Trong tỉnh

Đôi điều về địa danh Dùng!

“Xưa kia truông Dùng là nơi hẻo lánh, vắng vẻ, người qua lại vào ban đêm và giữa trưa rất sợ kẻ cướp. Từ sau ngày hòa bình lập lại (7/1954), huyện mới xây dựng thành khu dân cư, phía Tây có sông Lam uốn khúc chảy qua. Trên vùng đồi thoai thoải, Bộ Quốc phòng cho Quân khu IV xây dựng doanh trại Chùa Nhường".

Một góc thị trấn Thanh Chương ngày nay. Nguồn ảnh: internet

Định vị truông Dùng và đồi Dùng

Dùng là một địa danh của huyện Thanh Chương (Nghệ An). Khi nhắc đến Dùng là nhắc đến truông Dùng, đồi Dùng, bến đò Dùng, cây đa Dùng… Xưa nói đến truông Dùng là bao gồm một vùng đất rộng, âm u, nguy hiểm. Đồi Dùng nằm trong dãy núi ở phía tả ngạn sông Lam, kéo dài từ Rú Cuồi (huyện Đô Lương) đến rú Dung của huyện Thanh Chương. Đây là những dãy đồi núi liên tiếp như bát úp, nằm ven sông Lam, có nhiều đỉnh cao như Côn Vinh 188m, núi Nguộc cao 109 m.

Sách Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương (1930 - 2010), NXB KHXH, 2010, trang 214 viết: “Xưa kia truông Dùng là nơi hẻo lánh, vắng vẻ, người qua lại vào ban đêm và giữa trưa rất sợ kẻ cướp. Từ sau ngày hòa bình lập lại (7/1954), huyện mới xây dựng thành khu dân cư, phía Tây có sông Lam uốn khúc chảy qua. Trên vùng đồi thoai thoải, Bộ Quốc phòng cho Quân khu IV xây dựng doanh trại Chùa Nhường. Bên cạnh bến đò Dùng, phía trên đồi là xí nghiệp Quyết Thắng; phía dưới có nhà máy giấy; nhà máy đường; phía sau có một dãy kho vòm chứa thóc thuế nông nghiệp của cả huyện có hàng ngàn tấn. Ven đường cái là các cơ quan cấp huyện vừa mới được xây dựng lại, chia thành hai khu vực thuộc hai khối: Khối cơ quan Đảng và Khối cơ quan chính quyền với diện tích khoảng 1 km2 và có trên 4.500 người cư trú, bao gồm cán bộ, công nhân, bộ đội…”.

Cuốn Nghệ Tĩnh hôm qua và hôm nay, NXB Sự thật, 1986, trang 63 viết: “Di tích văn hóa Sơn Vi thuộc giai đoạn cuối của thời kỳ đồ đá cũ, gần đây đã phát hiện được ở đồi Dùng (xã Thanh Đồng), đồi Rạng (xã Thanh Hưng), bên bờ sông Lam”.

Như vậy vùng Truông Dùng, đồi Dùng là nằm ven sông Lam, giáp với xã Thanh Đồng. Trước năm 1954, vùng truông Dùng còn rất hoang vắng, là nơi lục lâm thảo khấu hay trú ngụ. Chỉ từ sau 1954, vùng này được xây dựng và trở thành trung tâm của huyện Thanh Chương. Đến ngày 27/10/1984, Hội đồng Bộ trưởng mới ra Quyết định số 141-HĐBT tách 64 ha đất của xã Đồng Văn, 92 ha đất của xã Thanh Đồng để thành lập thị trấn huyện lỵ Thanh Chương. Ngày 11/10/2011, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 96/QĐ-TTg: Bổ sung 358,1 ha đất của xã Thanh Ngọc, 13,23 ha đất của xã Đồng Văn vào Thị trấn Thanh Chương.

Nhưng trước đó vùng Dùng đã trở thành trung tâm của huyện Thanh Chương, có nhiều người vẫn gọi là Thị trấn Dùng (ngay trong sách Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương (1930 - 2010), NXB KHXH, 2010 vẫn nhầm lẫn về tên gọi này khi viết “đến nay Thanh Chương có một thị trấn Dùng và 39 xã”).

Tên gọi Dùng có từ bao giờ?

Tra các sách lịch sử viết về vùng đất Thanh Chương như Thanh Chương huyện chí của Tri huyện Nguyễn Điển (có giả thuyết cho rằng là Nguyễn Hữu Điển, người tổng Đại Đồng) viết vào thế kỷ XIX; hay sách Đại Đồng khoa lục viết đầu thế kỷ XX vẫn không thấy nhắc đến địa danh nào có từ Dùng. Nhưng trong dân gian tên gọi Dùng xuất hiện từ lâu, bởi có câu: Khi mô cho hết truông Dùng, cho qua truông Rạng, cho cùng truông Si. Theo ông Đặng Anh Dũng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương, một người đã có nhiều năm nghiên cứu về địa danh Dùng cho biết: Tên gọi Dùng có từ lúc nào đến nay vẫn là một ẩn số. Mặc dù trong các sử sách xưa chưa thấy đề cập đến địa danh này nhưng theo các cụ già cao tuổi cho biết địa danh Dùng đã được gọi từ lâu.

Vậy chữ Dùng ở đây có nghĩa như thế nào?

Dùng là một từ nôm, không phải là từ Hán Việt. Theo cuốn Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, một cuốn sách công phu về Tự điển lại không thấy có từ Dùng mà chỉ có các từ như Dụng, Dung, Dũng. Vậy chữ Dùng ở đây có nghĩa là gì? Đi tìm hiểu về nguồn gốc của chữ Dùng có nhiều giả thuyết được đặt ra.

Dùng là từ đọc chệch của chữ Lùng!

Theo ông Trần Tuấn Thi, một người nghiên cứu lịch sử địa phương cho biết: Tên gọi Dùng là đọc chệch từ Lùng mà ra. Bởi xưa kia ở vùng này, rừng rú có nhiều cây Lùng, cây này được nhân dân khai thác về làm nhà, làm các vật dụng khác. Núi (đồi, rú là tên gọi địa phương) có nhiều cây Lùng, dân gian gọi là núi Lùng, hay đồi Lùng. Đoạn truông qua vùng có nhiều cây Lùng, gọi là truông Lùng. Sau này, do phát âm từ Lùng mà thành Dùng nên mới có các địa danh như đồi Dùng, truông Dùng…

Dùng là từ đọc chệch của Dụng!

Trong cuốn sách khá nổi tiếng ở cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX là Tang Thương Ngẫu Lục do hai ông Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án biên soạn, dịch giả Đạm Nguyên, xuất bản 1961. Sách Tang Thương Ngẫu Lục do hai ông Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án biên soạn vào đời vua Gia Long (1802 - 1820) ghi lại những chuyện cũ tích xưa trong triều ngoài nội, vào khoảng Hậu Lê trở về trước. Toàn bộ 90 chuyện, chia làm 2 phần, phần thứ nhất có 40 chuyện, phần thứ hai có 50 chuyện. Đến năm 1886, Tiến sỹ Đỗ Văn Tâm, tự Gia Xuyên, khi đương chức Tổng đốc Hải Dương mới quyên tiền khắc gỗ để in. Trong đó, Tùng Niên tức là quan Quốc tử Tế tửu hiệu Đông Giã Tiều, Ngạo quân, Phạm Công (tức Phạm Đình Hổ). Còn Kinh Phủ tức là quan huyện Tiên minh, Ngũ hồ, Nguyễn Công (tức Nguyễn Án).

Trong sách này có bài chép về sông Dụng như sau: "Huyện Nam Đường có sông Dụng (tức sông Lam ngày nay - PV), là con sông lớn ở Hoan Châu. Nguồn phát ra từ Trầm Châu, đi qua Đại Đồng, Đồng Luân, lướt trên trại Sa Nam, bến Phù Thạch mà chảy ra bể. Thường có sóng lớn mênh mông, chỗ nào cũng có vực sâu nhất là giữa khoảng làng Đại Đồng, Đồng Luân lại nhiều lắm. Bên cạnh vực có những làng xóm dân cư đông đúc".

Vậy phải chăng, bến đò Dùng được đọc chệch từ bến đò sông Dụng mà ra?

Dùng là đọc chệch từ chữ Nùng!

Trong cuốn sách rất nổi tiếng viết về vùng Đại Đồng nói riêng và về Thanh Chương, Nghệ An nói chung đó là Hoan Châu ký, do Nguyễn Cảnh thị biên soạn vào cuối thế kỷ XVII. Đây được xem là cuốn sử ký viết theo kiểu chương hồi vào loại sớm nhất của nước ta. Cuốn sách viết về nguồn gốc và các nhân vật của dòng họ Nguyễn Cảnh ở vùng đất Nam Đường xưa, nay là huyện Thanh Chương. Cuốn sách có nói về các địa danh trong tổng Đại Đồng ngày xưa có tên âm đầu là từ Nùng như:

Khi nói về gia cảnh của mình với ông thầy địa lý, ông Nguyễn Cảnh cho biết: “Gặp hồi đói kém, bố mẹ đều mất sớm. Vì mộ các cụ còn tại xứ Chùa Nùng nên chúng tôi không nỡ rời bỏ, định cư lưu lại nơi đây để giữ chỗ ở cũ của tổ tiên. Che chụm túp nhà nho nhỏ cho vợ con ở, mùa Đông thì lạnh lẽo, mùa Thu thì sương móc, rất dễ nhiễm bệnh tật”.

Trong trận chiến giữa Nguyễn Cảnh Huy với tên Mỹ Tích, tác giả cuốn sách viết: “Bỗng ở bên cánh trái có một người nhẩy ra, vừa nhận ra Mỹ Tích, một tên bợm lợi hại, liền đâm y chết ngay tại chỗ. Tất cả đồng bọn đều bỏ chạy tán loạn. Người giết được tên giặc kia là ai? Mọi người đưa mắt nhìn, hoá ra là Nguyễn Phúc Kỳ, tức Phú Hệ bá, ở xứ Nùng Bang. Hoằng Hưu tử vẫy tay gọi lại, rót rượu khao thưởng hết sức ân cần. Phúc Kỳ thưa rằng: “Nay giặc cướp đã tràn lan, chưa thể bắt hết được, ta nên trở về bản trại để nuôi dưỡng oai danh cùng nhuệ khí của ta”. Huy nghe theo, bèn thu quân về trại Nùng và thưởng cho Nguyễn Phúc Kỳ. Đêm ấy yên quân giữ trại”.

Đoạn nói về nơi an táng của Nguyễn Cảnh Huy sách chép: “Sau đó Huy mất, không nhớ vào năm nào, hưởng thọ 64 tuổi, chôn ở xã Nùng Bang (nay do tránh tên huý của vua Anh Tông là Duy Bang nên đổi thành xã Nùng Sơn), gần xứ Chùa thông Nùng, đặt tên Thuỵ là Huệ Nhật Phủ Quân”.

Như vậy có thể thấy, các tên gọi như chùa Nùng, xã Nùng Sơn, Nùng Bang, trại Nùng… là đã có từ rất sớm và nó cũng là những địa danh nằm trong vùng tổng Đại Đồng ngày xưa. Trong đó, chi tiết ông Nguyễn Cảnh Huy khi mất được táng tại xã Nùng Bang, gần xứ chùa Nùng là rất đáng quan tâm. Bởi địa danh này thuộc vào xã Đại Đồng, các Dùng gần 2km.

Vậy phải chăng, từ Dùng là đọc chệch từ chữ Lùng, Dụng, hay Nùng mà thành?

Những gợi mở ban đầu

Qua khảo cứu, cho thấy đối với từ Dụng trong nghĩa sông Dụng mà Tang Thương ngẫu lục nhắc tới có lẽ chỉ là tên gọi cá biệt, bởi sông Lam từ xưa đã được đi vào sử sách với các tên như Thanh Long, Lam Giang… vì vậy chữ Dụng để chỉ sông Lam là không phổ biến.

Còn chữ Lùng và Nùng là có khả quan nhất. Bởi lẽ cây Lùng là một cây phổ biến ở vùng Thanh Chương xưa. Trước đây hầu như vùng rừng núi ở Thanh Chương đều có cây này. Mặt khác chữ Lùng khi đọc âm hán việt thành Nông, Não. Còn nghĩa nôm của từ Lùng gồm có: Lùng, như “lạnh lùng”; Não, như “não nùng”; Nùng, như “não nùng”.

Sách lịch sử Đảng bộ xã Thanh Hưng cho biết: “Ngược dòng lịch sử, vào thế kỷ thứ XII và XIII vùng đất xã Thanh Hưng ngày nay (nay thuộc xã Đại Đồng) nằm trong xã Nông Ná. Xã Nông Ná lúc này có 4 thôn đó là Kha Lệ thôn, Tràng Học Sơn thôn, Diên Tràng thôn và Thanh Bang thôn. Đến đầu thế kỷ XVI, do sự phát triển của dân cư nên thôn Kha Lệ (có tài liệu ghi Tha Lễ) và thôn Tràng Học Sơn sáp nhập thành xã Hiến Lạng; còn thôn Diên Tràng và thôn Thanh Bang sáp nhập lại thành xã Nông Sơn. Xã Hiến Lạng tồn tại cho đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945”.

Gia phả họ Phan Đình viết năm 1901 ở xã Đại Đồng cho biết: “Hai vị thần tổ họ Phan cùng làm quan trong một đời vua, vào cuối đời Trần lánh nạn, di cư tới xã Nông Na, huyện Nam Đường, sáng lập cơ nghiệp ở thôn Diên Trường, tiểu hiệu là xứ Dương Bạn”.

Như vậy, các tên gọi Nông Ná, Nông Na, Nùng Na, Nùng Sơn, chùa Nùng ở vùng tổng Đại Đồng xưa (nay bao gồm các xã Đại Đồng, Thanh Đồng, Thị trấn Thanh Chương, Đồng Văn, Thanh Ngọc và Ngọc Sơn) đã xuất hiện nhiều ở trong các gia phả, sách sử. Vậy phải chăng là do cách phát âm từ chữ Lùng mà thành chữ Nùng, sau đó dân gian lại đọc chệch chữ Nùng thành chữ Dùng. Bởi việc đọc chệch từ khá phổ biến trong các tên gọi địa danh ở nước ta như Vĩnh Doanh lại đọc thành Vinh Doanh, để đến bây giờ có tên là thành phố Vinh. Hay rú Nguộc là đọc chệch của từ Ngọc Sơn, núi Ngọc mà thành… Theo hướng tiếp cận này, có thể hiểu, Dùng là đọc chệch từ chữ Nùng do phát âm từ chữ Lùng (trong nghĩa cây Lùng) mà thành./.

Tác giả: Hoàng Kiểm

Nguồn tin: phuongnam.vanhoavaphattrien.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP