Mới đây, trước yêu cầu bức thiết về nhu cầu nhà ở cho công nhân tại KCN Nam Cấm thuộc Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An, địa phương này đã chấp thuận cho một nhà đầu tư địa ốc vào triển khai, tiếp tục “khởi động” dự án này với quy mô hơn 320 tỷ đồng.
Doanh nghiệp địa ốc “khởi động” dự án
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có khoảng 24 nghìn công nhân đang trực tiếp làm việc tại các KCN, Cụm Công nghiệp, trong đó hơn 7.000 người lao động có nhu cầu nhà ở để ổn định sinh sống, làm việc.
Vậy nhưng, từ suốt hàng chục năm qua, kể từ khi Nghệ An đưa KCN Bắc Vinh (một trong những KCN đầu tiên ở địa phương này) vào hoạt động, dự án nhà ở cho công nhân vẫn chưa thể đáp ứng kịp thời. Hàng nghìn công nhân đến đây làm việc vẫn phải thuê trọ ở tạm trong những dãy nhà tồi tàn, chật hẹp.
Năm 2017, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chọn KCN Bắc Vinh để triển khai dự án “Thiết chế Công đoàn cho công nhân” với quy mô đầu tư hơn 500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào hoạt động vào năm 2020. Vậy nhưng, dự án này đến nay vẫn nằm trên hồ sơ, giấy tờ và hội thảo chứ chưa thể đi vào hoạt động như tiến độ đặt ra.
Đáng quan tâm, vào năm 2019, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch xây dựng 2 khu nhà tại 2 xã Nghi Xá và Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc để giải quyết chỗ ở cho khoảng 2.600 công nhân. Nhưng 02 dự án này suốt thời gian dài cũng chỉ “dậm chân tại chỗ”, nhu cầu nhà ở cho công nhân “treo” dài theo năm tháng.
Riêng dự án nhà ở cho công nhân tại xã Nghi Xá gặp vướng mắc về khu đất là tài sản công nên tiến độ triển khai vẫn rất chậm do phải chờ hồ sơ thẩm định và các văn bản liên quan của Sở, ngành chức năng.
Chính vì vậy, hàng chục nghìn m2 ở KCN Nam Cấm vốn dĩ dành để làm quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân tại đây suốt nhiều năm qua vẫn nằm trên giấy tờ. Hàng nghìn công nhân phải sống, sinh hoạt chật vật tá túc tạm ở nhiều khu trọ của người dân địa phương.
Phối cảnh Khu nhà ở xã hội cho công nhân sắp được triển khai tại xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc, Nghệ An được địa phương chấp thuận cho Công ty CP địa ốc Kim Thi làm chủ đầu tư |
Trước thực trạng liên quan đến vướng mắc thủ tục, văn bản liên quan khiến quy hoạch xây dựng nhà ở cho công nhân tại xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc “treo” kéo dài, mới đây UBND tỉnh Nghệ An đã chấp thuận cho Công ty CP địa ốc Kim Thi tiếp tục khởi động lại dự án này.
Theo đó, quy mô công trình hoàn thành sẽ có 07 tòa nhà chung cư cao 05 tầng với khoảng 539 căn hộ và có 23 căn hộ liền kề cao 03 tầng trên nền diện tích 34.789,5m2 với tổng mức đầu tư hơn 320 tỷ đồng. Khi dự án đi vào hoạt động sẽ đáp ứng nhu cầu ở cho khoảng 1.792 người, trong đó có khoảng 1.700 công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế Đông Nam.
Theo văn bản chứng nhận chấp thuận chủ trương đầu tư, từ quý III/2022 đến cuối quý II/2024 dự án sẽ được triển khai thi công xây dựng và hoàn thành, đưa công trình vào sử dụng.
Khi dự án đi vào hoạt động, nhà đầu tư sẽ được vận hàng, sử dụng trong thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.
Chính sách ưu đãi nhưng vẫn thiếu nhà đầu tư
Tuy nhiên, đây mới chỉ là doanh nghiệp được xem như kỳ vọng “làn gió mới” vào đầu tư triển khai dự án xây dựng nhà ở đầu tiên cho công nhân tại Nghệ An. Nhưng với số lượng mới chỉ đáp ứng chỗ ở cho được gần 2.000 công nhân trong khi đó nhu cầu nhà ở đối với công nhân vẫn còn rất lớn.
Vấn đề thiếu nhà ở cho công nhân không chỉ là câu chuyện riêng của Nghệ An mà trên địa bàn cả nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 39% về mục tiêu về nhà ở công nhân KCN tính đến năm 2020. Riêng trong năm 2021, Bộ Xây dựng cho biết chưa có dự án nhà ở công nhân nào trên địa bàn cả nước được đưa vào sử dụng.
Trong khi, thực tế cả nước hiện có 214 dự án nhà ở dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha nhưng đến nay mới chỉ có 116 dự án với diện tích đất hơn 250ha.
Trước đó, vào năm 2019, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 43/2019/TT-BTC hướng dẫn quy định tại khoản 4 Điều 24 Nghị định 82/2018/NĐ-CP, về ưu đãi đầu tư đối với khu công nghiệp, khu kinh tế.
Nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi nhưng tiến độ thu hút triển khai hiện nay rất chậm (ảnh: Khu ký túc xá miễn phí cho công nhân lao động của Công ty TNHH LUXSHARE – ICT ở KCN VSIP Nghệ An mới được hoàn thành, đưa vào sử dụng) |
Với quy định nêu trên, các khoản chi phí đầu tư xây dựng, vận hành hoặc thuê nhà chung cư và các công trình kết cấu hạ tầng xã hội phục vụ cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế của doanh nghiệp có dự án đầu tư trong KCN, Khu kinh tế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp…
Trước thực trạng thiếu nhà ở xã hội cho công nhân đang trở thành vấn đề bức thiết như hiện nay, ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ đang đề xuất gói tín dụng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội trong Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023.
Dự kiến, gói tín dụng 50.000 tỷ đồng theo hình thức Ngân hàng nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho các đối tượng sau được vay ưu đãi: Công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp được vay ưu đãi từ Chương trình để mua, thuê mua nhà ở xã hội. Với gói tín dụng này sẽ được triển khai trong thời gian tới sau khi được các cấp, ngành Trung ương đồng ý, chấp thuận thông qua.
Cùng với đó, nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi về đất đai, thuế…đối với việc triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân cũng sẽ được đốc thúc triển khai.
Tác giả: NGỌC THÁI
Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn