Giáo dục

Danh dự của nhà giáo đâu phải trò đùa!

Thật đáng buồn khi mang danh là nhà giáo, lại là Hiệu trưởng của một ngôi trường ngay tại Thủ đô, nhưng hành xử thì gian dối, đạo đức yếu kém.

Suốt 3 tháng nay, sự việc cháu Trần Chí Kiên, học sinh lớp 2A4 - Trường tiểu học Nam Trung Yên (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) không may bị chiếc taxi đâm vào dẫn tới gãy xương đùi gây sự chú ý đặc biệt từ dư luận.

Sự việc không may xảy ra với cháu Kiên thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận cả nước là bởi lối hành xử gian dối, yếu kém về mặt đạo đức của Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc, cùng với Hiệu phó và một số cá nhân khác.

Nếu bà Ngọc tổ chức đưa cháu Kiên đi bệnh viện, trao đổi với gia đình và làm rõ những phần trách nhiệm của nhà trường, cá nhân bà và người lái xe taxi thì hẳn là câu chuyện đã đi theo một hướng khác.

Có lẽ, nếu làm như vậy, gia đình cháu Kiên và dư luận cũng không chê trách bà Ngọc, vì dù sao đó cũng là điều không may.

Thế nhưng dù ngồi trên chiếc taxi đi thẳng vào sân trường – gây ra tai nạn cho cháu Kiên, bà Ngọc lại làm như không biết gì, thậm chí tổ chức một cuộc khảo sát chớp nhoáng nhằm “xóa dấu vết”, nói rằng do cháu Kiên lúc chơi đùa và ngã gãy chân.

Nên nhớ rằng hành vi gian dối ấy đối với một người bình thường đã khó chấp nhận, huống hồ lại là một giáo viên lâu năm. Rồi đây những người như bà Ngọc liệu còn dạy nổi ai khi chính bản thân mình không trung thực?

hocsinhtieuhocnamtrungyengachan giaoducnetvn
Chân của bé Kiên sau khi được phẫu thuật. ảnh: vtc.

Thậm chí khi một tờ báo đăng tải những chia sẻ của người vợ lái xe taxi về việc chồng lái xe vào trường gây ra va chạm làm gãy chân cháu Kiên thì bà Ngọc một lần nữa lu loa lên rằng, điều đó không đúng sự thật.

Bản thân vị Hiệu trưởng này cũng thể hiện “tiền hậu bất nhất” (gian dối) trong phát ngôn của mình. Đó là khi sự việc xảy ra thì bà Ngọc khẳng định “Ngày 1/12, khi cháu Kiên bị ngã, không có chiếc xe nào ra vào trong trường. Xảy ra tai nạn của cháu Kiên có thể là do cháu chạy và va vào chiếc ô tô nào đó đang đỗ ở trường”.

Bà Ngọc muốn phủi trách nhiệm, không thừa nhận mình đã ngồi trên chiếc taxi ấy, nhưng người xưa đã dạy rằng “giấy không bọc được lửa” – thế nên dù dở ra lắm chiêu trò đến đâu thì sự việc cuối cùng cũng dần hé lộ.

Những bức xúc trong dư luận lên tới đỉnh điểm khi vào ngày 17/2 vừa qua, ba giáo viên của Trường Tiểu học Nam Trung Yên là cô Trần Thị Thu Nhung, cô Nguyễn Thanh Tú và cô Vũ Thị Mừng đã cung cấp nhiều thông tin chứng minh sự giả dối của Hiệu trưởng cùng một số giáo viên trong Ban Giám hiệu nhà trường.

Cô Nhung chính là giáo viên chủ nhiệm lớp cháu Kiên cho biết, khi phát mẫu phiếu khảo sát, Ban giám hiệu nói với giáo viên và học sinh nhà trường là mẫu phiếu khảo sát này nhằm mục đích khảo sát về thực trạng an toàn, an ninh trong trường học để phục vụ công tác thanh tra theo yêu cầu của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy.

Chỉ một ngày sau, có 18 giáo viên nữa đã gửi một bức thư tới các cơ quan chức năng và báo chí chỉ ra 4 điểm không trung thực từ bà Ngọc và Ban Giám hiệu nhà trường.

Bức thư nói rõ về hành vi gian dối của Ban Giám hiệu nhà trường khi làm phiếu khảo sát, nhằm che đậy việc bà Ngọc đi xe taxi vào trường gây tai nạn cho cháu Kiên.

Các cô giáo cũng cho biết, họ bức xúc khi có hiện tượng một số đồng chí Đảng viên bị lôi kéo, kích động, yêu cầu phải viết đơn xin ra khỏi Đảng và viết bức tâm thư để kêu oan cho đồng chí hiệu trưởng.

Bức thư viết: “Trong suốt thời gian qua, tâm lí của giáo viên, phụ huynh và học sinh hoang mang, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học, uy tín của giáo viên. Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc, giải quyết dứt điểm vụ việc này để ổn định tâm lí cho giáo viên, phụ huynh, học sinh và trả lại sự bình yên cho ngôi trường".

Ngày 20/2, một lần nữa Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung chỉ đạo các đơn vị liên quan họp phương án xử lý, trên tinh thần cách chức Hiệu trưởng và Hiệu phó Trường Tiểu học Nam Trung Yên, đồng thời giao Công an Thành phố tiếp tục điều tra về hành vi khai báo gian dối.

Chiều 20/2, Hội đồng kỷ luật Quận Cầu Cầu Giấy đã họp phương án kỷ luật xử lý theo hướng cách chức Hiệu trưởng với bà Tạ Thị Bích Ngọc và Hiệu phó Nguyễn Thị Hương do thiếu trung thực trong khai báo thông tin, cố tình che giấu vi phạm, gây khó khăn cho cơ quan điều tra.

Sự việc xảy ra với cháu Kiên làm nhiều người nhớ lại trước đó không lâu, cũng tại Hà Nội, một nữ sinh của Trường THPT Phan Đình Phùng bị bỏng nặng trong giờ thực hành môn Hóa học. Trong vụ việc này, cả Ban Giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm đều chịu kỷ luật; còn cá nhân Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhâm Huyền bị khiển trách.

Chỉ có điều, thời gian trôi qua, đau đớn về thể xác có thể được chữa lành, nhưng sẽ còn đó những vết thương trong tâm hồn - ở đó có phần trách nhiệm trong lối ứng xử của Hiệu trưởng và Ban Giám hiệu ngôi trường này.

Và trước đó còn nhiều vụ việc bạo hành trẻ xảy ra ở các trường mầm non, khiến cho dư luận ngày càng lo lắng về sự xuống cấp của một bộ phận giáo viên.

Việc xử lý trách nhiệm với bà Ngọc, bà Hương và những cá nhân khác có liên quan trong vụ việc này là chuyện chẳng có gì bất ngờ. Nhưng điều đáng tiếc là lối hành xử thiếu đạo đức của bà Ngọc và Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Nam Trung Yên (một cách có chủ ý) đã làm méo mó hình ảnh của nhà giáo, làm ảnh hưởng tới uy tín và danh dự của nhiều giáo viên khác ở ngôi trường này.

Họ nói rằng, hành vi của bà Ngọc và Ban Giám hiệu khiến họ cảm thấy “bị xúc phạm, ngược lại với lương tâm của chúng tôi và cả các em học sinh”. Điều nguy hiểm hơn, trong một ngôi trường mà lại xảy ra hiện tượng giáo viên chia bè phái “theo Hiệu trưởng” và “không theo Hiệu trưởng”.

Đó sẽ là một bài học vô cùng đắt giá cho cả ngành giáo dục và mọi ngôi trường trên cả nước, nhất là những ai đang giữ cương vị quản lý.

Cũng thật may là trong chương trình giáo dục phổ thông mới, ngành giáo dục đã tuyên bố xác định phẩm chất của mỗi công dân là: Nhân ái - Khoan dung, Chuyên cần - Tiết kiệm, Trách nhiệm - Kỷ luật, Trung thực - Dũng cảm.
Nhưng để dạy con trẻ cảm được, và trở thành những người tử tế thì trước hết mỗi giáo viên, nhất là những nhà quản lý giáo dục phải luôn giữ được sự chuẩn mực tuyệt đối.

Nói như PGS.TS Nguyễn Văn Nhã thì: “Ông thầy luôn phải chuẩn mực, không chỉ là kiến thức mà phải chuẩn cả những ứng xử trong đời sống. Cái đó là bất biến. Thầy phải giỏi, phải là tấm gương để học trò noi theo.

Trước đây, bây giờ và kể cả trong tương lai với các mô hình đào tạo hiện đại thì người thầy vẫn có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đào tạo. Không chỉ dạy kiến thức, thầy phải là 'người truyền lửa' thắp sáng ước mơ hoài bão cho trò. Vì vậy, ai tự thấy mình không xứng đáng thì đừng đứng vào đội ngũ người thầy”.

Tác giả bài viết: Ngọc Quang

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP