơm hoa, bé Đậu Thị Như Quỳnh đã gần 2 tuổi và khỏe mạnh, thông minh. Hiện tại, Quý tiếp tục công việc bán bút bi, đôi chân tật nguyền tiếp tục rong ruổi khắp các nẻo đường phương Nam để mưu sinh, kiếm tiền nuôi vợ con. Còn Giang ở nhà nuôi con, hàng ngày luộc ngô, khoai rồi đem ra bán cho du khách ở khu du lịch Hòn Câu (Diễn Hải).
Thu nhập không ổn định, lại sống cách xa nhau cả nghìn cây số nhưng Quý và Giang luôn hướng về nhau, hướng về mái ấm và đứa con gái bé bỏng. Giang tâm sự: “Mong ước của vợ chồng tôi lúc này là có được ít vốn để mở gian hàng tạp hóa, vợ chồng cùng làm ăn, khỏi phải sống cảnh xa cách...”.
Tác giả: Công Kiên - Thu Hiền
Nguồn tin: Báo Nghệ An