Một trong số giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường là tăng cường nhận thức pháp luật cho học sinh. Đây cũng là quan điểm được Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Ủy viên BCH Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nêu ra khi trao đổi cùng PV VOV Giao thông.
PV: Là một luật sư và cũng là người có trách nhiệm trong công tác bảo vệ trẻ em, bà nhìn nhận thế nào về tình trạng bạo lực học đường hiện nay?
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo: Hiện nay tình trạng bạo lực học đường ngày càng nghiêm trọng. Các bạn học sinh bạo lực học đường thì các bạn lại đánh hội đồng, nó gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, còn ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của các nạn nhân bị đánh.
Bạo lực học đường vẫn là một vấn đề nan giải, thậm chí có chiều hướng diễn biến phức tạp gần đây (Ảnh minh họa) |
Ngoài những trường hợp bạo lực trong trường học thì có những trường hợp các bạn học cùng trường với nhau nhưng bạo lực ngoài phạm vi trường học, nó cũng có nguồn gốc từ những mâu thuẫn trong nhà trường và nó gây ra hậu quả nạn nhân bị đánh có thể gặp những rối loạn tâm thần, ví dụ rối loạn phân ly hoặc các rối loạn tinh thần khác.
Cho nên, chúng tôi thấy các cơ quan nhà nước phải vào cuộc. Tuy nhiên, việc chúng ta xử lý thế nào với những đối tượng gây ra bạo lực học đường thì cũng cần mang tính chất răn đe nhiều hơn, cần tuyên truyền pháp luật nhiều hơn để các đối tượng dừng ngay hành vi bạo lực đối với bạn mình, đặc biệt là trong học đường.
PV: Dường như các biện pháp xử lý những học sinh đánh bạn, bắt nạt bạn còn quá nhẹ, chưa thể khiến học sinh biết sợ, bà có đồng tình với quan điểm này?
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo: Chúng tôi rất đồng tình, bởi vì hiện nay các quy định pháp luật của chúng ta cũng có tính chất răn đe, nhưng đối tượng gây ra bạo lực học đường là đối tượng độ tuổi từ lớp 7 trở xuống thì chưa đủ 15 tuổi, và với độ tuổi này thì Bộ luật hình sự quy định từ 14 – 16 tuổi thì chỉ chịu trách nhiệm hình sự với những tội đặc biệt nghiêm trọng và rất nghiêm trọng. Nhưng việc bạo lực của các em gây ra thì mức thương tích thông thường từ 30% trở xuống.
Do đó, Bộ luật hình sự sẽ không xử lý được các em và thường đối với những vụ việc như thế này, cơ quan công an quyết định không khởi tố vì đối tượng chưa đủ tuổi để chịu trách nhiệm hình sự. Đấy là một quy định nhân văn nhưng nó cũng tạo ra ảnh hưởng đối với những vụ án do các đối tượng độ tuổi gây ra bạo lực chưa đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
Giáo viên trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ) trò chuyện với học sinh chủ đề ngăn chặn bạo lực học đường. Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô |
Còn xử phạt hành chính, chúng ta không xử phạt hành chính đối với các em bởi độ tuổi đó chưa đủ điều kiện về năng lực cũng như về kinh tế để xử phạt hành chính. Chúng ta chỉ còn biện pháp xử lý theo các thông tư quy định về hình thức kỷ luật trong trường học. Đối với các em thì hiện nay các thông tư cũng chỉ là hình thức cảnh cáo hoặc cho các em nghỉ học, thì chúng tôi nghĩ là nó chưa đủ sức răn đe.
PV: Vậy xin bà nói rõ hơn về những điều mà chúng ta cần điều chỉnh, bổ sung trong các quy định hiện tại, để có hành lang pháp lý thuận lợi hơn, từ đó ngăn chặn bạo lực học đường?
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo: Chúng ta đã có Nghị định 85/2017 về phòng, chống bạo lực học đường, quy định về các hình thức bạo lực học đường và những quy định về các biện pháp trong nhà trường để phòng ngừa bạo lực học đường. Tuy nhiên đây cũng chỉ là Nghị định quy định chung về bạo lực học đường mà chưa có những hình thức kỷ luật cần thiết.
Hiện nay, chúng ta có một Thông tư hướng dẫn về điều lệ các trường THCS và THPT là Thông tư 32/2020, thì hiện nay thông tư này quy định về phần kỷ luật đối với các em rất chung chung. Ví dụ nhắc nhở, giúp đỡ để học sinh khắc phục khuyết điểm, hoặc là khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh hoặc tạm dừng học ở trường, những biện pháp này chỉ có tác dụng đối với những trường hợp lỗi nhẹ.
Còn đối với những trường hợp gây ra bạo lực học đường mang tính chất 4, 5 em rủ nhau đánh một bạn, hoặc đánh bạn rồi dùng điện thoại để quay video clip tung lên mạng, thì nó gây ra những hậu quả rất khôn lường. Chúng tôi mong muốn sẽ có những sửa đổi về kỷ luật đối với các em, để các em thấy việc vi phạm của mình nó sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng, và sẽ dừng những hành vi vi phạm.
Chúng tôi cũng nghĩ là trong tương lai, chúng ta cũng sẽ đề xuất có những sửa đổi trong Bộ luật hình sự về trách nhiệm hình sự đối với độ tuổi từ 14 - 16 tuổi. Đối với những vụ án mà nó gây ra hậu quả nghiêm trọng thì các em phải chịu trách nhiệm hình sự, để các em thấy là hậu quả mình gây ra nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội.
PV: Xin cảm ơn bà!
Tác giả: Xuân Tú
Nguồn tin: vov.vn