Đốn hạ cây gỗ lớn để... khai thác phong lan?!
Gần đây dư luận tại tỉnh Nghệ An đang “nóng” trước việc phá rừng quy mô lớn tại vùng lõi thuộc Vườn quốc gia Pù Mát (Con Cuông, Nghệ An). Theo số liệu thống kê từ Vườn quốc gia Pù Mát (VQG Pù Mát), sau khi kiểm tra đã phát hiện tổng diện tích hơn 9.696 ha có tới 99 cây gỗ các loại từ 25 đến 100 cm tại 5 tiểu khu thuộc địa bàn xã Môn Sơn là vùng lõi VQG Pù Mát bị lâm tặc đốn hạ. Qua đo đếm thực trạng gỗ đã bị cưa xẻ vuông vức tại hiện trường cho thấy có trên 150 m² gỗ.
Trong đó, có hơn 5,3 m² với tuổi đời hàng trăm năm đã được lâm tặc xẻ thành 54 phiến gỗ vuông vức và có hơn 146 m² gỗ tròn các loại còn nằm lăn lóc. Một số cây gỗ mới bị đốn hạ khoảng tháng 6/2019 và một số đã bị đốn hạ từ trước. Gốc của những cây gỗ này có dấu hiệu mục do gỗ bị xẻ đã lâu, ít nhất vài ba tháng trước khi được phát hiện.
Báo cáo về vụ việc rừng bị chặt phá nghiêm trọng tại vùng lõi VQG Pù Mát |
Nhận định đây là một vụ phá rừng được phát hiện với quy mô lớn, sau khi có báo cáo từ VQG Pù Mát, lực lượng chức năng huyện Con Cuông đã chỉ đạo các đơn vị liên quan vào cuộc làm sáng tỏ; Tổ chức kiểm tra hiện trường vụ phá rừng, kiểm đếm và làm rõ trách nhiệm, cũng như tìm ra thủ phạm đã chặt hạ, phá rừng với quy mô lớn.
Báo cáo với các cơ quan chức năng huyện Con Cuông và tỉnh Nghệ An về vụ việc này, ngày 5/8 vừa qua, lãnh đạo VQG Pù Mát ra văn bản số 280/BC-VQG do ông Trần Xuân Cường – Giám đốc VQG Pù Mát ký thông tin chính thức vụ chặt phá rừng. Văn bản nêu rõ:
“Đây là vụ chặt phá rừng quy mô lớn, khả năng có nhiều người tham gia để lấy phong lan bán ra thị trường. Qua nắm bắt thông tin thì đối tượng chặt phá chủ yếu là người dân Đan Lai hiện đang sinh sống trong vùng lõi của vườn nên cần nhiều thời gian để thu thập chứng cứ, xác minh đối tượng vi phạm. Việc chặt hạ nhiều cây rừng gây thiệt hại tới môi trường sinh thái và làm ảnh hưởng tới công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng…”.
Đã có 99 cây gỗ các loại, trong đó có ba cây gỗ dổi tuổi đời hàng trăm năm bị chặt hạ và được cưa xẻ vuông vức như thế này, được tập kết trong vùng lõi VQG Pù Mát nhưng mới đây mới được phát hiện |
Báo cáo này cũng nêu rõ: Khoảng đầu tháng 6/2019 lực lượng chức năng VQG Pù Mát tiến hành thu giữ được 160 kg cây phong lan do người dân Đan Lai tại bản Cò Phạt và bản Búng thuộc xã Môn Sơn dùng xe máy chở theo đường rừng hoặc gửi ra ngoài để bán. Qua quá trình xác minh, VQG phát hiện rừng bị chặt phá nghiêm trọng và nắm bắt được thông tin là do người dân đi rừng dùng cưa xăng cắt đổ cây để lấy lan.
Giám đốc VQG Phù Mát nói gì về vụ việc?
Trao đổi với PL&DS về vụ việc rừng bị chặt phá trên quy mô lớn tại 5 tiểu khu, ông Trần Xuân Cường – Giám đốc VQG Pù Mát cho rằng: "Sau khi phát hiện sự việc, VQG cũng đã có báo cáo với cơ quan chính quyền địa phương, trực tiếp báo cáo với lãnh đạo huyện, phối hợp với công an, viện kiểm sát để thực nghiệm đo đạc khối lượng, quy mô gỗ bị chặt phá tại hiện trường.
Chúng tôi không thể xác định được thời điểm bị chặt hạ số gỗ dổi do những cây gỗ này được tập trung về một chỗ thì cán bộ bảo vệ rừng mới phát hiện ra, còn một số cây gỗ chủ yếu chặt để lấy phong lan thì phát hiện sau khoảng 1 tuần cây bị đốn hạ…gỗ bình thường, cong queo, sâu bệnh. Lâu nay lực lượng bảo vệ rừng làm căng nên khả năng các đối tượng chặt hạ cây, xẻ vuông vức rồi nhưng không thể đưa ra được khỏi rừng".
Nói về trách nhiệm để xảy ra vụ việc này, ông Cường cho biết: "Anh em VQG cũng đang làm kiểm điểm".
Văn bản hỏa tốc chỉ đạo làm rõ vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra tại VQG Pù Mát của UBND tỉnh Nghệ An |
Liên quan tới vụ việc, ngày 1/8, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản hỏa tốc số 5403/UBND-NN về việc "Kiểm tra, xử lý, báo cáo tình hình khai thác lâm sản trái phép tại địa bàn xã Môn Sơn, huyện Con Cuông". Văn bản này nêu rõ:
“Giao cho UBND huyện Con Cuông chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNN (Cục Kiểm lâm) khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trên địa bàn tiến hành kiểm tra, xác minh, xử lý và đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý đúng theo quy định của pháp luật về vụ việc…”.
Đây là vụ phá rừng được nhận định là hết sức nghiêm trọng, ít nhiều khiến tình trạng phá rừng tại Nghệ An thêm nóng khi mà thời gian qua tại tỉnh này đã diễn ra nhiều vụ việc, đã được khởi tố, điều tra và xử lý không chỉ riêng lâm tặc mà cả những cán bộ trực tiếp quản lý, bảo vệ rừng để xảy ra việc phá rừng.
Đề nghị UBND tỉnh Nghệ An sớm chỉ đạo làm rõ những kẻ nào đã chặt hạ rừng quốc gia không thương tiếc, và cần truy rõ trách nhiệm, có hay không việc buông lỏng quản lý trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trong vụ việc rừng bị tàn phá nghiêm trọng tại VQG Pù Mát.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Tác giả: Hoàng Phạm
Nguồn tin: Báo Pháp luật & Dân sinh