Sáng ngày 11-7, tiếp tục Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu thảo luận tại hội trường với nhiều nội dung quan trọng làm rõ hơn những kết quả đạt được 6 tháng đầu năm 2023, phân tích những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, nhằm tìm những biện pháp khắc phục; đề xuất kiến nghị, các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giải pháp những tháng còn lại.
Ông Nguyễn Quốc Tiến, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nông Cống, cho rằng ở một số sở, ngành còn tình trạng "sân ông, sân tôi" |
Tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Quốc Tiến, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nông Cống, đã kiến nghị, đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp để HĐND tỉnh xem xét, quyết nghị. Trong đó, ông Tiến đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nhưng về vai trò trong công tác thực hiện nhiệm vụ tham mưu của các sở, ngành đâu đó vẫn chưa được làm rõ, còn tình trạng "sân ông, sân tôi".
Theo ông Tiến, địa phương có một di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đền Mưng (xã Trung Thành, huyện Nông Cống), được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) công nhận năm 2019. Năm 2020, Nông Cống bắt đầu xin quy hoạch, thiết kế để nâng cấp di tích này vì nó rất bé nhưng vẫn chưa xong.
"Cuối tuần này, tôi sẽ cho anh Đức (ông Nguyễn Lợi Đức, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống - PV) ra gặp trực tiếp anh Hồng (ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở VH-TT-DL - PV) xem xét giải quyết vấn đề này nó như thế nào. Hỏi Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) thì nói đây là văn hóa, trong khi ngành văn hóa nói chỉ quản lý những cái đã có, chứ cái chưa có phải là Sở TN-MT" - ông Tiến nói.
Tham luận tại hội trường, ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở VH-TT-DL Thanh Hóa, cho biết địa phương hiện có hơn 1.500 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, theo ông Hồng, do có nhiều vướng mắc về đầu tư nên hiện tỉnh đã đồng ý chủ trương đầu tư 90 di tích, nhưng đến giờ sở mới báo cáo được 31 di tích và chỉ có 1 di tích đủ điều kiện giao vốn.
Ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa, tham luận tại kỳ họp |
"Các đơn vị tư vấn trên địa bàn yếu và thiếu rất nhiều, chỉ 2-3 đơn vị đủ năng lực làm những di tích lớn, trong khi những người tham mưu cho di tích có vốn ít ở các địa phương hầu như không có kinh nghiệm, không có kiến thức về tu bổ"- ông Hồng nêu tồn tại.
Về trả lời ý kiến của đại biểu Nguyễn Quốc Tiến, ông Hồng cho biết đã đề nghị huyện này giải trình 2 việc, một là mở rộng diện tích đất, hai là di chuyển di tích, trong khi di chuyển di tích là tối kỵ.
Tuy nhiên, theo ông Hồng, việc di chuyển không phải là không làm được, nhưng phải xem xét di tích này mới được phục dựng hay là yếu tố gốc. Ngoài ra, ông Hồng cũng cho rằng báo cáo của huyện Nông Cống chưa được Sở TN-MT thông qua vấn đề mở rộng diện tích đất, vì chưa đảm bảo. Việc này, ông Hồng cho biết sẽ tổng hợp báo cáo lại để các đơn vị hoàn thiện, đảm bảo theo quy định.
Quang cảnh Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII |
"Rất cảm ơn các đại biểu quan tâm tới lĩnh vực văn hóa, chúng tôi nghĩ rằng nếu mà mình không làm được thì chúng tôi sẽ xin từ chức chứ không cần phải như ý kiến của một số đồng chí đề xuất xử lý những đơn vị được giao nhiệm vụ" - ông Hồng khẳng định.
Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa sẽ diễn ra trong 2,5 ngày (từ ngày 10 đến 12-7). Kỳ họp sẽ chất vấn 2 sở gồm: Sở TN-MT và Sở Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, xem xét, thông qua 20 nghị quyết quan trọng. |
Tác giả: Tuấn Minh
Nguồn tin: Báo Người Lao Động