Người dân ngồi chờ cấp phiếu lý lịch tư pháp hồi năm 2023 tại Sở Tư pháp Hà Nội - Ảnh: THÀNH CHUNG |
Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến dự thảo trình Chính phủ về đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội thí điểm phân cấp việc cấp phiếu lý lịch tư pháp cho phòng tư pháp thuộc UBND cấp huyện tại Hà Nội, TP.HCM và tỉnh Nghệ An.
Tạo thuận lợi hơn cho người dân
Theo dự thảo tờ trình, hiện quy định cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp bao gồm Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia - Bộ Tư pháp và sở tư pháp cấp tỉnh.
Thời gian qua, Bộ Tư pháp đề nghị phân cấp thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp cho phòng tư pháp cấp huyện thực hiện.
Tuy nhiên đây là nội dung mới nên Bộ Tư pháp đề xuất tiến hành thực hiện thí điểm tại một số đơn vị cấp huyện của một số tỉnh, thành phố.
Sau khi kết thúc thời gian thực hiện thí điểm, sẽ tổng kết, đánh giá việc thực hiện, báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội, kết quả thực hiện thí điểm là cơ sở để nghiên cứu sửa Luật Lý lịch tư pháp.
Bộ Tư pháp nêu rõ việc phân cấp thẩm quyền cấp phiếu cho phòng tư pháp cấp huyện, khi thực hiện sẽ khác với quy định hiện hành trong luật.
Đồng thời, tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc thí điểm phân cấp này phải được quy định trong nghị quyết của Quốc hội.
Do đó, đây là cơ sở pháp lý để đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết này.
Về lý do, đề xuất thực hiện thí điểm tại 3 địa phương trên, Bộ Tư pháp cho hay hiện nay Hà Nội, TP.HCM và Nghệ An là nơi có số lượng yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp lớn nhất cả nước.
Từ năm 2021 đến 2023, trung bình mỗi năm Hà Nội cấp hơn 51.000 phiếu, TP.HCM cấp hơn 95.000 phiếu, Nghệ An cấp 56.900 phiếu.
Trong bối cảnh nguồn nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất của Sở Tư pháp còn hạn chế thì việc tiếp nhận một số lượng lớn hồ sơ đã gây tình trạng quá tải cho bộ phận làm công tác tại các địa phương này.
Có thời điểm người dân phải xếp hàng từ rất sớm để nộp hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp, gây bức xúc trong dư luận.
Hiện nay, Hà Nội đang có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, TP.HCM là 22 đơn vị, Nghệ An có 21 đơn vị. Việc thí điểm phân cấp cho đơn vị hành chính cấp huyện tại 3 địa phương này là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Việc này góp phần giảm áp lực trực tiếp cho Sở Tư pháp trong giải quyết thủ tục cấp phiếu, tạo thuận lợi hơn cho người dân khi có thể đến phòng tư pháp cấp huyện thực hiện thủ tục, tăng tính chủ động của đơn vị hành chính cấp huyện trong giải quyết thủ tục hành chính.
Dự kiến thí điểm trong 2 năm
Bộ Tư pháp đề xuất thời gian thực hiện thí điểm đối với chính sách này là 2 năm. Đây là khoảng thời gian đủ để các địa phương chuẩn bị các nguồn lực tổ chức triển khai thực hiện.
Đồng thời có đủ lượng thời gian cho sơ kết, tổng kết trước khi đề xuất sửa đổi quy định của luật để áp dụng trên phạm vi cả nước.
Đối với dự kiến nhân lực thực hiện, theo Bộ Tư pháp đề xuất sẽ sử dụng nguồn nhân lực sẵn có của phòng tư pháp thuộc UBND cấp huyện trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM và Nghệ An. Chỉ bổ sung khi thật sự cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế.
Căn cứ vào quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết, Bộ Tư pháp đề nghị cho phép trình Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Đồng thời, cho ý kiến và xem xét, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp, tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV.
Tác giả: Thành Chung
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ