Thế giới

Hàng vạn người dân ở bốn nước châu Á có thể phơi nhiễm phóng xạ từ Triều Tiên

Hàng vạn người dân ở Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc có thể bị phơi nhiễm phóng xạ vì nước ngầm ô nhiễm từ một địa điểm thử hạt nhân dưới lòng đất của Triều Tiên, một tổ chức nhân quyền tại Seoul viết trong báo cáo công bố ngày 21/2.

Người dân Hàn Quốc xem bản tin truyền hình về việc tháo dỡ bãi thử hạt nhân Punggye-ri năm 2018

Theo chính phủ Mỹ và Hàn Quốc, Triều Tiên bí mật thử vũ khí hạt nhân tại bãi thử Punggye-ri thuộc tỉnh miền núi Hamyong trong các năm 2006 và 2017.

Nghiên cứu của Nhóm công tác công lý chuyển đổi cho rằng, vật liệu phóng xạ có thể lan ra khắp 8 huyện và thành phố gần bãi thử này, nơi hơn 1 triệu người Triều Tiên đang sinh sống và sử dụng nước ngầm cho sinh hoạt hằng ngày.

Nghiên cứu cho rằng, các nước láng giềng gồm Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản có thể cũng gặp rủi ro vì những sản phẩm nông nghiệp và hải sản buôn lậu từ Triều Tiên.

Nhóm nghiên cứu, được thành lập năm 2014, đã làm việc với các chuyên gia hạt nhân, y tế, những người đào tẩu, kết hợp với thông tin tình báo nguồn mở và báo cáo của chính phủ để thực hiện nghiên cứu.

“Nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng khi chỉ ra rằng các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên có thể đe dọa quyền được sống và sống khoẻ không chỉ của người dân Triều Tiên, mà cả người ở Hàn Quốc và các quốc gia láng giềng”, Hubert Young-hwan Lee, trưởng nhóm nghiên cứu khẳng định.

Năm 2015, cơ quan an toàn thực phẩm Hàn Quốc phát hiện hàm lượng đồng vị phóng xạ cesium trong nấm lông nhím nhập khẩu cao gấp 8 lần cho phép. Lô nấm này ghi nhãn mác Trung Quốc nhưng nguồn gốc thực sự là từ Triều Tiên.

Trung Quốc và Nhật Bản đã tăng cường kiểm tra phóng xạ và bày tỏ quan ngại về nguy cơ phơi nhiễm sau khi Triều Tiên thử hạt nhân, nhưng chưa từng công bố thông tin về thực phẩm nhiễm xạ.

Nhiều chuyên gia bên ngoài cũng nêu quan ngại về rủi ro y tế từ nước ô nhiễm, nhưng Triều Tiên gạt bỏ, khẳng định rằng phóng xạ không rò rỉ trong các vụ thử hạt nhân trước đây của họ.

Khi Triều Tiên mời các nhà báo nước ngoài đến xem việc phá huỷ một số đường hầm tại bãi thử hạt nhân năm 2018, tất cả thiết bị phát hiện phóng xạ của các nhà báo đều bị tịch thu.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc dừng xét nghiệm phơi nhiễm phóng xạ đối với người đào tẩu Triều Tiên từ năm 2018, khi quan hệ giữa hai miền ấm lên. Tuy nhiên, trong số 40 người đào tẩu từ các vùng gần bãi Punggye-ri được xét nghiệm vào năm 2017 và 2018, ít nhất 9 người có dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho rằng điều này chưa nói lên mối liên quan với bãi thử hạt nhân.

Seoul và Washington cho rằng Bình Nhưỡng có thể đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ 7.

Tác giả: Bình Giang

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP