|
Ngày 26/9, ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra trận giông lốc khiến một số nhà dân bị ảnh hưởng.
Trận giông xảy ra vào ngày 25/9, tốc mái nhà một số nhà dân ở xã Thanh Hương, nhiều diện tích ngô bị đổ. Rất may không có thiệt hại về người. Hiện chính quyền địa phương đang tiến hành giúp người dân khắc phục hậu quả.
Trận lốc xoáy tại xã Thanh Hương đã khiến cho một số nhà bị tốc mái. |
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trong đêm 25 và sáng 26/9, trên địa bàn huyện Thanh Chương đã xảy ra mưa to đến rất to, lượng mưa đo được từ khoảng 150 - 170 mm; một số tuyến đường ở các xã, thị trấn bị ngập cục bộ.
Tại xã Ngọc Lâm, mưa lớn, nước trên các triền núi đổ về làm ngập một số điểm cầu tràn trên đường liên xã, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Điểm ngập nặng nhất là tại vị trí cầu Đập tràn bản Tân Tiến, xã Ngọc Lâm.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, đồn Biên phòng Ngọc Lâm đã cử lực lượng, phối hợp với địa phương cắm biển cảnh báo, đồng thời túc trực tại các vị trí trọng yếu để cảnh báo, không để người dân qua lại.
Đồn Biên phòng Ngọc Lâm đã cử lực lượng, phối hợp với địa phương cắm biển cảnh báo. |
Ngoài ra, vào 17h20 ngày 25/9, tại địa bàn xã Tam Hợp, huyện Tương Dương xảy ra hiện tượng mưa to, kèm lốc xoáy, gây thiệt hại cho 5 hộ dân và một số công trình biển bảng, nhà ở của các hộ dân trên địa bàn.
Thiệt hại về tài sản ước tính khoảng hơn 70 triệu đồng, rất may không có thiệt hại về người. Ngoài ra, có một số cây bị gẫy xuống đường, gây ùn tắc cụm đường liên xã.
Đồn Biên phòng Tam Hợp đã cử 15 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với chính quyền địa phương, công an xã và người dân nhanh chóng hỗ trợ, khắc phục. Hiện mọi hoạt động sinh hoạt, giao thông đã trở lại bình thường.
Mưa lớn đã khiến cho nhiều cầu tràn ở Nghệ An bị ngập. |
Trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn Nghệ An đề nghị các cơ quan, ban ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn.
Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.
Cùng với đó, tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp; chỉ đạo kiểm tra, rà soát, triển khai các phương án vận hành và đảm bảo an toàn các hồ chứa nước và hạ du, bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Tác giả: Nguyễn Anh Ngọc
Nguồn tin: nguoiduatin.vn