Phác họa chân dung hoàng đế Mali thế kỷ XIV Mansa Musa. Ảnh: African Globe. |
Mansa Musa, hoàng đế Mali thế kỷ XIV, nổi tiếng khắp thế giới bởi sự giàu có và lối chi tiêu vô độ. Ông là người giàu nhất mọi thời đại với khối tài sản khổng lồ ngoài sức tưởng tượng.
Thậm chí siêu tỷ phú giàu nhất thế giới hiện nay, người sáng lập đế chế thương mại điện tử Amazon Jeff Bezos với khối tài sản 131 tỷ USD, cũng không thể sánh kịp với vua Musa.
Tờ Time từng miêu tả Musa là người "giàu hơn tất cả những gì người ta có thể nghĩ đến". Gia tài của ông lớn hơn nhiều so với người giàu thứ hai mọi thời đại, hoàng đế Roma Augustus Caesar, người có khối tài sản ước tính 4.600 tỷ USD.
Theo các nhà sử học, trong một chuyến thăm Cairo, Musa đã phân phát tiền cho người nghèo nhưng lượng vàng ông tung ra khiến nền kinh tế Ai Cập suýt sụp đổ vì mất cân bằng.
Tuy nhiên, thói chi tiêu không kiểm soát và lòng hào phóng của ông cuối cùng đã khiến vương triều Musa suy tàn.
Musa trở thành nhà vua đế chế Mali ở Tây Phi vào năm 1312. Ông lên ngôi sau khi người tiền nhiệm Abu-Bakr II mất tích trong một chuyến ra khơi để tìm rìa Đại Tây Dương. Abu-Bakr được cho là đã bắt đầu cuộc thám hiểm với một đội gồm 2.000 thuyền cùng hàng nghìn đàn ông, phụ nữ và nô lệ nhưng không bao giờ quay trở về.
Musa kế vị ngai vàng vào thời điểm mà các quốc gia châu Âu đang gặp khó khăn vì nội chiến và thiếu tài nguyên. Trái lại, Mali nắm trong tay lượng tài nguyên dồi dào, chủ yếu là vàng.
Dưới sự cai trị của Musa, đế chế vốn đã thịnh vượng tiếp tục phát triển gấp ba lần, mở rộng lãnh thổ thêm hơn 3.000 km từ bờ biển Đại Tây Dương và bao trùm một khu vực tương đương 9 quốc gia Tây Phi ngày nay. Ông sáp nhập 24 thành phố, bao gồm trung tâm thương mại quan trọng Timbuktu.
Đế chế phát triển đồng nghĩa với gia tài của Musa cũng sinh sôi nảy nở. Theo Bảo tàng Anh, dưới triều đại Musa, Mali nắm giữ một nửa lượng vàng của thế giới.
"Là một hoàng đế, Mansa Musa có khả năng tiếp cận gần như vô hạn tới những nguồn của cải giá trị cao nhất thế giới Trung Cổ", Kathleen Bickford Berzock, chuyên gia về nghệ thuật châu Phi tại Đại học Northwestern, cho hay.
"Các trung tâm thương mại lớn giao dịch bằng vàng và hàng hóa khác đều nằm trong lãnh thổ của Musa vì thế ông giàu lên nhanh chóng nhờ hoạt động thương mại này", Berzock giải thích.
Đến năm 1324, thế giới bên ngoài mới bắt đầu chú ý tới gia tài khổng lồ của nhà vua Musa. Là một tín đồ Hồi giáo sùng đạo, Musa bắt đầu cuộc hành hương Hajj tới thánh địa Mecca cùng đoàn tùy tùng 60.000 người.
Ông mang theo toàn bộ các thẩm phán, quan chức, thương nhân, sứ giả của mình cùng 12.000 nô lệ. Tất cả đều mặc trang phục lụa Ba Tư sang trọng, gấm thêu kim tuyến và trang sức bằng vàng ròng.
Ibn Khaldun, một nhà sử học lúc bấy giờ, đã phỏng vấn những người đi cung hoàng đế Musa. Ông cho biết mỗi lần nghỉ chân, nhà vua lại thết đãi các cận thần những đồ ăn, thức uống hiếm và lạ. 12.000 nữ nô lệ có nhiệm vụ mang vác đồ đạc của nhà vua. Nô lệ cũng được mặc áo choàng bằng gấm thêu kim tuyến và lụa Yemen.
Tới Cairo, Musa tiếp tục chi tiêu hoang phí, dùng một lượng lớn tiền vàng để mua hàng và quà tặng cho người dân nghèo trong thành phố. Dù hành động với thiện chí, sự hào phóng của hoàng đế Mali thực tế đã làm giảm giá trị vàng ở Ai Cập, khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ai Cập phải mất 12 năm để phục hồi.
Theo tính toán từ công ty công nghệ SmartAsset.com, trụ sở ở Mỹ, cuộc hành hương của vua Musa đã khiến giá trị vàng sụt giảm, làm nền kinh tế khu vực Trung Đông thiệt hại 1,5 tỷ USD. Trên đường về nhà, Musa thậm chí đã cố gắng giúp nền kinh tế Ai Cập bằng cách mua lại vàng mà mình đã cho đi với lãi suất cao.
Theo một số tài liệu, hoàng đế Musa chi tiêu nhiều tới mức lượng vàng ông mang theo hết trước khi hành trình kết thúc, làm dấy lên làn sóng phản đối từ người dân. Họ cho rằng ông đang lãng phí lượng tài nguyên lớn nên dùng để phát triển đế chế.
Khép lại cuộc hành hương, Musa trở về từ Mecca với nhiều học giả Hồi giáo, trong đó có hậu duệ trực tiếp của nhà tiên tri Mohammad và một nhà thơ, kiến trúc sư nổi tiếng Abu Es Haq es Saheli, người được cho là đã thiết kế nên nhà thờ Hồi giáo Djinguereber ở Timbuktu.
Vua Musa đã chi cho Saheli 200 kg vàng, tương đương 8,2 triệu USD ngày nay. Ông cũng đổ tiền xây dựng hàng loạt trường học và thư viện, biến Timbuktu trở thành trung tâm giáo dục, thu hút người từ khắp nơi trên thế giới tới học tập, nghiên cứu.
Sau khi Mansa Musa qua đời vào năm 1337, các con trai ông nối ngôi nhưng không thể giữ vững đế chế. Các quốc gia nhỏ lần lượt tách ra và đế chế đã sụp đổ.
Tác giả: Vũ Hoàng
Nguồn tin: Báo VnExpress