Trong tỉnh

Dư địa nào để Nghệ An phát triển năng lượng tái tạo?

Hệ thống thuỷ điện bậc thang dày đặc dọc theo các con sông lớn, nhỏ được hình thành nhưng đến thời điểm hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An lại “vắng bóng” dự án năng lượng tái tạo.

Hệ thống thủy điện bậc thang quá dày đặc trên hệ thống sông Cả ở Nghệ An đã khiến nguy cơ mất cân bằng sinh thái hiện hữu nhiều năm qua và trở thành một trong những nguyên nhân gây nhiều hệ luỵ cho môi trường

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trước đây, theo quy hoạch được Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt, Nghệ An có 54 dự án thủy điện với tổng công suất gần 1.700 MW, trong đó có 8 dự án quy hoạch tiềm năng và 1 dự án thủy điện Bản Cánh được xây dựng từ trước khi tiến hành quy hoạch.

Thuỷ điện "ken dày" dọc các sông

Vậy nhưng, trong quá trình triển khai thực hiện, UBND tỉnh Nghệ An và Bộ Công Thương đã đưa ra khỏi quy hoạch 22 dự án thủy điện với các lý do như chưa phù hợp, chưa hiệu quả, không có tính khả thi…gây ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái và nhiều hệ luỵ liên quan khác.

Chính vì vậy, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 22 công trình thủy điện đã vận hành phát điện với tổng công suất 934,9 MW, 03 dự án với tổng công suất 76 MW đang xây dựng và 03 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Đáng quan tâm, hệ thống sông Lam, đoạn thượng nguồn được “phủ sóng” dày đặc bởi các thuỷ điện lớn, nhỏ. bị chặn bởi chi chít thủy điện lớn nhỏ. Riêng đoạn qua địa phận huyện Tương Dương có 4 nhà máy thủy điện, bao gồm: Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ, công suất 320MW; Nhà máy Thủy điện Khe Bố, công suất 100MW; Nhà máy thủy điện Nậm Nơn ở xã Lượng Minh công suất 20MW; Nhà máy thủy điện Bản Ang, ở xã Xá Lượng với công suất 17MW.

Đặc trưng của các thuỷ điện này tích nước vào mùa khô kiệt, xả lũ vào mùa mưa lũ… là “quy trình” vận hành của các nhà máy thủy điện lớn, nhỏ ở trên các sông suối tại Nghệ An đang khiến nguy cơ mất cân bằng hệ sinh thái hiện hữu. Các chuyên gia môi trường cũng phân tích thì để tạo ra 1MW điện năng chúng ta phải xóa sổ 10-30ha rừng.

Các công trình thuỷ điện được xây dựng ken dày trên hộ thống sông chính trên địa bàn Nghệ An đang trở thành mối lo ngại đối với cuộc sống của người dân vùng hạ lưu mỗi khi mùa mưa lũ về

Chưa kể, các dự án đang được triển khai xây dựng nhà máy thủy điện của Nghệ An cũng lấy đi 5.687 ha đất rừng, 1.733,3 ha đất sản xuất nông nghiệp và hơn 1 nghìn ha đất khác. Chưa kể, các thủy điện chặn dòng, tích nước đã khiến hàng nghìn hộ dân sinh sống từ đời này sang thế hệ khác buộc phải “nhường đất, dời nhà” đi nơi khác để dành chỗ cho… thủy điện.

Được biết, theo quy hoạch phát triển năng lượng giai đoạn 2021-2030, Nghệ An cũng đã và đang triển khai quy hoạch phát triển thêm 06 thuỷ điện lớn, nhỏ khác nhau gồm: Thác Muối (Công suất 53MW), Bản Phủng 12MW chưa giao chủ đầu tư; Thông Thụ (28MW), Cẩm Sơn (36MW) đã được UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản đề xuất quy hoạch điện VIII đối với dự án này; Thuỷ điện Mỹ Lý (120MW) và Nậm Mộ 1 (51MW) đã được đưa vào Quy hoạch điện VIII.

Trong một lần trả lời báo chí, kỹ sư Nguyễn Quang Hòa - nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An, Giám đốc Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ thủy lợi đã cảnh báo rằng, việc quy hoạch xây dựng ồ ạt các dự án nhà máy thủy điện theo bố cục bậc thang trong thời gian qua trên địa bàn Nghệ An sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới đời sống dân sinh của người dân.

Trước đó, vấn đề này cũng đã được cảnh báo tại các diễn đàn phản biện về những hệ lụy liên quan đến thủy điện nhưng các nhà chức trách vẫn phớt lờ, chấp thuận cho triển khai xây dựng hàng chục thủy điện nhỏ trên địa bàn.

“Vắng bóng” dư địa năng lượng tái tạo

Theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Việt Nam và Cơ quan Hợp tác phát triển Tây Ban Nha (AECID), Nghệ An được đánh giá là một trong các địa phương tại Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng mặt trời với số giờ nắng trung bình đạt khoảng 1.700 - 2.000 giờ/năm, đặc biệt là từ tháng 4 cho đến tháng 10 hàng năm.

Chính vì vậy, Nghệ An được xếp vào nhóm các khu vực có số giờ nắng cao trên cả nước với lượng bức xạ mặt trời trung bình khoảng 4,73 kWh/m2/ngày. Qua khảo sát sơ bộ từ các địa phương của Nghệ An cho thấy, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.600 ha diện tích có thể khai thác đầu tư năng lượng mặt trời, tương đương công suất 1.300 MWp. Trong khi đó, tiềm năng năng lượng tái tạo ở Nghệ An đạt trên 17.400 MW nhưng dự thảo quy hoạch điện 8 thì chỉ đưa vào 110 MW thuộc thủy điện nhỏ khá khiêm tốn, chỉ chiếm 0,6%.

Hiện nay trên địa bàn Nghệ An còn 24 thôn, bản và Đảo Mắt được cấp điện bằng nguồn năng lượng tái tạo theo Quyết định số 5124/QĐ-UBND ngày 12/12/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt chủ trương đầu tư tiểu dự án cấp điện nông thôn từ nguồn năng lượng tái tạo.

Trước đó, vào ngày 20/11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1632/TTg-CN về việc chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đối với 02 dự án Nhà máy điện mặt trời hồ Khe Gỗ có quy mô công suất 250 MWp và nhà máy điện mặt trời nổi hồ Vực Mấu có quy mô công suất 200MWp với tổng mức đầu tư 7.800 tỷ đồng.

Qua thống kê, hiện số lượng khách hàng doanh nghiệp sử dụng điện mặt trời áp mái có công xuất 100kWp trở lên là 94 doanh nghiệp với tổng công suất 85,1MWp (68,08MW), bao gồm tất cả các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp và dân dụng, dịch vụ

Thời gian tới, Nghệ An cũng sẽ xây dựng mới trạm biến áp 220kV điện mặt trời hồ Vực Mấu và 6,0km đường dây 220kV điện mặt trời hồ Vực Mấu – Rẽ Quỳnh Lưu – Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá.

Chủ trương ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, điện mặt trời…thân thiện môi trường cũng đã được Nghệ An khởi động, thu hút đầu tư trong những năm gần đây. Bởi việc nghiên cứu, lập chiến lược phát triển nguồn năng lượng mặt trời đối với tỉnh Nghệ An có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần cụ thể hóa việc thực hiện chiến lược phát triển năng lượng tái tạo quốc gia, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Không chỉ vậy, quy hoạch phát triển năng lượng “sạch” còn góp phần giảm ô nhiễm môi trường khu vực và đảm bảo mục tiêu, vai trò phát triển kinh tế vùng của tỉnh Nghệ An trong tương lai.

Riêng đối với các nguồn điện được quy hoạch đấu nối lên lưới 500kV tại khu vực tỉnh Nghệ An bao gồm: nhiệt điện Quỳnh Lập I (1.200MW), nhiệt điện Quỳnh Lập II (1.200 MW) giai đoạn 2026-2030, vào ngày 08/12/2021, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản số 975/UBND-CN đề nghị Chính phủ cho phép chuyển 2 dự án trên thành dự án điện khí LNG (Liquefied Natural Gas) thay thế dự án nhiệt điện than. Trước đó, vào tháng 11/2020, tỉnh Nghệ An đã có văn bản kiến nghị với Chính phủ dừng thực hiện dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập I và II tại thị xã Hoàng Mai, đồng thời đưa 2 dự án này ra khỏi quy hoạch điện 7 và dự thảo quy hoạch điện 8.

Cùng với đó, từ ngày 16/6/2021, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành kế hoạch số 330/KH-UBND về việc triển khai thực hiện định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Được biết, tỉnh Nghệ An cũng đã đề xuất đưa 7 dự án điện mặt trời nối lưới vào dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 với tổng công suất 680 MWp để bảo đảm an ninh năng lượng trong thời gian tới, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Còn theo quy hoạch phát triển nguồn năng lượng điện của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030, Nghệ An đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, cho phép phát triển 03 dự án điện năng lượng mặt trời được đưa vào Quy hoạch điện VIII (Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII) tại Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023, gồm: Nhà máy điện mặt trời Trù Sơn (công suất 90 MWp); Nhà máy điện mặt trời hồ Khe Gỗ (200 MWp); Nhà máy điện mặt trời nổi hồ Vực Mấu (160MWp) trên địa bàn hiện đang thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, theo Quyết định quy hoạch điện VIII, dự án Cụm điện khí Quỳnh Lập với công suất 1.500MW cũng được Thủ tướng đồng ý đưa vào thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn Nghệ An vẫn còn mang tính manh mún, nhỏ lẻ chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế của địa phương. Trong khi đó, mặc dù các dự án phát triển nguồn năng lượng tái tạo đã được đưa vào quy hoạch nhưng hiện vẫn đang ở trạng thái khởi động về lộ trình, thủ tục từ cơ sở...

Tác giả: NGỌC THÁI

Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP