Học và chơi, giúp trẻ tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn |
Dũng cảm đi ngược số đông
Anh Hoàng Thế Thịnh (43 tuổi), phụ huynh có con học hết lớp 4 Trường tiểu học Phan Chu Trinh, Q.Tân Phú, TP.HCM, chia sẻ: “Nhìn quanh thấy phụ huynh là bạn bè mình ai cũng cho con đi học thêm miệt mài, cho con làm các bài đánh giá để sang năm thi vào trường chuyên Trần Đại Nghĩa, tôi đôi lúc tự hỏi liệu mình có đang quá dửng dưng và thờ ơ với chuyện học hành của con hay không? Liệu mình có 'bỏ bê' tương lai của con hay không? Khi mà con chỉ học xong rồi về nhà, không cho học thêm ở đâu cả, và cũng không đòi hỏi con ráng đạt điểm 10 thì mới thấy vui”.
Anh Thịnh kể lại chuyện học của mình ngày xưa, cũng chỉ cần học một buổi, một buổi còn lại tha hồ chơi vui với lũ bạn ngang tuổi trong xóm. “Nhà tôi ở ngoại thành, cách Hà Nội 20 km, một vùng quê bán sơn địa có rất nhiều núi non nên chiều chiều lại rủ bạn bè ra bãi cỏ dưới chân núi ngay sau trường học đi tìm cỏ gà, đi bắt dế, hái quả sim ăn… Hồi đó chúng tôi học rất ít, không bao giờ phải đi học thêm. Hè lại nghỉ đến 3 tháng. Trong mấy năm tiểu học, tôi thường được xếp thứ nhì hoặc ba cùng với 1-2 bạn nữa. Cũng chỉ có duy nhất một bạn xếp thứ nhất với mức điểm trên 8. Còn lại sàn sàn sang nhau với mức điểm 6-6,5. Tôi nhớ năm nào cũng có 1-2 bạn học yếu nên “bị đúp, nghĩa là không được lên lớp. Nghĩ đến những lớp học ngày nay, tôi thấy quá kỳ lạ...”, anh Thịnh kể.
Chị Nguyễn Quỳnh Nga (39 tuổi), phụ huynh sống tại chung cư Khang Phú, có con học lớp 3 Trường tiểu học Huỳnh Văn Chính (TP.HCM), cho biết ngay từ đầu đã xác định sẽ không cho con đi học thêm, vì cho rằng bậc tiểu học quan trọng nhất là biết đọc, biết viết, biết tính toán những phép tính đơn giản.
“Như vậy thì học trên lớp là đủ rồi. Nếu con không hiểu thì tôi kèm thêm con ở nhà, sao lại phải cho con đi học thêm? Tôi cũng không cần con phải viết chữ đẹp, phải làm văn hay vì tuổi này chỉ cần biết viết những câu văn ngây ngô nhưng chân thật, biết đặt câu là được rồi. Tôi cho con đọc sách, cách tốt nhất để rèn văn. Tôi cho con đi du lịch, đi học bơi..., tham gia các chương trình dã ngoại để rèn luyện kỹ năng và tiếng Anh”.
Chị Nga kể con của chị về nhà hay nói là ở lớp các bạn viết chữ đẹp lắm, được cô khen, còn con chị viết chữ xấu nên bị cô chê trước lớp khiến con tủi thân. Chị Nga tâm tư: “Tôi biết con mình sẽ bị so sánh, nhưng tôi luôn động viên con là ba mẹ không cần con viết chữ đẹp, không cần con phải đạt điểm 9,10. Bản thân tôi đôi lúc thấy mình như đi ngược với số đông, thật lẻ loi nhưng tôi sẽ kiên trì như vậy”.
“Con cái chúng ta khổ thật”
Nhà văn Hoàng Anh Tú (41 tuổi), có 3 con đang học tiểu học và THCS vừa cho ra đời cuốn sách “Con cái chúng ta khổ thật, và chúng ta cũng vậy”, trong đó, có những bài viết nói về nỗi khổ của trẻ con khi phải gánh trên vai áp lực về học hành, điểm số. Chia sẻ với chúng tôi, anh Tú cho biết: “Cái khổ của con cái nhiều khi không thể nhìn thấy bằng mắt thường, mà chỉ có thể nhìn thấy từ lòng thương con, yêu con, lo lắng cho con của cha mẹ. Cái khổ của các con còn tăng gấp nhiều lần bởi chính những hoang mang hoặc từ sự vô tâm của cha mẹ. Có cha mẹ nào không muốn con cái mình hạnh phúc đâu. Nhưng giữa một xã hội còn quá nhiều thứ chưa rõ ràng, thậm chí là vô trách nhiệm của người lớn trong môi trường giáo dục… thì làm cho một đứa trẻ hạnh phúc đôi khi cha mẹ đơn độc lắm”.
Về chuyện cuối năm các bậc phụ huynh vui mừng với những điểm 9, 10 và bằng khen con xuất sắc toàn diện, anh Tú cho rằng: “Nếu con bạn không có bằng khen để bạn khoe, xin hãy tạo ra những bằng khen của riêng bạn”.
Phụ huynh Nguyễn Phương Nga (45 tuổi), có con học lớp 5 Trường tiểu học Phước Thiền 1 (Nhơn Trạch, Đồng Nai) cũng cho rằng con cái chỉ hạnh phúc khi được làm những điều mình thích, được học, được chơi. Và cha mẹ phải làm sao để con hiểu việc học là lợi ích cho chính con mình.
“Để con được hạnh phúc và sống đúng với tuổi thơ, tôi chấp nhận mình không giống số đông. Tôi muốn con mình được hạnh phúc như mình ngày xưa”, chị Phương Nga bày tỏ.
Tác giả: Mỹ Duyên
Nguồn tin: Báo Thanh Niên