Trong tỉnh

Giấc mơ thoát khỏi '4 không'

Băng rừng, lội suối suốt gần hai giờ đồng hồ, chúng tôi mới vượt qua được quãng đường gần 30km để tới Mường Lống. Ở nơi thâm sơn cùng cốc này, có 4 cái không đang hiện hữu. Đó là, không điện thắp sáng, không sóng internet, không trạm xá và không có đường nhựa.

Học sinh tại Trường Tiểu học Tri Lễ 4. Ảnh: Điền Bắc.

Gian nan vào bản

Mường Lống cách trung tâm xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An) khoảng 30km đường rừng chỉ có thể cuốc bộ, hoặc quăng quật trên xe máy nếu điều kiện thời tiết thuận lợi.

Để đến được bản, chỉ có con đường đất độc đạo, đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Bản Mường Lống có 135 hộ với hơn 800 nhân khẩu, đời sống của người dân đối diện với muôn vàn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 70%. Không những vậy, nơi này vẫn còn tồn tại nhiều tập quán lạc hậu, tác động sâu sắc đến sức khỏe con người...

Ông Xồng Bá Cha - Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết: "Đường vào Mường Lống dốc ngược, trơn trượt và rất quanh co… Đây là một trong những bản có đời sống khó khăn nhất không chỉ của xã Tri Lễ mà của cả tỉnh Nghệ An. 100% nhân khẩu của bản đều là người dân tộc Mông. Họ sinh sống nơi lưng chừng dãy núi, sát biên giới Việt Lào. Đến nay, Mường Lống vẫn chưa có điện, không có trạm xá, không đường nhựa và không có mạng internet”.

Học sinh tại Trường Tiểu học Tri Lễ 4. Ảnh: Điền Bắc.

Do Mường Lống nằm trên dãy núi có độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Vậy nên, càng lên cao, đi sâu vào rừng già, không khí loãng khiến cho sức khỏe con người trở nên mệt mỏi. Nhóm chúng tôi chở nhau trên xe máy, vượt cung đường lầy lội, để vào được Mường Lống thật sự quá gian nan.

Những chiếc xe máy nối nhau đi theo vết bánh xe đường lòng máng có sẵn. Suốt cuộc hành trình, thứ âm thanh nổi trội hơn cả không gì khác ngoài tiếng gầm rú ga ầm ầm và mùi khói tỏa ra khét lẹt. Vậy mà Xồng Bá Cha vẫn tỏ ra khá bình thản.

Ông nói: “Hôm nay, anh em ngược rừng, điều kiện thời tiết thuận lợi, gặp ngày mưa, chưa biết chuyện gì xảy ra đâu. Tôi sinh ra, lớn lên ở Mường Lống nên đã quá quen với cung đường này. Tôi hiểu rõ thời điểm nào nên vượt rừng về bản, theo kinh nghiệm, nên đi vào giữa trưa là an toàn nhất".

Theo ông Xồng Bá Cha, con đường độc đạo này đã chứng kiến bao nhiêu nước mắt của thầy cô giáo vào dạy học, bao lần hú vía khi đang vào bản thì bất ngờ trời đổ mưa.

"Nếu ai biết đi xe máy còn đỡ, chứ người dân bản Mường Lống, đặc biệt phụ nữ, người già, mỗi lần muốn ra trung tâm xã, chỉ có cách băng rừng, lội bộ, sáng đi tối về. Nếu mùa mưa, các con suối bị lụt thì không thể trở về, họ đành xin tá túc nhà người quen đợi nước rút mới vào được bản", ông Cha nói.

Là người có thâm niên dạy học tại bản Mường Lống (điểm trường Tri Lễ 4) gần 30 năm qua, thầy giáo Thò Bá Sinh cũng ngán ngẩm khi nói về cung đường này.

"Dạy học trong vùng sâu, vùng xa rất vất vả, khi thiếu thốn nhiều thứ. Nó lại vất vả bội phần khi đường đến trường quá khó khăn, bùn đất, lầy lội. Do vậy, nhiều giáo viên đã xác định ở lại trường, mỗi tuần về một lần. Mùa khô còn đỡ, chứ vào mùa mưa, mỗi lần đến trường cả thầy và trò quần áo, cặp sách không nơi nào sạch sẽ", thầy Sinh chia sẻ.

Nơi nghỉ của giáo viên Trường Tiểu học Tri Lễ 4 còn nhiều khó khăn.

Điều kiện sinh hoạt tại Mường Lống vô cùng khó khăn, đường sá đi lại hiểm trở, nên vào mùa mưa để vào được trường có khi phải mất cả mấy tiếng đồng hồ, giáo viên phải chia từng tốp hỗ trợ nhau vượt qua các con dốc cao trơn trượt, ngập trong bùn đất, sạt lở… rất nguy hiểm. "Ước mơ của hàng trăm người dân, hàng chục giáo viên là được Nhà nước làm đường nhựa để không phải ì ạch mỗi lần lưu thông, để bà con Mường Lống có điều kiện phát triển kinh tế", thầy Sinh mong muốn.

Một đoạn đường vào Mường Lống. Ảnh: Điền Bắc.

Ngôi trường hơn 40 năm tuổi

Người dân và giáo viên ở Mường Lống có một niềm tự hào to lớn. Đó chính là Trường Tiểu học Tri Lễ 4. Nơi đây đã nuôi dưỡng nhiều thế hệ con em của không chỉ bản Mường Lống mà còn có con em các bản lân cận như Huồi Xái, Nậm Tột… về đây theo học. Trường Tiểu học Tri Lễ 4 nằm giữa bản làng người Mông.

Thầy giáo Thò Bá Sinh - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ 4 cho biết: Trường được thành lập từ năm 1982, đây là một trong những trường khó khăn nhất của huyện Quế Phong nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung.

Cũng giống như vùng đất này, dù gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng ngôi trường vẫn thuộc diện "nhiều không" không điện thắp sáng, không nước sạch, không nhà công vụ, không công trình phụ cho cả giáo viên và học sinh và đặc biệt là không có giáo viên nữ… Tối đến, các thầy giáo tại Trường Tiểu học Tri Lễ 4 sử dụng nguồn điện pin năng lượng mặt trời do nhà hảo tâm tặng. Tuy nhiên nguồn điện này không ổn định và cũng chỉ đủ bật bóng đèn khi trời đã tối hẳn. Khi có công việc cần báo cáo ra bên ngoài, muốn có sóng điện thoại 4G, các thầy phải leo lên ngọn núi khá cao cách đó 10km để dò tìm.

Cầu gỗ đơn sơ được người dân bắc qua các con suối. Ảnh: Điền Bắc.

Theo thầy Sinh, dù khó khăn nhưng năm học nào học sinh cũng đầy đủ, riêng năm học 2023-2024, trường có 15 lớp với 283 học sinh (bình quân 19 học sinh/lớp). Có 3 điểm trường gồm: Điểm chính có 6 lớp, 124 học sinh; 2 điểm lẻ 8 lớp đơn, 1 lớp ghép với 159 học sinh. "Trường Tiểu học Tri Lễ 4 chưa có phòng học khang trang, chưa có phòng thiết bị, phòng đội, phòng y tế, phòng trực bán trú hay các phòng chức năng khác. Các phòng học được phụ huynh làm tạm bằng gỗ thô, diện tích hẹp, chỉ 20-25m2/phòng nhưng nay đã xuống cấp, hư hỏng nhiều, chưa có kinh phí sửa chữa", thầy Sinh chia sẻ.

Ông Xồng Bá Cha cho biết: Trường Tiểu học Tri Lễ 4 nằm trong thung lũng Mường Lống. Học sinh ở đây đều là con em đồng bào dân tộc Mông. Bà con chủ yếu sinh sống nhờ vào công việc làm nương rẫy. 70% dân số trong bản thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Việt còn hạn chế. Trình độ dân trí ở Mường Lống không đồng đều, còn nhiều hủ tục lạc hậu. Cuộc sống khó khăn nên việc họ đầu tư cho con em học tập đến mức biết đọc, biết viết đã là một niềm hạnh phúc.

Tác giả: ĐIỀN BẮC

Nguồn tin: daidoanket.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP