Du lịch

Độc đáo phong tục tắm nước lạnh lấy may đầu năm

Người dân ở nhiều nơi trên thế giới có thói quen tắm dưới nước lạnh giá để chào đón năm mới như một cách cầu mong sức khỏe, hạnh phúc.

Người dân trên toàn thế giới đều đang háo hức chào đón năm mới 2024. Ở mỗi nước khác nhau có những phong tục đón năm mới truyền thống riêng, có nhiều màu sắc và nét độc đáo khác nhau. Dù là phong tục, nghi thức chào đón năm mới nào thì tất cả đều chung một mục đích là xua tan muộn phiền của năm cũ, cầu mong một năm tiếp theo bình an và hạnh phúc.

Nếu như ở Việt Nam có tục tắm lá mùi già vào ngày cuối cùng của năm để xua tan những chuyện không vui, những bụi trần vướng bận trong suốt một năm qua thì ở nhiều nước, nhất là ở châu Âu, người dân lại phong tục tắm nước lạnh vào đầu năm.

Người dân châu Âu, nhất là giới trẻ luôn hào hứng với lễ hội tắm nước lạnh đầu năm

Hà Lan

Trong dịp Tết, người Hà Lan thường cùng nhau nhảy xuống những vùng nước lạnh để tắm. Phong tục đón năm mới này có tên Nieuwjaarsduik (tạm dịch: ngụp lặn đầu năm).

Hoạt động đặc biệt trên thường được diễn ra tại Scheveningen tại thành phố La Haye, miền Bắc Hà Lan. Mọi người cùng tham gia lễ hội, họ có thể lựa chọn quần áo tùy thích và càng nhảy xuống dòng nước lạnh càng sát giờ giao thừa thì càng may mắn. Theo quan niệm của người Hà Lan, nhảy xuống dòng nước có thể gạt bỏ được những điều xấu của năm cũ và bắt đầu năm mới.

Hàng trăm người dân cùng tắm biển trong ngày đầu năm ở Scheveningen, Hà Lan

Truyền thống này có từ những năm 1960, xuất phát từ câu lạc bộ lặn mở đầu nghi thức đón chào năm mới, ngay sau đó nghi thức này được nhiều người hưởng ứng và dần trở thành một hoạt động không thể thiếu trong những ngày lễ tại “xứ sở hoa Tulip”. Ngoài Scheveningen là lễ hội lớn nhất, thì các cuộc thi bơi dịp năm mới còn diễn ra tại hơn 100 địa điểm trên khắp đất nước Hà Lan.

Italy

Tưởng như là một điều kỳ lạ, nhưng tại thủ đô Rome của Italy, nhảy từ độ cao 18m xuống dòng nước lạnh cóng của sông Tiber vào dịp đầu năm đã là truyền thống từ hơn 70 năm qua của người dân địa phương.

Người dân Rome cho rằng, việc nhảy xuống dòng sông lạnh giá dịp đầu năm sẽ mang lại cho họ nhiều may mắn, sức khỏe. Thứ làm nóng duy nhất đối với những người nhảy cầu là sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo khán giả.

Tục lệ nhảy xuống con sông Tiber của người Ý vào dịp đầu năm.

Theo một số người dân, truyền thống này có từ năm 1946, bắt nguồn từ một nhân viên cứu hộ thất nghiệp muốn trở thành mộ diễn viên đóng thế. Người này đã nhảy từ trên cầu xuống sông để phô diễn kỹ năng của mình. Nhiều người dân đã cảm thấy vô cùng hứng thú tham gia và từ đó, việc nhảy cầu đầu năm đã trở thành truyền thống của người dân Rome.

Scotland

Tại xứ Scotland, sự kiện “Loony Dook” gần thủ phủ Edinburgh đã thu hút hàng trăm người đến sông Forth để nhảy xuống dòng nước lạnh như băng trong ngày đầu năm. Cái tên Loony dook là sự kết hợp của loony (viết tắt của lunatic, nghĩa là điên rồ) và dook, theo tiếng địa phương Scotland nghĩa là tắm hoặc ngâm mình. Sự kiện này được tổ chức thường niên kể từ năm 1987 nhằm gây quỹ cho các hoạt động từ thiện trong năm mới.

Người dân Scotland mặc những bộ quần áo lộng lẫy và ngâm mình trên dòng sông Firth of Forth, phía bắc Edinburgh.

Tương tự tại Bồ Đào Nha, Pháp, Đức và nhiều quốc gia châu Âu khác, người dân cũng tham gia lễ hội truyền thống tắm nước đầu năm với hy vọng gột rửa những điều xấu của năm cũ và mạnh mẽ bước sang năm mới.

Ngoài ra, tại một số nước châu Mỹ như Chile, Mỹ, Canada,... người dân cũng bất chấp cái lạnh khắc nghiệt để ngâm mình dưới dòng nước lạnh như một cách cầu mong sức khỏe và hạnh phúc.

Nhật Bản

Không chỉ ở phương Tây, một quốc gia châu Á cũng có phong tục tắm nước lạnh lấy may vào dịp đầu năm là Nhật Bản. Việc làm được cho là có thể thanh lọc tâm hồn, đồng thời mang tới nhiều may mắn. Những người tham gia đều chỉ mặc trên mình một tấm vải tới công viên hay đền thờ để thực hiện nghi lễ như một cách thức chào đón năm mới.

Phong tục đón năm mới này còn có tên gọi là Nghi lễ Shinto. Sự kiện được tổ chức thường niên tại đền Teppouzu Inari vào ngày Chủ nhật thứ hai của tháng Giêng. Nghi lễ Shinto này được lấy cảm hứng từ việc một cựu linh mục của đền thờ đã tạt nước lạnh vào mình để cầu nguyện cho sự thịnh vượng của cộng đồng địa phương vào năm 1955.

Người dân Nhật Bản cũng có phong tục tắm nước lạnh lấy may đầu năm.

Với màn khởi động, những người tham gia nghi lễ cùng nhảy múa, chạy vài vòng quanh đền hoặc đứng dưới ánh nắng mặt trời hô những câu khẩu lệnh để thể hiện tinh thần lễ hội cũng như làm ấm người trước khi ngâm mình trong bể nước đá. Sau khi tắm nước lạnh, những người tham gia sẽ tiến hành thực hiện các động tác cầu nguyện theo truyền thống.

Đến nay, nghi lễ tắm nước đá diễn ra tại nhiều nơi. Nghi lễ này cũng có nhiều biến thể. Tại một số đền thờ, người tham gia ngâm mình trong nước lạnh hoặc ôm một tảng băng lớn. Có những nơi người tham dự ngâm mình trong tuyết hoặc tắm dưới thác nước.

Tác giả: Mẫn Nhi (Theo Reuters)

Nguồn tin: giadinhonline.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP