Trong nước

Ga ngầm ngay cạnh hồ Gươm: Bộ Văn hóa lại phải lên tiếng

Bộ VHTT&DL cho rằng, TP Hà Nội nên nghiên cứu thêm các phương án bố trí nhà ga C9, tịnh tiến thân ga về phía Đông đường Đinh Tiên Hoàng.

Mới đây, UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH có văn bản gửi UB Thường vụ QH và Thủ tướng cho rằng, nhà ga C9 và đường ngầm tuyến đường sắt đô thị số 2 của TP Hà Nội xâm phạm di tích hồ Gươm và vi phạm luật Di sản văn hoá.

Trong văn bản trả lời báo chí sáng nay, Bộ VHTT&DL cho biết, việc xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, trong đó có ga ngầm C9 nhằm đáp ứng yêu cầu về giao thông đô thị, phục vụ phát triển thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại.

Phương án 1 là vị trí đặt ga C9 tuyến đường sắt đô thị số 2

Thời gian qua, Bộ đã có một số văn bản ủng hộ chủ trương của UBND TP Hà Nội về việc quy hoạch ga ngầm C9.

Tuy nhiên, Bộ cũng nhận thấy, khu vực dự kiến xây dựng nhà ga là khu vực trọng yếu, gắn với truyền thuyết, lịch sử và văn hiến của thủ đô Hà Nội, đồng thời là không gian có giá trị thẩm mỹ, cảnh quan cần được bảo tồn, có giải pháp xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.

Tại các văn bản gửi đến UBND TP Hà Nội, Bộ đều yêu cầu TP chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu thêm các phương án bố trí nhà ga, tịnh tiến thân ga về phía Đông đường Đinh Tiên Hoàng (cách xa bờ phía Đông của Hồ Hoàn Kiếm và nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ 2 của di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn).

Theo Bộ VHTT&DL, ngày 8/5/2017, UBND TP Hà Nội có công văn giải trình về việc bố trí nhà ga và cho rằng, về mặt kỹ thuật cũng như an toàn vận hành thì không thể dịch chuyển vị trí nhà ga theo yêu cầu của Bộ.

“Bộ đã có công văn đề nghị UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định vị trí của ga ngầm C9 theo quy định của pháp luật hiện hành về di sản văn hóa”, Bộ VHTT&DL cho biết.

Nên đổi vị trí đặt ga C9?

Là người trong Hội đồng thẩm định dự án, KTS Trần Trọng Hanh cho hay, trước đó ông đã phát biểu, vị trí đặt ga C9 không thích hợp lắm.

Phối cảnh kiến trúc lối lên xuống số 4, khu vực phía sau tượng đài Cảm tử và đền Bà Kiệu

“Vị trí đó nằm sát bên hồ Gươm, sẽ tác động trực tiếp đến hồ, trong khi ở đây cảnh quan rất đẹp, nếu đào bới xây dựng làm ga, lối ra, lối vào như thiết kế thì không thích hợp”, ông Hanh nói và cho rằng, phương án tốt nhất là ga đặt ngay tại vị trí tòa nhà EVN thì sẽ thuận hơn.

“Giờ điều chỉnh lại thì tốt quá”, ông Hanh bày tỏ.

Theo Phó trưởng BQL đường sắt đô thị Hà Nội Lê Trung Hiếu, nhà ga C9 đưa hành khách đến tham quan di tích, đây cũng là công trình mang tính chất phục vụ khu vực hồ Gươm. Ở góc độ là người làm kỹ thuật, ông Hiếu cho hay công trình này không vi phạm luật Di sản văn hoá.

Hiện nay không còn phương án nào đặt vị trí nhà ga C9 và đường ống tàu điện ngầm khu vực này. Bởi vị trí đặt ga C9 còn liên quan trực tiếp đến hướng tuyến và hai ga (ga C8 – đặt tại vườn hoa Hàng Đậu và ga C10 – đặt tại đường Hàng Bài).

“Trong quá trình thi công và vận hành tuyến đường sắt đô thị số 2 ở khu vực hồ Gươm, có hai vấn đề chúng tôi tính toán kỹ, đó là độ lún và rung lắc.

Theo tính toán, độ lún tối đa ở khu vực này chỉ từ 4-8,8mm. Đây là độ lún rất nhỏ, không ảnh hưởng đến di tích. Còn quá trình vận hành, các chuyên gia tính toán, khi ống hầm nằm sâu 15m thì các xung động không thể truyền lên mặt đất”, ông Hiếu nói.

Theo phương án được Hà Nội chọn, hầm nhà ga ngầm C9 cách chân Tháp Bút 8,2 m, cách gò đá chân Tháp một mét. Thân ga (dài 150m, rộng 21,4m, sâu 17,45m, 3 tầng) nằm chính dưới đường Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa hồ Hoàn Kiếm.

Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga tới hồ Hoàn Kiếm 10m, tới tượng đài cảm tử 81 m, tới đền Bà Kiệu 83m, tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120m, tới Tháp Bút 36 m.

Nhà ga có phần nằm trong khu vực bảo vệ 2 (khu vực bao quanh vùng lõi) của di tích quốc gia đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.

Tác giả: Hương Quỳnh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP