Trong nước

'Giám sát, phản biện phải có bản lĩnh'

Đánh giá việc giám sát, phản biện vẫn hình thức, chưa thực chất, GS Trần Ngọc Đường cho rằng làm công tác này phải có bản lĩnh vì không tránh khỏi việc động chạm lợi ích.

Chiều 19/9, tại Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024, các đại biểu đã chia tổ thảo luận về 5 chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong nhiệm kỳ mới.

Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận với chủ đề "Thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh", GS.TS Trần Ngọc Đường (nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam) nhấn mạnh công tác giám sát và phản biện xã hội.

Theo ông, đây là một phương thức kiểm soát quyền lực Nhà nước từ phía nhân dân mà Hiến pháp năm 2013 tạo ra. “Giám sát, phản biện phải có bản lĩnh, nếu không thì không thể làm nổi vì nó động chạm tới lợi ích”, ông Đường nêu quan điểm.

GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Minh Quân.

Tuy nhiên, ông thẳng thắn nếu thực tế việc giám sát, phản biện của Mặt trận vẫn chưa tương xứng với những gì Hiến pháp quy định.

GS Đường phân tích trong một hệ thống chính trị như nước ta, nếu không phát huy được vai trò giám sát, phản biện với tư cách một phương thức kiểm soát quyền lực Nhà nước sẽ khó góp phần xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, phát huy dân chủ, phát huy quyền lực của nhân dân.

Theo đánh giá cá nhân, ông nhận thấy việc giám sát, phản biện vẫn còn hình thức, chưa thực chất”.

Từ thực tế đã nêu, ông Đường đề nghị phải hoàn thiện xây dựng và hoàn thiện hơn cơ chế kiểm soát quyền lực từ phía nhân dân. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để người dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp.

Ông cũng cho rằng phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tiếp thu những phản biện và khắc phục như thế nào. “Hiện nay, phản biện xong thì kết quả thế nào, các đối tượng giám sát không trả lời, không phản biện trở lại làm cho tác dụng của việc phản biện chưa rõ”, ông Đường nói.

GS.TS Trần Đông A. Ảnh: Minh Quân.

Tại tổ thảo luận về chủ đề “Tăng cường củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới”, GS.TS Trần Đông A đề nghị công tác mặt trận phải tập trung vận động chăm lo giúp đỡ người nghèo, lắng nghe ý kiến của nhân dân.

“Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên cần tổ chức thành nề nếp việc lắng nghe ý kiến của nhân dân định kỳ. Phản ánh trung thực, khách quan ý kiến người dân là kênh thông tin quan trọng để cấp ủy, chính quyền quản lý minh bạch”, GS.TS Trần Đông A nói.

Ông dẫn ra hàng loạt điển hình của việc chính quyền kịp thời điều chỉnh khi lắng nghe ý kiến nhân dân như việc hủy bỏ kịp thời về quy phạm tiêu chuẩn nước mắm của 2 bộ NN&PTNT và KH&CN vốn gây ra cuộc tranh cãi giữa giữa nước mắm truyền thống và nước chấm công nghiệp. Theo ông đó là một cách phản ứng nhanh của Nhà nước khi lắng nghe ý kiến người dân.

“Trước những vấn đề quan trọng, nhạy cảm, nhất là trước khi ban hành thành các chủ trương chính sách, nếu mặt trận sớm lắng nghe ý kiến người dân và có sự tiếp thu thì sẽ tạo sự thống nhất giữa Đảng, MTTQ với nhân dân. Đây là sức mạnh của hệ thống”, ông nêu quan điểm.

Phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội sáng 19/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn MTTQ chủ động góp ý kiến với Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định cơ chế, chính sách, làm người phản biện sắc sảo, chân tình giúp Đảng và chính quyền tự điều chỉnh, tự hoàn thiện để lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn.

Bên cạnh đó là việc giám sát các cán bộ, đảng viên, các đại biểu dân cử, các công chức, viên chức, cơ quan Nhà nước, góp phần làm cho tổ chức đảng và bộ máy chính quyền các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh.

Ngoài chủ động tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng, cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, Thủ tướng nhấn mạnh Mặt trận cần phát huy vai trò tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch.

“Mặt trận phải là nơi tin cậy để người dân phản ánh, tố giác tội phạm, tham nhũng, 'lợi ích nhóm', tố giác những người có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân”, Thủ tướng nói.

Bộ Y tế bổ nhiệm nhân sự mới

Tác giả: Hoài Thu

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP