Cộng đồng mạng

Đám cưới nay: Gánh nợ “gù lưng” sau ngày cưới

Vào mùa cưới, nhiều gia đình muốn “đẹp mặt” với thiên hạ nên đã chạy đua từ cỗ cưới đến trang trí phông bạt, thuê MC, nhưng sau đó con cái phải gánh nợ… “gù lưng”.

Gần đây, không ít những “đại gia” khoe đám cưới con cái họ dạng “siêu sang” lên mạng xã hội. Bởi, họ cho rằng: "Cả đời cưới con có một lần nên phải làm cho ra tấm ra món để thiên hạ không cười chê”.

Trao đổi với PV bà Hoàng Thị Loan (60 tuổi, Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết, bà muốn con gái mình có một đám cưới thật lung linh, hoành tráng, “lấy chồng cho đáng tấm chồng” nên nhà người ta có gì nhà bà cũng phải có nấy.

Bà Loan chia sẻ: “Con gái tôi làm việc cho một công ty có tiếng tại Hà Nội, còn con rể tôi là công chức nhà nước, vì thế tiệc cưới không thể đơn sơ được. Dù có phải đi vay mượn tôi cũng phải lo một đám cưới thật to cho con”. Nói là làm, ngoài của hồi môn bà Loan còn chuẩn bị một đám cưới thật thịnh soạn.

Dù gia đình không mấy khá giả nhưng bà Loan đã phải đi vay bên ngoài khoảng 80 triệu đồng để lo cho khoản nấu 150 mâm cỗ và tiền chi cho phông bạt, bát đũa “hạng sang”... và nhiều thứ khác.

Thế nhưng, khi nói chuyện bà Loan vẫn còn cảm thấy chưa hài lòng: “Nhà mình đặt có 600 nghìn một mâm cỗ, nhưng nhà khác còn nhiều hơn. Bây giờ, nếu mình thua nhà người ta thì cũng không được. Vậy nên, phải làm cho bằng bạn bằng bè, một món cũng không được thua họ. Nếu dân làng đến ăn cỗ, họ chê thì xấu hổ mặt lắm”.

Cỗ cưới phải "mâm cao cỗ đầy" mới không bị chê cười dù phải đi vay lãi.

Theo như lời kể của bà Loan, ở làng bà mỗi lần đi ăn cỗ cưới về họ đều bình phẩm: "Cỗ nhà này ngon”, “nhà kia chẳng có gì”… Thế nên nhà nào cũng đua nhau chạy cỗ cho bằng thiên hạ, nếu cỗ chỉ nhỏ hơn nhà hàng xóm là sẽ bị “soi” và đánh giá mãi về sau.

“Tôi cũng đâu có muốn làm cỗ to, nhưng nhà hàng xóm tháng trước làm linh đình, nhà mình không làm thì muối mặt. Bày đủ các món từ: Tôm hùm đến mực, trâu, bò tôi mới cảm thấy “mát mặt” với các vị “thượng khách”. Nhưng sau đó vợ chồng tôi phải gồng mình lên trả nợ, gánh lãi”, bà Loan tâm sự.

Không chỉ lo cỗ bàn, việc phông bạt, ca nhạc trong đám cưới cũng là một vấn đề. Phông bạt thêu phải làm sao thật lung linh, nhà người ta có kim tuyến gắn xung quanh nhà mình cũng phải có. Nhà người ta có dàn nhạc sống nhà mình cũng không thể thiếu, thế mới được gọi là “đại gia”.

Cô Trần Hoàng Lan (Yên Bái) cho biết: “Nhà tôi có một cô con gái duy nhất nên không thể để nó kém bạn bè được. Tôi không thuê bông bạt bát đũa ở quê mà đặt hẳn dưới thành phố. Khách nhà tôi đến ai cũng khen chu đáo, hơn nữa nhà trai ở Nam Định không nghĩ vùng núi lại trang trí trong ngày cưới đẹp như vậy”.

Cưới nay ai cũng muốn trang trí phông bạt thật hoành tráng (Ảnh internet).

Không chỉ có thêu bông bạt và có một đội thiết kế riêng, cô Lan còn thuê hẳn một MC có tiếng tại vùng đất Tây Bắc và những “giọng ca vàng” tại đây với giá vô cùng “chát”.

“Bỏ ra vài chục triệu đồng nhưng mình được họ hàng, bạn bè nhìn bằng một con mắt khác. Đám cưới hôm đó hát hò suốt một buổi, ai đến cũng hào hứng, khen nhà tôi chu đáo từ ăn đến đón khách, không phí bỏ công, bỏ sức”, cô Lan khoe.

Nhưng khi chúng tôi hỏi đến kinh phí trong ngày cưới của con gái mình thì bỗng giọng cô Lan chùng xuống: “Nói thật, mọi khoản tiền chúng tôi đều phải đi vay. Làm cỗ to, tổ chức to đâu sung sướng gì, nhưng lệ làng bây giờ là như vậy, mình không có cũng không được.

Nhiều gia đình còn nghèo hơn nhưng để “đẹp mặt” với thiên hạ mà làm đám cưới con vài năm chưa trả hết nợ. Cũng may nhà tôi chỉ nợ ít chứ như nhà người khác thì méo mặt”.

Tác giả: Mai Hằng

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP