Bị nhà chồng đuổi vì tội đẻ con gái
Dù đã bước qua tuổi 80 nhưng hằng ngày bà Nguyễn Thị Phải (Phổ Yên, Thái Nguyên) vẫn phải lang thang khắp các ngõ ngách, khu chợ thuộc địa phận Long Biên (Hà Nội) để gom nhặt rác. Cứ 3 giờ sáng bà bắt đầu thức dậy và vác bao tải vào thành phố. Đi miết cho tới khi thành phố lên đèn bà mới trở về túp lều của mình để nghỉ ngơi.
Nói rồi, bà Phải mời chúng tôi vào căn phòng trọ xập xệ chừng 3m2, kê vừa đủ một tấm phản. Có được chỗ ở cố định như thế này với bà cũng là một sự cố gắng lắm. Bởi trước đó, bà luôn phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, bạ đâu ngủ đó.
Dù đã bước qua tuổi 80 nhưng hằng ngày bà Nguyễn Thị Phải (Phổ Yên, Thái Nguyên) vẫn phải lang thang khắp các ngõ ngách, khu chợ thuộc địa phận Long Biên (Hà Nội) để gom nhặt rác. Cứ 3 giờ sáng bà bắt đầu thức dậy và vác bao tải vào thành phố. Đi miết cho tới khi thành phố lên đèn bà mới trở về túp lều của mình để nghỉ ngơi.
Nói rồi, bà Phải mời chúng tôi vào căn phòng trọ xập xệ chừng 3m2, kê vừa đủ một tấm phản. Có được chỗ ở cố định như thế này với bà cũng là một sự cố gắng lắm. Bởi trước đó, bà luôn phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, bạ đâu ngủ đó.
Dù đã ngoài 80 tuổi nhưng những ngày hạnh phúc của bà Phải chỉ đếm được trên đầu ngón tay
Có lẽ, hiếm có người nào bất hạnh như bà Phải. Hai tuổi bà đã phải chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Sau đó, bà được anh trai đón về nuôi. Anh trai bà khi đó đã lập gia đình. Bỗng chốc phải nuôi thêm một miệng ăn nên chị dâu bà thường xuyên hậm hực, mắng nhiếc em.
Vì không muốn trở thành cái gai trong mắt chị dâu nên 22 tuổi bà Phải xuất giá lấy chồng. Tuy nhiên thoát được bất hạnh này bà lại vướng phải bất hạnh khác còn khủng khiếp hơn.
Lấy chồng nhiều năm nhưng không sinh được con, bà Phải bị cả gia đình chồng chì chiết. “Tôi khổ sở lắm, đêm nào cũng khóc. Cứ nghĩ chắc mình phải bỏ xứ mà đi thôi. Cũng may, đang lúc tuyệt vọng thì tôi có thai, lúc đó tôi mừng rơi nước mắt” – bà Phải rưng rưng nhớ lại.
Thế nhưng, khi sinh đứa con đầu lòng là gái, bà thậm chí còn bị đối xử tệ hơn lúc trước. Điều họ cần là một đứa con trai nối dõi chứ không phải là cái loại “vịt giời”.
Đẻ con chừng một tháng, bà bị mẹ chồng đuổi đi. Thương con, nhớ con bà Phải cứ vạ vật ở hợp tác xã, không dám đi đâu xa. Thỉnh thoảng lại len lén về đứng đầu ngõ ngóng con. Vạ vật được vài ngày, gia đình nhà chồng đã gọi bà về giao con cho vì đứa trẻ nhớ mẹ cứ khóc ngằn ngặt. Có điều giao con cho bà xong họ đuổi cả hai mẹ con bà ra khỏi nhà.
Ôm con gái mới hơn 1 tháng tuổi, bà lang thang khắp nơi tìm kế sinh nhai. Để có tiền nuôi con, bà lên tận nông trường chè Thái Nguyên xin vào đó làm việc. Hết giờ hành chính bà lại bế con đi mót chè vụn bán. Mót đầy hai tải chè, bà ôm con bắt tàu lên Hà Nội, định bụng, bán được chỗ chè ấy sẽ lấy tiền làm vốn.
Bà Phải phân loại rác sau một ngày làm việc
“Lúc lên tàu, chẳng may đầu con gái tôi va phải thành tàu nên chảy máu nhiều lắm. Thấy thế, có một phụ nữ đã đến động viên tôi bảo cứ chăm sóc cho con đi, hai tải chè để bà ấy trông hộ cho. Tôi cảm ơn bà ấy rồi băng bó cho con. Lúc con đỡ đau ngủ thiếp đi, tôi quay ra thì chả thấy người phụ nữ kia đâu, hai tải chè cũng không cánh mà bay” – bà Phải nghèn nghẹn kể lại một lần mình bị lừa.
Đang ngời ngời hy vọng, trong phút chốc bà Phải trở thành kẻ trắng tay. Muốn xin một công việc làm thuê ở đất Thủ đô cũng khó, vì trên tay bà lúc nào cũng ẵm đứa trẻ, thế nên bà đến đâu người ta cũng lắc đầu nguầy nguậy.
Cuối cùng, một người phụ nữ tốt bụng đã thương tình nhận bà gánh nước thuê cho cửa hàng phở của mình. Xong công việc gánh nước thuê, bà Phải lại tranh thủ bế con đi nhặt rác kiếm thêm thu nhập.
Trong một lần dắt con đến bãi rác, đặt con ở lại một mình, bà đi loanh quanh bới rác, đến khi quay lại thì đứa con gái 4 tuổi đã bị kẻ xấu bắt cóc. Khi ấy, bà Phải như phát điên.
Hành trình tìm con đầy gian nan
Với hai bàn tay trắng, bà bắt đầu cuộc hành trình tìm con đầy gian nan. Lẩm nhẩm bấm ngón tay, bà Phải nói: “Có khi tôi cũng phải đi bộ đến 10 tỉnh để tìm con. Nhưng càng tìm, lại càng bất lực”. Để có tiền lộ phí, đi đến đâu bà Phải cũng xin người ta làm thuê, từ rửa bát, bốc vác cho đến dọn dẹp vệ sinh.
Sau hơn 1 năm ròng rã, bà vỡ òa sung sướng khi tìm được con gái mình trong một gia đình hiếm muộn mãi tận Bắc Giang.
Tìm thấy con, bà lại tiếp tục lang thang khắp nơi nhặt rác, làm thuê kiếm sống qua ngày. Đứa bé chẳng được học hành, ngày ngày theo mẹ đi khắp nơi. Khi con gái càng lớn người mẹ bất hạnh ấy càng lo lắng.
Nơi bà Phải thuê trọ
“Nó càng lớn tôi càng sợ! Tôi sợ nó khổ, tôi sợ nó sẽ mãi sống lang thang cùng tôi. Cũng may là có người để ý đến nó chú ạ”, bà Phải nức nở kể lại.
May mắn đã mỉm cười với con gái bà Phải. Chồng cô cũng là người hiếu nghĩa và thương yêu vợ con. Anh con rể mong muốn được bà Phải đưa về quê ra mắt họ hàng. Dù không muốn trở lại nơi một thời bà coi là “địa ngục trần gian” nhưng vì chiều con rể và con gái nên bà đã nhận lời.
Bà còn nhớ như in cái ngày trở về quê. Hơn 30 năm không trở lại, chẳng có nhiều người nhận ra bà. Vừa đặt chân về đến nhà, người cháu trai gọi bà Phải bằng cô vô cùng hoảng hốt khi nhận ra người trước mặt mình giống như người trong di ảnh đặt trên ban thờ. Hỏi ra anh mới biết đó chính là cô ruột của mình đã bỏ đi mấy chục năm trước.
Sau đó, người cháu này giải thích rằng, mọi người nói cô đã mất sau 1 vài năm đi khỏi nhà. Mọi người đi tìm khắp nơi nhưng đều bất lực, chính vì thế đã lấy đúng ngày bà Phải bỏ đi làm ngày giỗ. Ban thờ được lập đúng 32 năm tính tới ngày bà dẫn con rể về (năm 2010).
Với bà Phải niềm vui duy nhất là nhìn thấy vợ chồng con gái sống hạnh phúc
Nói đến đây bà Phải không cầm được nước mắt: “Tôi nói với thằng cháu không phải bỏ ảnh thờ xuống đâu. Đời người ai chẳng có một lần chết, quan trọng gì đâu. Cô sống nhưng phải sống một cuộc đời cay đắng, không bằng cả cái chết”.
Gạt những giọt mồ hôi lăn dài trên gò má nhăn nhúm, bà Phải nở nụ cười hiếm hoi: “40 năm ra đi thì có tới 30 năm tôi phải sống cảnh màn trời chiếu đất. Cũng may là con cái trưởng thành rồi, kiếm tiền giúp đỡ mẹ. Mấy năm nay tôi thuê căn phòng nhỏ để sống qua ngày”.
Dứt lời, bà Phải vắt túi vỏ chai lên vai rồi lặng lẽ bước đi đầy khó nhọc. Ở cái tuổi “gần đất xa trời” nhưng ngày vui của người phụ nữ ấy chắc chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Tác giả bài viết: Trọng Ngân