Trong tỉnh

DA khu du lịch ven sông Lam, Nghệ An: Hơn thập kỷ dân mong chờ chính quyền giải quyết dứt điểm

Dù dự án (DA) đã nghiệm thu và bàn giao đưa vào sử dụng nhiều năm qua, nhưng những dấu hiệu sai phạm trong việc lập hồ sơ đền bù, giải tỏa, cưỡng chế, thu hồi đất của các hộ dân ở xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn qua nhiều thời kỳ đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Công dân đã gửi đơn đến nhiều cấp, ngành, yêu cầu quyền lợi chính đáng của mình.

Ông Nguyễn Cảnh Phúc bên bộ hồ sơ đề nghị được giải quyết nhiều năm nay. Ảnh: Đức Anh

Đường DA đã xong, dân “mỏi mòn” chờ quyền lợi

DA đường du lịch ven sông Lam đoạn từ thị xã Cửa Lò lên thị trấn Nam Đàn, được UBND tỉnh Nghệ An quyết định phê duyệt đầu tư năm 2004. DA do Sở GTVT làm chủ đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2009.

Theo phê duyệt, UBND các huyện có DA đi qua chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), giao cho đơn vị thi công đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.

Tháng 10/2004, trên cơ sở hồ sơ do UBND huyện Nam Đàn trình, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt giá trị bồi thường GPMB cho 140 hộ dân ở xã Xuân Lâm bị ảnh hưởng bởi DA. Ngoài ra, có 208 hộ dân khác của xã này cũng được bồi thường khi xây dựng tuyến nhánh của DA. Sau khi hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục, UBND huyện Nam Đàn đã tiến hành việc lập danh sách, phê duyệt chi trả tiền cho người dân thuộc diện đối tượng hưởng lợi. Thế nhưng, trên địa bàn vẫn còn 19 hộ không đồng ý nhận tiền vì không thống nhất với mức giá bồi thường về đất, nhà cửa, tài sản trên đất, vật kiến trúc cũng như việc tổ chức bố trí tái định cư (TĐC)…

Quá trình triển khai thực hiện DA, nhiều công dân trên địa bàn xã Xuân Lâm, nơi có DA đi qua, có khiếu kiện, phản ánh và kiến nghị đến cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết, trong đó có nội dung: Sai phạm trong việc xét, giao đất TĐC, chế độ TĐC cho một số hộ dân không đúng quy định; việc lập hồ sơ bồi thường, GPMB có sai phạm; áp mức giá đền bù không đúng quy định; không đồng ý với quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn…

Ông Nguyễn Cảnh Phúc, một nhà giáo nghỉ hưu ở xóm 6, xã Xuân Lâm, là người đứng đơn cùng 18 công dân khác, hơn 15 năm qua đã tập hợp những thông tin, tài liệu, đem theo nguyện vọng cá nhân và các hộ dân khác kiến nghị, khiếu nại, tố cáo xung quanh giải quyết các thủ tục, chính sách hỗ trợ liên quan DA.

Ông Phúc cho biết, ngày 20/6/2004, ông cùng hàng trăm hộ dân ở xã Xuân Lâm được mời lên hội trường UBND xã để nghe Hội đồng Bồi thường, GPMB huyện Nam Đàn phổ biến chủ trương xây dựng đường ven sông Lam, về giá cả bồi thường, chính sách hỗ trợ và các vấn đề liên quan khác. Sau đó, cán bộ được giao nhiệm vụ tại DA về đo đếm hiện trạng, kiểm kê thực tế, nhà ông Phúc bị thu hồi 589,25m² và được bồi thường hơn 18 triệu đồng tiền đất và tài sản trên đất. “Nguyên tắc và quy định về trình tự thủ tục là trước khi thu hồi đất của dân thì chính quyền phải có quyết định thu hồi, trong khi ở Hội đồng Bồi thường, GPMB huyện Nam Đàn không có nên tôi và nhiều hộ không đồng ý nhận tiền đền bù”, ông Phúc phản ánh.

Qua tài liệu gia đình cung cấp, đến tháng 9/2007, UBND huyện Nam Đàn ban hành quyết định phê duyệt bổ sung giá trị bồi thường đất, nhưng ông Phúc vẫn không đồng ý. Gần 2 năm sau, qua nhiều phản ánh và tiếp thu của các cấp, đến ngày 23/2/2009, UBND huyện Nam Đàn mới ban hành quyết định thu hồi đất đối với gia đình ông Phúc và các hộ dân.

Diện tích bị ảnh hưởng từ quá trình thu hồi thực hiện DA của gia đình ông Phúc. Ảnh: Đức Anh

Cùng kiến nghị trên, ông Phạm Văn Công, ở xóm 6, xã Xuân Lâm nhiều năm nay cùng các hộ dân khác đòi hỏi quyền lợi khi gia đình bị thu hồi 195,6m² đất để thực hiện tuyến nhánh DA đường ven sông Lam. Với diện tích bị thu hồi trên, ông Công được thông báo sẽ được đền bù, hỗ trợ hơn 16 triệu đồng, nhưng chẳng có ai đưa giấy tờ gì, đặc biệt là quyết định thu hồi đất. Không đồng ý cách làm trên, ông đã không nhận tiền, bàn giao mặt bằng, thì bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo. Đến tháng 3/2010, UBND huyện Nam Đàn tổ chức cưỡng chế bảo vệ thi công.

Quá bức xúc, ông đã làm đơn khiếu nại và tố cáo những hành vi vi phạm của các cán bộ huyện Nam Đàn trong việc thu hồi, GPMB cũng như tổ chức cưỡng chế đất đai, tài sản của gia đình. Theo ông Công, năm 2009, UBND huyện Nam Đàn mới ban hành quyết định thu hồi đất của gia đình tôi, nhưng trước đó vào năm 2005 đã phê duyệt giá trị bồi thường GPMB. Riêng việc thu hồi đất nhà thờ họ, đến tháng 3/2013 mới có quyết định. Việc này không chỉ sai về quy trình thủ tục mà còn sai trong việc áp giá đền bù, gây thiệt hại cho gia đình.

Cần rà soát, xem xét giải quyết, đảm bảo quyền lợi người dân

Các hộ dân làm đơn đều cho rằng, từ năm 2011 đến nay, họ đã gửi đơn và trực tiếp đến trình bày nhiều cấp về việc đấu tranh để đòi hỏi quyền lợi hợp pháp. Nhóm công dân đã đến Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, Văn phòng Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Thanh tra Chính phủ. Các cơ quan trên sau khi tiếp nhận đã chuyển đơn và có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An xem xét giải quyết. Tại Nghệ An, họ đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại đến Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn qua nhiều nhiệm kỳ. Tuy nhiên, dù được tiếp thu và có văn bản yêu cầu giải quyết của các cấp, nhưng qua nhiều đợt đối thoại, tiếp xúc cử tri, đến nay, hành trình đi tìm quyền lợi của các hộ dân đều “mù mịt”.

Ông Hoàng Minh Tiến, Chánh Thanh tra UBND huyện Nam Đàn cho biết: Sau khi nhận được đơn của người dân, UBND huyện Nam Đàn, UBND tỉnh Nghệ An đã lập đoàn xác minh, sau đó ban hành nhiều quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Ngày 27/10/2021, Thanh tra tỉnh cũng đã có báo cáo tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết đơn thư công dân theo quy định; đồng thời kiến nghị hướng xử lý cho Chủ tịch UBND tỉnh.

Nhiều hộ dân sinh sống dọc đường ven sông Lam, nơi DA đi qua, vẫn chưa được chính quyền tỉnh Nghệ An giải quyết dứt điểm. Ảnh: Đức Anh

Ngày 11/1/2022, UBND tỉnh đã có văn bản thông báo kết quả rà soát và trả lời các nội dung đơn sau khi Ban Nội chính Tỉnh ủy Nghệ An có đơn chuyển đến.

Cùng ngày, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh đã có công văn chỉ đạo thực hiện sau thanh tra giải quyết đơn của công dân, giao Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung theo kết luận của UBND huyện Nam Đàn trước đó và kiến nghị của Thanh tra tỉnh.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết: Vụ việc phức tạp trên diễn ra trong thời gian dài, qua nhiều thời kỳ, giai đoạn có những khó khăn trong giải quyết. Liên quan đến chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện Chủ tịch UBND huyện đã giao Chánh Thanh tra, chỉ đạo trưởng đoàn thanh tra thành lập tại Quyết định 6254 ngày 17/10/2014 tổ chức kiểm điểm nghiêm túc việc thực hiện sau thanh tra. Qua báo cáo cho thấy, quan điểm đoàn đã nhận ra những thiếu sót, bài học sâu sắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xác minh vụ việc khiếu nại, tố cáo sau này; đồng thời nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm về nội dung sai phạm.

Ông Nguyễn Cảnh Phúc tâm tư: Đến nay, DA đường du lịch ven sông Lam đã hoàn thành và đưa vào khai thác trong thời gian dài. Hàng ngày sinh sống và chứng kiến những đổi thay của quê hương khi “đường lớn đã mở” phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong khi những quyền lợi chính đáng của gia đình và nhiều hộ dân chưa được giải quyết, tôi rất buồn và bức xúc. Nay tuổi đã cao, tôi không nhớ đã bao nhiêu lần cơ cực trong hành trình “gõ cửa” đến các cơ quan chức năng từ tỉnh đến Trung ương, yêu cầu giải quyết dứt điểm vụ việc của chúng tôi trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Tác giả: CTV Đức Anh

Nguồn tin: thanhtra.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP