Trong tỉnh

Giải pháp nào thúc đẩy cảng cá Nghệ An phát triển?

Cảng cá là một trong những động lực thúc đẩy kinh tế biển Nghệ An phát triển bền vững, tuy nhiên thực trạng hiện nay vẫn còn nhiều điểm đáng lo ngại…

Luồng lạch bị bồi lắng, gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào, cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá xuống cấp đã đẩy các cảng cá ở Nghệ An rơi vào cảnh đìu hiu, vắng vẻ dù khoản tiền đầu tư vào vấn đề này không phải là ít.

Trắc trở Cảng cá Cửa Hội

Cảng cá Cửa Hội nằm gần cửa biển hạ du sông Lam thuộc phường Nghi Hải, TP Vinh là 1 trong 4 cảng cá loại II được xây dựng, công bố mở cảng và đi vào hoạt động trong suốt hàng chục năm qua. Năm 2018, cảng được đầu tư hơn 106 tỷ đồng để nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, đáp ứng tiêu chí cảng cá loại I, phục vụ nhu cầu neo đậu tàu thuyền và bốc xếp hàng hóa thủy sản khai thác trong ngư trường Vịnh Bắc Bộ.

Nhiều cảng cá ở Nghệ An chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển do luồng lạch bị bồi lắng, cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá xuống cấp.

Cụ thể, dự án nâng cấp Cảng cá Cửa Hội hướng đến phục vụ lượng hàng thủy sản qua cảng từ 15.000 tấn/năm trở lên, đáp ứng khả năng đón tiếp cho tàu cá có công suất đến dưới 800 CV và 120 lượt chiếc/ngày trở lên. Với diện tích hơn 3,4ha, cầu cảng dài hơn 300m và được đầu tư nâng cấp, nhưng tình hình hoạt động của Cảng cá Cửa Hội trong thời gian qua lại không đáp ứng được như kỳ vọng.

Theo ghi nhận thực tế của PV Diễn đàn Doanh nghiệp, ngoài một số thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ ghé vào cảng, ít thấy bóng dáng tàu lớn neo đậu. Các tàu thuyền khác neo đậu trong phạm vị quản lý đa phần là phương tiện chuyên dụng của các lực lượng chức năng. Đáng chú ý, một số công trình ở khu vực dịch vụ hậu cần có dấu hiệu xuống cấp, hạng mục kè tuyến kè lấn biển dù được xây mới nhưng nay cũng đã xuất hiện vết nứt…

Chưa kể, nhà phân loại hải sản là hạ tầng kiến trúc quan trọng trong hệ thống dịch vụ bến cảng, nằm trong dự án nâng cấp, mở rộng Cảng cá Cửa Hội. Vậy nhưng, qua quan sát cho thấy, công trình này bỏ hoang, không có lấy một bóng người vào buôn bán, phân loại cá. Trong khi đó, nhà phân loại hải sản nay cũng trở thành nơi… đậu xe và tập kết ngư cụ của ngư dân.

Ông Phan Trung Kiên - chủ một kho đông lạnh trong khu vực Cảng cá Cửa Hội cho hay: Hơn 2 năm nay, không có tàu lớn hay tàu vừa nào vào cảng. Trước đây, cảng rất sôi động và nhộn nhịp, tàu vào nhiều, hải sản phong phú nhưng mấy năm trở lại đây chúng tôi phải đi thu mua hải sản từ các cảng cá khác về kho đông lạnh cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn. Nguyên nhân là do cửa lạch bị bồi lấp, tàu lớn không dám vào vì sợ mắc cạn. Những năm trở lại đây, ngoài các tàu cá loại nhỏ của ngư dân địa phương đánh bắt gần bờ, số lượng tàu công suất lớn giảm mạnh.

Giải pháp khơi thông “bế tắc”?

Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Tiến Chương - Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Nghệ An xác nhận, Cảng cá Cửa Hội những năm trước đây là nơi thường xuyên đón nhiều tàu cá các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thanh Hóa ra vào, với khối lượng hải sản lên tới 30 - 40 tấn/tàu. Tuy nhiên, tình trạng bồi lắng luồng lạch khiến các tàu không thể vào cảng, buộc phải chuyển sang cập Cảng Cửa Lò hoặc Cảng Nghi Tân, TP Vinh.

Tháo gỡ những “nút thắt” tại cảng cá sẽ góp phần đưa kinh tế biển Nghệ An phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

“Việc tàu cá không ra vào được Cảng Cửa Hội gây lãng phí nguồn đầu tư, ảnh hưởng đến dịch vụ hậu cần nghề cá của nhân dân quanh khu vực cảng. Chúng tôi cũng đã có kiến nghị gửi cấp có thẩm quyền cấp kinh phí để nạo vét luồng lạch để các tàu cá vào Cảng cá Cửa Hội được thuận tiện, an toàn” - ông Phan Tiến Chương cho biết.

Không chỉ riêng Cảng cá Cửa Hội, hiện nay Nghệ An có các cảng cá lớn khác như Lạch Vạn, Lạch Quèn, Quỳnh Phương cùng nhiều bến cá, cửa lạch cũng thường xuyên rơi vào tình cảnh tương tự. Nhiều luồng lạch bị bồi lắng, gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào, các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và kỳ vọng đề ra.

Điểm đáng lưu ý, mặc dù những năm qua, nhiều cảng cá, khu neo đậu trên địa bàn được Nhà nước rất quan tâm, bố trí kinh phí nâng cấp xây dựng, mở rộng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền ra vào neo đậu, tránh bão. Tuy nhiên, các luồng lạch thường nạo vét được một thời gian thì bị bồi lắng trở lại khiến ngư dân gặp rất nhiều khó khăn, làm chậm nhịp tăng trưởng ngành thuỷ sản nói riêng, kinh tế biển Nghệ An nói chung.

Nắm bắt rõ thực trạng trên, chính quyền tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành quyết định số 4344/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển hạ tầng và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2030. Theo đề án, đến năm 2030, có 7 cảng cá, 5 khu neo đậu tránh trú bão, các luồng lạch và các dịch vụ hậu cần nghề cá khác trên địa bàn sẽ được đầu tư nâng cấp, với tổng nguồn vốn đầu tư gần 2.400 tỷ đồng.

Trong số vốn đầu tư gần 2.400 tỷ đồng, ngân sách Trung ương là hơn 1.673 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 71 tỷ 500 triệu đồng, ngân sách khác 603 tỷ 900 triệu đồng. Đáng chú ý, trong 7 cảng cá được đầu tư xây dựng, nâng cấp, có 3 cảng cá loại 1, 2 cảng cá loại 2 và 2 cảng cá loại 3. Tổng năng lực bốc dỡ của 7 cảng cá là 154.500 tấn/năm, tương đương 83,51% sản lượng khai thác hải sản…

Tác giả: Hồng Quang

Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP