“Miếng ngon” dành doanh nghiệp FDI
Theo Bộ NN&PTNT, 7 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê đạt 1,13 triệu tấn và 1,98 tỷ USD, tăng 38% về khối lượng và tăng 18% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Nam Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam (Vifoca) đánh giá: Mặc dù kim ngạch xuất khẩu cà phê 7 tháng qua có tăng nhưng điều đáng buồn là trên 90% cà phê xuất khẩu vẫn là dạng cà phê nhân. Suốt mấy năm gần đây, đẩy mạnh xuất khẩu cà phê dạng chế biến sâu cũng được các doanh nghiệp chú trọng hơn, song kết quả chưa mấy khả quan. Trong tổng kim ngạch cà phê nhân xuất khẩu, 50% thuộc về doanh nghiệp nội địa, các doanh nghiệp FDI chiếm lĩnh 50% còn lại.
Theo ông Hải, cà phê nhân hiện được bán với giá bán chỉ xấp xỉ 2 USD/kg. Trong khi đó, cà phê chế biến sâu như cà phê hòa tan có thể bán với mức giá cao gấp 2,5 lần. “Miếng bánh” béo bở này, doanh nghiệp nào cũng nhìn thấy. Tuy nhiên, thực tế trên thị trường hiện nay, các doanh nghiệp FDI đang thống lĩnh, chiếm thị phần chủ yếu xuất khẩu mặt hàng này. “Xét về sản xuất, xuất khẩu cà phê hòa tan nguyên chất, doanh nghiệp Việt Nam khá nổi bật có thể kể đến Công ty CP Vinacafe Biên Hòa với công suất khoảng 4.200 tấn/năm. Trong khi đó, chỉ 4-5 doanh nghiệp FDI lại gần như chiếm lĩnh toàn bộ thị trường xuất khẩu của cà phê chế biến sâu khi mỗi doanh nghiệp có nhà máy công suất lên tới 10.000 tấn/năm, thậm chí có doanh nghiệp đạt 15.000 tấn/năm”, ông Hải nhấn mạnh.
Công ty CP Tập đoàn Intimex là một trong những doanh nghiệp đứng đầu cả nước về xuất khẩu cà phê. Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty: Hiện nay, doanh nghiệp đã đầu tư được hơn 10 nhà máy sản xuất cà phê nhưng quy mô không lớn, chủ yếu là sản xuất hàng thô. doanh nghiệp cũng rất muốn đẩy mạnh việc đầu tư các nhà máy chế biến lớn. Tuy nhiên, đất đai manh mún là một trong những khó khăn điển hình mà doanh nghiệp gặp phải. “Đơn cử như có những diện tích đất của nông trường làm ăn thua lỗ, doanh nghiệp muốn tiếp cận song trên thực tế nông trường đã khoán hết đất cho nông dân nên vấn đề khá khó khăn. Bên cạnh đó, có trường hợp doanh nghiệp đàm phán với nông dân thành công nhưng lại bị cơ quan quản lý địa phương gây khó dễ, yêu cầu phải nộp loại phí này phí kia, cuối cùng vẫn thất bại”, ông Nam nói.
Thiếu vốn là một trong những yếu tố quan trọng khiến các DN cà phê nội địa khó khăn khi muốn "chuyển mình". Ảnh: ST.
Nỗ lực vượt khó
Rõ ràng đầu tư sản xuất, xuất khẩu cà phê dạng “tinh”, đặc biệt là cà phê hòa tan là điều mà nhiều doanh nghiệp nội địa muốn làm. Tuy nhiên, khi phân tích sâu hơn về khó khăn của doanh nghiệp, ông Nam Hải cho rằng, vốn là yếu tố nổi cộm. Bởi đầu tư một hệ thống chế biến cà phê hòa tan mới hoàn toàn với công suất thiết kế 3.000 tấn/năm thì chi phí bỏ ra khoảng 30 triệu USD (tương đương khoảng 600 tỷ đồng). Đây là con số khá lớn khiến nhiều doanh nghiệp cà phê “lực bất tòng tâm”.
Bên cạnh đó, kiếm tìm và xây dựng được chỗ đứng tại các thị trường xuất khẩu cũng không phải điều đơn giản. “Các thương hiệu cà phê lớn, điển hình như Nestle vốn đã có một thị trường ổn định, rộng lớn nên cà phê hòa tan sản xuất ra có thể được đem đi tiêu thụ khắp nơi, đặc biệt là tại thị trường bản địa có trụ sở chính của doanh nghiệp. Ngoài mặt hàng cà phê hòa tan sử dụng trực tiếp, các doanh nghiệp này còn có thể bán cà phê chế biến dưới dạng làm nguyên liệu cho các ngành khác như sản xuất bánh kẹo, sản xuất nước giải khát… đem về hiệu quả cao. Trong khi đó, do đã quen xuất khẩu cà phê dạng thô, các doanh nghiệp Việt Nam chưa xây dựng tốt thị trường cho cà phê chế biến sâu”, ông Nam Hải phân tích.
Theo một số chuyên gia, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA). Điều này mở ra không ít cơ hội cho ngành cà phê dạng chế biến sâu, bởi hiện xuất khẩu mặt hàng này đang phải chịu thuế, song trong tương lai, thuế suất xuất khẩu tại nhiều thị trường sẽ về 0%. Để tận dụng tốt cơ hội này, trước tiên các doanh nghiệp cần chủ động hơn, vượt khó khăn để đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến cà phê, cân đối năng lực doanh nghiệp, thậm chí có thể tính tới “bài toán” bắt tay hợp tác để đầu tư cho phù hợp.
Đứng từ góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Hà Nam bày tỏ thêm: Trong hơn 7 năm qua, Intimex đã đầu tư nhiều nhà máy chế biến cà phê tại vùng trồng nhiều cà phê như Tây Nguyên. Đến nay, việc đầu tư các nhà máy khá thành công. Một số đơn vị rang xay lớn trên thế giới đã trực tiếp đến với Tập đoàn Intimex để đặt mua sản phẩm. Về mặt thị trường, nhiều thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã bão hòa nhưng cũng có những thị trường đang phát triển như Trung Quốc, vùng Tây Á, châu Phi… Vì vậy, định hướng của doanh nghiệp trong thời gian tới là sẽ tập trung hơn vào các thị trường đó, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng để đẩy mạnh xuất khẩu cà phê sang thị trường Hoa Kỳ, EU…
Ngoài sự nỗ lực, tự thân vận động của doanh nghiệp, đại diện một số doanh nghiệp bày tỏ mong muốn, Nhà nước có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn nữa trong thời gian tới, điển hình là về vấn đề lãi suất cho vay. Các doanh nghiệp lập luận, trong khi lãi suất tối đa của các doanh nghiệp FDI chỉ 3%/năm thì doanh nghiệp nội dù được ưu đãi cũng phải chịu lãi suất bằng tiền Việt Nam từ 6,5 – 7%/năm. Các doanh nghiệp FDI tận dụng được nguồn vốn rẻ vay bằng USD rồi chuyển thành Việt Nam đồng để mua nguyên liệu trong nước. Bởi vậy, các doanh nghiệp mong muốn được vay bằng USD với lãi suất tương đương rồi đổi sang Việt Nam đồng nhằm tăng tính cạnh tranh. Ngoài ra, các doanh nghiệp cà phê cũng kiến nghị, Chính phủ đẩy nhanh việc thành lập cũng như hoạt động của Quỹ phát triển cà phê Việt Nam nhằm hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu cà phê như các nước Brazil, Colombia, Ấn Độ đang làm.
Tác giả bài viết: Thanh Nguyễn