Trong tỉnh

Dự án 80 tỷ đồng ngăn mặn, chống hạn: Mới triển khai đã bị thanh tra

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung, huyện Nghi Lộc nói riêng, có nhiều công trình thủy lợi cần nguồn vốn tu sửa để phòng chống bão lũ, hạn mặn...

Trước thực tế đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo cấp nguồn vốn về cho địa phương thực hiện các dự án có tính cấp bách, xung yếu. Tuy nhiên, nguồn vốn này đã được địa phương sử dụng chưa đúng mức, thậm chí dự án mới triển khai đã xuất hiện những nghi vấn về sai phạm khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc.

Bùn nhão được xe cơ giới đổ thẳng vào thành kênh đoạn Bắc Bố Sơn đi xóm Đông Vạn

Nơi cần thì chưa có…

Ông Thái Văn Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Nghệ An, cho biết ở huyện Nghi Lộc, công ty quản lý 8 hồ đập, trong đó có hồ Khe Thị 1 (xã Nghi Công Nam) đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa có kinh phí sửa chữa.

Ngoài ra, 6 trạm bơm ở huyện Nghi Lộc, bơm tưới cho 9.000 ha lúa, được xây dựng từ hàng chục năm trước, đã xuống cấp. Đơn vị đã lập dự án trình cấp có thẩm quyền nhiều năm, nhưng chưa có vốn. Riêng hệ thống kênh chính do công ty quản lý tại Nghi Lộc có khoảng 70km đã xuống cấp, cũng chưa có nguồn kinh phí để nâng cấp, sửa chữa.

Ngày 9-5-2016, trong chuyến thăm và làm việc tại Nghệ An, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đi kiểm tra một số công trình giao thông, thủy lợi và có ý kiến chỉ đạo về việc nâng cấp, sửa chữa một số công trình cấp bách.

Trong Thông báo số 99/TB-VPCP ngày 25-5-2016 của Văn phòng Chính phủ, thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An nêu rõ: “Về việc hỗ trợ vốn thực hiện một số dự án cấp bách phòng chống hạn hán, công trình ách yếu trước mùa mưa lũ, bao gồm: hệ thống thủy lợi, hồ đập huyện Nghi Lộc; nạo vét, tu sửa tuyến kênh Khe Cái, nâng cấp các trạm bơm thuộc hệ thống thủy lợi Nam Nghệ An; sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Khe Thị, huyện Nghi Lộc…”.

Thay vì thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, thì một dự án chưa thực sự cấp bách lại được triển khai. Đó là “Dự án nâng cấp hệ thống thủy lợi ngăn mặn, chống hạn xã Nghi Vạn” (gọi tắt là Dự án Ngăn mặn, chống hạn Nghi Vạn), do UBND huyện Nghi Lộc làm chủ đầu tư. Dự án này được trung ương hỗ trợ 50 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 30 tỷ đồng.

Làm bằng máy, kê giá làm thủ công

Theo bản hợp đồng thi công xây dựng công trình số 09/2017/HĐXD giữa Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng huyện Nghi Lộc và Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Hoàng Anh (đóng tại xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc), tổng giá trị xây lắp Dự án Ngăn mặn, chống hạn Nghi Vạn là hơn 66,9 tỷ đồng, chi phí hạng mục chung và dự phòng là hơn 5,8 tỷ đồng.

Mặc dù mới thi công được hơn 5 tháng, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, một số hạng mục của dự án này đã thực hiện không đúng với thực tế. Đơn cử như tuyến kênh chính từ trạm bơm Xóm Đồng ra đồng ruộng có chiều dài 968,21m, chia thành 3 đoạn. Đoạn 1 dài 524m, kênh chạy kẹp với đường làng xóm 8. Người dân ở đây cho biết, đoạn kênh này được thi công bằng máy, không hề đào thủ công. Thế nhưng, trong hợp đồng vẫn thể hiện khối lượng đào đắp thủ công là 965,3m³, với chi phí 177,1 triệu đồng.

Cũng theo người dân, đất đào móng lại được đắp trở lại, không hề có chuyện đơn vị thi công chở đất này đi đổ. Thế nhưng, trên hợp đồng vẫn thể hiện việc vận chuyển đất ra khỏi nơi thi công với chi phí là 34,2 triệu đồng, chở đất khác cách 20km về đắp mới với số tiền hơn 457 triệu đồng.

Tuyến kênh từ xóm Bắc Bố Sơn đi xóm Đông Vạn dài 1.086,38m. Dù nằm sát bên đường liên xóm, xe cơ giới ra vào thuận tiện, nhưng hợp đồng vẫn ghi đào móng bằng thủ công với 1.090,6m³ đất, chi phí hơn 200 triệu đồng. Tuyến kênh từ xóm Nam Bố Sơn nối xóm Tây Vạn, theo hợp đồng, chi phí đào móng bằng thủ công có khối lượng 920,5m³ với số tiền 168,9 triệu đồng. Trong khi, tuyến kênh này nằm sát đường rộng hơn 3m, máy múc loại lớn có thể vào hoạt động dễ dàng.

Qua tìm hiểu, hầu hết các tuyến kênh của Dự án Ngăn mặn, chống hạn Nghi Vạn đều nằm kẹp bên đường làng hoặc đường nội đồng, sau khi đã dồn điền, máy múc và xe cơ giới có thể ra vào để thi công và tập kết vật liệu một cách thuận lợi.

Thế nhưng, theo hợp đồng nói trên, 22 tuyến kênh tưới có tổng chiều dài 13.846,95m và 3 kênh chính dài 3.730m hầu hết đều thể hiện là sử dụng phương pháp thi công thủ công. Vì thế, chi phí đội lên nhiều lần, như chúng tôi dẫn chứng ở trên. Cũng theo hợp đồng, toàn bộ đất lấy đi để xây kênh (đất cấp 2) được vận chuyển đi đổ nơi khác và phải lấy đất cấp 3 cách xã Nghi Vạn 20km về đắp.

Tuy nhiên, một kỹ sư thủy lợi cho biết, không tin nhà thầu sẽ đắp mới hoàn toàn bằng đất cấp 3. Bởi đất này cách xa công trình 20km, mặt khác đất cấp 2 đã đủ tiêu chuẩn đắp thành kênh và trên thực tế có ít nhất 70% đất đào móng được đắp trở lại.

Trước những dấu hiệu bất thường trên, tháng 10 vừa qua, Phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh Nghệ An) đã đề nghị Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng huyện Nghi Lộc cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến Dự án Ngăn mặn, chống hạn Nghi Vạn. Mới đây nhất, ngày 1-12, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành gồm thanh tra tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Công an tỉnh thực hiện việc thanh tra toàn diện đối với dự án này.

Tác giả: DUY CƯỜNG - THÀNH KIM

Nguồn tin: Báo Sài Gòn Giải Phóng

  Từ khóa: ngăn mặn ,thanh tra ,dự án

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP