Số hóa

Google đang tự làm smartphone đối đầu iPhone

Thay vì tìm đến đối tác phần cứng như trên dòng smartphone Nexus, Google sẽ tự sản xuất một sản phẩm "thuần chủng" như iPhone của Apple và có thể ra mắt cuối năm nay.

Theo Telegraph, Google đang làm việc với các nhà khai thác di động để sớm ra mắt một smartphone do chính hãng phát triển toàn bộ, từ khâu thiết kế, sản xuất đến phần mềm và sẽ ra mắt cuối năm 2016. Tuy nhiên, tên sản phẩm cũng như các thông số cấu hình chưa được công bố cụ thể.

Mặc dù chưa được xác thực từ phía Google nhưng theo 9to5google, động thái này (nếu có) cũng không có gì ngạc nhiên. Thậm chí, đó là điều mà hãng nên làm.


Google sẽ sản xuất smartphone hoàn toàn thay vì nhờ đến các đối tác phần cứng?

Một trong những lý do iPhone thành công là Apple đã kiểm soát chặt chẽ và thận trọng cả phần cứng lẫn nền tảng (cụ thể là iOS) cho thiết bị này. Yếu tố đó đã giúp smartphone của hãng công nghệ có trụ sở tại Cupertino (Mỹ) luôn được người dùng đánh giá cao về sự ổn định, mượt mà, nhiều tính năng do liên tục được tối ưu. Đồng thời, việc chỉ có một dòng điện thoại duy nhất chạy iOS giúp Apple quản lý tốt hơn, tránh khái niệm "phân mảnh" đang tồn tại trên Android.

Android ra đời năm 2007 nhưng phải đến tháng 9/2008, mới có thiết bị đầu tiên chạy trên nền tảng này, đó là HTC Dream. Google tung ra Android không ngoài mục đích ngăn cản sự bành trướng ngày một lớn của iOS. Và họ đã thành công nhờ hợp tác với các OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc), để cho ra đời những thiết bị giá rẻ, nhiều tính năng, mẫu mã đa dạng... Tất nhiên, nó cũng là nguyên nhân gây nên sự "phân mảnh" như đã đề cập.

Dù góp công lớn giúp smartphone trở nên phổ biến, nhưng chưa lúc nào Google tự sản xuất một thiết bị 100% của mình để có thể tối ưu ở mức cao nhất như Apple đang làm với iPhone. Thay vào đó, gã khổng lồ tìm kiếm mua lại Motorola và để hãng này hoạt động độc lập (mục đích là để sở hữu các bằng sáng chế); cũng như phát triển dòng sản phẩm di động Nexus nhưng lại "đẩy" khâu sản xuất phần cứng cho các đối tác HTC, Asus hay sắp tới đây là Huawei. Riêng chiếc điện thoại lắp ghép Project Ara vẫn chưa có bản thương mại và có thể, những module của nó cũng đến từ các nhà sản xuất phần cứng khác.

Như vậy, việc Google tự tay cho ra mắt một sản phẩm "từ A đến Z" là điều mà nhiều người mong đợi. Bởi chỉ có làm ra phần cứng, họ mới có thể hiểu và tối ưu phần mềm cho nó như thế nào. Hãng đã được đánh giá cao khi cho ra mắt 2 chiếc Chromebook Pixels và một máy tính bảng Pixel C "cây nhà lá vườn", thì cũng có thể thành công với một chiếc smartphone không phụ thuộc vào một hãng sản xuất nào khác.

Tác giả bài viết: Bảo Lâm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP