Trong tỉnh

Bộ Tư pháp triển khai nhiệm vụ năm 2024

Chiều 25/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Trần Lưu Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Bộ, ban, ngành.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Sở, ban, ngành.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung chủ trì hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Ngành Tư pháp hoàn thành các nhiệm vụ Chính phủ giao

Trong năm 2023, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành Tư pháp được thực hiện theo đúng phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”,tiếp tục có nhiều đổi mới, quyết liệt, kịp thời. Bộ Tư pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 222 nhiệm vụ, đã hoàn thành 78 nhiệm vụ có thời hạn, đang tiếp tục thực hiện 144 nhiệm vụ không có thời hạn; nâng tổng số từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Tư pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 583 nhiệm vụ, đã hoàn thành 439 nhiệm vụ có thời hạn, không có nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành.

Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật luôn được Bộ, ngành Tư pháp xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, dành nhiều thời gian, ưu tiên nguồn lực để tham mưu, thể chế hoá những quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; tham gia có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề khó khăn, phức tạp phát sinh, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kìm hãm sự phát triển, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh. Năm 2023, Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 515 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Các địa phương đã ban hành 3.763 VBQPPL cấp tỉnh, 2.523 VBQPPL cấp huyện và 1.750 VBQPPL cấp xã.

Công tác kiểm tra VBQPPL được Bộ Tư pháp và nhiều bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát thực tiễn ban hành văn bản của các bộ, ngành, địa phương và sự phản ánh, kiến nghị của cơ quan báo chí, người dân, tổ chức; gắn công tác kiểm tra VBQPPL với công tác kiểm tra của Đảng, công tác giám sát của Quốc hội. Kết luận kiểm tra đảm bảo khách quan, chính xác; đôn đốc xử lý quyết liệt, triệt để hơn các văn bản có quy định trái pháp luật, góp phần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật; nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong xây dựng, thực thi pháp luật; ngăn ngừa, hạn chế được tác động tiêu cực đến xã hội do việc ban hành văn bản có quy định trái pháp luật.

Thể chế về thi hành án dân sự (THADS) tiếp tục được hoàn thiện, đã góp phần giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, nhất là nâng cao hiệu quả thi hành án tín dụng ngân hàng và thu hồi tài sản cho nhà nước trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Năm 2023, các cơ quan THADS đã thi hành xong 575.667 việc, tăng 36.377 việc (tăng 6,75%) so với cùng kỳ năm 2022; đạt tỉ lệ 83,24% (tăng 0,74%) so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn 0,74% so với chỉ tiêu được giao. Về tiền: Đã thi hành xong hơn 89.505 tỷ đồng, tăng 14.264 tỷ đồng (tăng 18,96%) so với cùng kỳ năm 2022; đạt tỉ lệ 46,44% (tăng 1,03%) so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn 0,94% so với chỉ tiêu được giao.

Công tác hộ tịch được Bộ, ngành Tư pháp chú trọng hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đơn giản hóa các thủ tục, giấy tờ, rút ngắn thời gian giải quyết đối với khối lượng lớn hồ sơ. Cùng với đó, Bộ và các địa phương ưu tiên tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, triển khai Dự án đầu tư công về xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và thực hiện số hóa sổ hộ tịch. Tính đến nay, đã có 54/63 tỉnh, thành phố đang triển khai thực hiện số hóa Sổ hộ tịch theo quy định tại Nghị định số 87/2020/NĐ-CP, số Sổ hộ tịch đã được số hóa là 2.524.892 sổ với gần 50 triệu dữ liệu, trong đó đã cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử trên 36 triệu dữ liệu…

Công tác trợ giúp pháp lý có nhiều kết quả ấn tượng, nhất là việc thiết lập cơ chế trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự trên toàn quốc, số vụ việc trợ giúp pháp lý tố tụng cao nhất từ trước đến nay. Công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế có nhiều dấn ấn quan trọng. Công tác xây dựng ngành, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, cán bộ làm công tác pháp luật, tư pháp tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Công tác nghiên cứu khoa học pháp lý tiếp tục có nhiều đóng góp thiết thực phục vụ trực tiếp cho công tác tham mưu triển khai nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp…

Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trần Lưu Quang – Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá những cố gắng của ngành Tư pháp trong năm 2023, khối lượng công việc hoàn thành của ngành rất lớn. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ trong năm 2024, ngành Tư pháp sẽ có nhiều khó khăn bởi vì “việc gì cũng gấp, việc gì cũng nhiều, việc gì cũng đòi hỏi”.

Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ, ngành Tư pháp phải cố gắng hơn nữa trong thực hiện các nhiệm vụ. Trong đó, cần tập trung hoàn thiện thể chế; đây không chỉ là việc của Bộ Tư pháp mà của tất cả các Bộ, ngành nhưng vai trò của Bộ Tư pháp là lớn nhất.

Việc xây dựng thể chế phải kịp thời và có chất lượng; tính toán đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản QPPL, Nghị định. Nâng cao chất lượng thẩm định các dự thảo quy định pháp luật. Nâng cao chất lượng thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống. Tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong các quy định hiện hành.

Lãnh đạo ngành Tư pháp cần phải quan tâm đến công tác xây dựng ngành Tư pháp để anh em yên tâm công tác, tránh những xáo trộn tâm lý; quan tâm để cán bộ công chức ngành giữ được niềm tin với công việc, vị trí công tác, truyền thống vẻ vang của ngành. Người lãnh đạo phải mẫu mực để làm tấm gương cho cán bộ, công chức. Tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Ngành Tư pháp tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và tăng cường hợp tác quốc tế. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số. Tích cực, chủ động phòng ngừa và tăng cường năng lực giải quyết tranh chấp, khiếu nại trong hoạt động đầu tư quốc tế...

Tác giả: PT

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP