Diễn biến của bạo lực học đường có xu hướng ngày càng phức tạp, các vụ bạo lực có nhiều học sinh tham gia và xảy ra cả trong lẫn ngoài trường học. Thực tế trên cho thấy, bạo lực học đường đang trở thành vấn nạn đáng báo động và để ngăn chặn, cần sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Chỉ trong ngày 13/11, mạng xã hội đã lan truyền clip về hai vụ bạo lực học đường, một vụ việc xảy ra ở Hà Nội và 1 vụ việc xảy ra tại Nghệ An. Điểm chung của cả hai vụ bạo lực học đường này là nạn nhân đều là nữ và đang học ở bậc THCS. Sự việc có nhiều học sinh khác chứng kiến nhưng không em nào có động thái can ngăn.
Nữ sinh lớp 6 tại Hà Nội bị bạn đánh trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác, ảnh cắt từ clip. |
Trong clip được lan truyền trên mạng xã hội, 1 nữ sinh đã dùng chân đá vào đầu, túm áo kéo lê rồi lấy chổi quét lên đầu một nữ sinh khác ngay trong khuôn viên nhà trường. Clip ngay sau đó đã được xác định xảy ra tại Trường THCS Tân Minh (huyện Thường Tín, Hà Nội) vào chiều ngày 10/11, sau khi kết thúc buổi học. Theo ông Nguyễn Xuân Pôn, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Minh, sau khi nắm bắt được sự việc xảy ra, nhà trường đã báo Công an xã vào cuộc giải quyết, xử lý. Qua xác minh, nữ sinh bị đánh là em N, học sinh lớp 6 Trường THCS Tân Minh. Nhóm nữ sinh tham gia đánh và cổ súy có 4 người, trong đó, 1 nữ sinh ngoài trường tên U., 3 nữ sinh còn lại cũng là học sinh của trường. Còn trong clip một nữ sinh bị đánh, lột áo được xác định là học sinh của Trường THCS Khánh Sơn 2, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Sự việc xảy ra chiều ngày 12/11. Nguyên nhân dẫn đến sự việc vì cho rằng do bạn"nhìn đểu" nên thách đánh nhau. Nữ sinh đánh bạn là B.T.N, lớp 7D và nữ sinh bị đánh là H.H.N.Q, lớp 7B. Sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo Trường THCS Khánh Sơn 2 đã mời 2 học sinh và phụ huynh của các em, giáo viên chủ nhiệm đến để giải quyết. Các em đã làm tường trình, kiểm điểm và xin lỗi nhau. Hiện nhà trường đã cho 2 em nghỉ học 1 tuần để kiểm điểm…
Điều đáng nói là đây chỉ là 2 trong số hàng trăm, nghìn vụ việc xảy ra liên quan đến bạo lực học đường, vốn đang trở thành vấn nạn nhức nhối. Theo các kết quả nghiên cứu và các con số thống kê, bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây, dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực đối với giáo dục và tâm lý học sinh. Trong đó, nạn nhân của bạo lực học đường gặp phải rất nhiều tổn hại về nhiều sức khỏe và sự phát triển. Đối với sức khỏe thể chất sẽ gây ra những thương tích trên cơ thể, trường hợp nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Còn về tâm lý, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của học sinh, gây ra tâm lý sợ hãi, lo âu, bất an, uất ức và bị ám ảnh. Nạn nhân của bạo lực học đường cũng thường có những biểu hiện lầm lì, ít nói, mất tự tin, luôn ở trong trạng thái lo lắng, ngại tiếp xúc với mọi người, lo sợ khi đến trường, thậm chí phát sinh các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Ngoài ra, các em học sinh là nạn nhân của bạo lực thường có xu hướng không thể tập trung học, lo sợ khi đến lớp, dẫn đến việc kết quả học tập sa sút…
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cho rằng, bạo lực học đường là một vấn đề xã hội nhưng tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm chung trong cuộc khủng hoảng này và nhà trường phải đi đầu cung cấp cho trẻ sự giúp đỡ về mặt tinh thần. Trường học sẽ là lực lượng tiên phong, chịu trách nhiệm tổ chức và lôi kéo các bên tham gia. Nhà trường phải xác định được những trẻ có vấn đề tổn thương sức khỏe tâm thần, những trẻ có nguy cơ bạo lực học đường thông qua bảng hỏi sàng lọc cảm xúc và những trải nghiệm mới xảy ra, đồng thời cũng cần đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý học đường, tổ chức lại Phòng Tư vấn tâm lý trong các trường học để hỗ trợ các nhu cầu tâm lý. Ngoài ra, các nhà trường cần phải xây dựng văn hoá học đường gắn liền với vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục. Khi sức khỏe tâm thần và hạnh phúc của mỗi người đều được nhận ra, được chăm sóc và trở thành ưu tiên hàng đầu thì những ứng xử lệch chuẩn, những hành vi bạo lực trong xã hội sẽ giảm. Còn đối với phụ huynh, cha mẹ nên làm bạn cùng con, hãy là những người “bạn thân”, chỗ dựa tinh thần để hiểu con hơn, lắng nghe con hơn và có thể giải quyết những vấn đề cùng con…
Đề cập đến các giải pháp nhằm ngăn chặn bạo lực học đường tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường tập huấn kỹ năng sống cho học sinh; huấn kỹ năng cho giáo viên phụ trách về vấn đề này; bổ sung bố trí vị trí chuyên trách tư vấn tâm lý học đường vào trong các cơ sở giáo dục. Đồng thời, đẩy mạnh sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo vệ con em khỏi bạo lực học đường. Và một trong những khâu quan trọng tạo nền tảng gốc rễ để giải quyết được vấn đề này đó là triển khai thật tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu phát triển con người, nâng cao nhân cách đạo đức con người Việt Nam.
Tác giả: Huyền Thanh
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân