Kinh tế

Giống lợn ngon bậc nhất thế giới, được coi là bảo vật quốc gia

Với hương vị thơm, ngon, chất lượng hảo hạng, loại thịt lợn này được mệnh danh là ngon bậc nhất thế giới.

Mangalitsa hay Mangalica là một giống lợn hiếm có nguồn gốc ở Hungary. Đặc điểm kỳ lạ của loài lợn này là lớp lông dày, dài, xù xì bao phủ khắp cơ thể như lông cừu. Lớp lông dày có thể có màu đen, đỏ, xám, nhưng phổ biến nhất là màu vàng hoe.

Những con lợn Mangalica có bộ lông xoăn trông giống cừu.

Ở Hungary, lợn Mangalica được đăng ký là một trong những bảo vật của quốc gia, chúng còn được gọi với tên "thịt lợn Kobe". Ngược dòng lịch sử, giống lợn Mangalica là kết quả lai giữa giống lợn Šumadija của Serbia và một giống lợn của Hungary.

Lợn Mangalitsa là một trong những giống lợn mỡ nhất trên thế giới với chất béo chiếm từ 65% đến 70% trọng lượng cơ thể, thịt nạc chỉ chiếm 30-35%. Mỡ của lợn Mangalica nhẹ hơn và tan chảy ở nhiệt độ thấp hơn các loài lợn khác.

Lợn Mangalitsa không yêu cầu chế độ chăm sóc đặc biệt, thức ăn chủ yếu của chúng là lúa mỳ, bắp, lúa mạch, cỏ,... Chúng còn được đánh giá là khá thông minh.

Tốc độ tăng trưởng của lợn Mangalitsa khá chậm so với những giống lợn khác. Một nông dân nuôi lợn Mangalitsa ở Hungary cho biết để lợn Mangalitsa đạt trọng lượng 150kg, người này đã phải nuôi trong thời gian từ 20-24 tháng.

Thịt của lợn Mangalica chứa nhiều mỡ, song đây là chất béo không bão hòa, chứa chất chống oxy hóa tự nhiên đồng thời có hàm lượng axit béo omega-3 cao nên tốt cho tim mạch. Với hương vị thơm, ngon, chất lượng tốt, thịt lợn Mangalica được mệnh danh là một trong những loại thịt ngon nhất thế giới, có thể so sánh với thịt bò Kobe nổi tiếng của Nhật Bản. Theo các nghiên cứu của Đại học Debrecen ở Hungary, hàm lượng omega-3 trong thịt lợn Mangalica cao gấp 2 đến 3 lần so với nhiều loại cá.

Được biết, từ đầu thế kỷ 19 đến năm 1950, lợn Mangalitsa là giống lợn phổ biến nhất ở Hungary. Mỡ lợn được dùng để sản xuất xà phòng, nến, mỹ phẩm, thậm chí cả dầu nhờn công nghiệp.

Nhu cầu sử dụng mỡ lợn giảm dần từ khoảng giữa thế kỷ 20. Giống lợn này dần được thay thế bằng các giống khác, nhiều thịt và ít béo hơn. Đến cuối những năm 1970, lợn Mangalitsa chỉ có thể được tìm thấy ở vườn thú và công viên tại Áo. Trong khi đó tại Hungary, số lượng lợn nái chỉ còn chưa đầy 200 con.

Mangalica gần như tuyệt chủng vào giai đoạn những năm 1990, với chưa đầy 200 cá thể.

Năm 1994, Tổ chức Nhân giống lợn Mangalica của Hungary được thành lập nhằm bảo vệ giống lợn kỳ lạ này. Hiện, có hơn 8.000 con lợn nái đang được nuôi tại đây, với số lượng sinh sản trung bình mỗi năm là 60.000 con. Theo các nhà nghiên cứu, điều này có thể giúp lợn Mangalica thoát khỏi nguy cơ bị tuyệt chủng.

Ngày nay, do nhu cầu tiêu thụ lợn Mangalitsa có xu hướng tăng trở lại nên một số nông dân tại Hungary đã bắt đầu nuôi lại giống lợn này.

Mặc dù có thời kỳ lợn Mangalica đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nhưng hiện nay số lượng đã tăng lên và xuất khẩu ra nước ngoài.

Hiện, tại Hungary chỉ có khoảng 200 trang trại chăn nuôi lợn Mangalica, số lượng lợn thuộc giống này chỉ chiếm 2% số lượng lợn của cả nước. Mục đích chính là xuất khẩu thịt ra nước ngoài, phần còn lại được chế biến thành thịt xông khói, xúc xích… Giá bán 20 USD/kg (460.000 đồng/kg).

Tác giả: Minh Hoa (t/h)

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP