>>Cuộc chuyển quân thần tốc tháng 2-1979 - Kỳ 3: Hành quân bằng tàu thủy
>>Kỳ 2: Tháo ghế Boeing 707 và đường băng thắp đèn dầu
>>Cuộc chuyển quân thần tốc tháng 2-1979
>>Kỳ 2: Tháo ghế Boeing 707 và đường băng thắp đèn dầu
>>Cuộc chuyển quân thần tốc tháng 2-1979
Đại tá Hoàng Hoa Chiến - nguyên trưởng Ban tác chiến Sư đoàn bộ binh 337 - Ảnh: MY LĂNG
"Những ngày đó chúng tôi không có khái niệm tắm rửa". Đại tá Hoàng Hoa Chiến
Trong khi Quân đoàn 2 đang khẩn cấp hành quân từ chiến trường Campuchia về nước để ra Bắc thì ở trong nước, Quân khu 3, Quân đoàn 1, Quân khu 4... cũng gấp rút hành quân lên mặt trận biên giới, tiếp thêm sức mạnh cho lực lượng tại chỗ.
“Công trường hành quân”
“Chiều 18-2-1979, phái viên của Bộ Tổng tham mưu cùng Phó tư lệnh Binh đoàn 678 - đồng chí Chu Phương Đới đáp máy bay trực thăng đến Sở chỉ huy sư đoàn truyền đạt mệnh lệnh chiến đấu của Bộ Tổng tham mưu cho Sư đoàn 337: Điều động Sư đoàn bộ binh 337 thuộc Quân khu 4 tăng cường cho Quân khu 1, bố trí tại Sơn Động (Bắc Giang) làm nhiệm vụ dự bị cơ động cho Quân khu 1...
Mệnh lệnh nói rõ đúng 18h ngày 22-2-1979 phải có mặt tại Sơn Động” - đại tá Hoàng Hoa Chiến, nguyên trưởng Ban tác chiến Sư đoàn bộ binh 337 (Quân khu 4, Nghệ An) tháng 2-1979, hiện đang sống tại Hà Nội, kể.
Lúc đó, các cán bộ, chỉ huy của Sư đoàn 337 đều... đi công tác xa. Sư đoàn trưởng Đỗ Phú Vàng cùng các trung đoàn trưởng và một số cán bộ sư đoàn đang dự lớp tập huấn quân sự ở Hà Nội.
Chính ủy sư đoàn Nguyễn Chấn thì đang dự họp với Huyện ủy Đô Lương. Phó chính ủy sư đoàn Võ Dược đang ở Lào chỉ đạo lực lượng chuẩn bị chiến trường.
Bộ Quốc phòng ra lệnh tạm dừng lớp tập huấn để các chỉ huy của Sư đoàn 337 gấp rút trở về đơn vị (thành phố Vinh) nhận nhiệm vụ chiến đấu.
Ông Chiến cho biết ngay đêm 18-2, thường vụ Đảng ủy sư đoàn họp bất thường. Sáng hôm sau, sư đoàn trưởng Đỗ Phú Vàng, một số trung đoàn trưởng đã lên trực thăng bay ra miền Bắc.
Trong lúc đó tại Nghệ An, các đơn vị khác của sư đoàn gấp rút triển khai chuẩn bị hành quân. Có những đơn vị đóng ở Thanh Chương, Đô Lương cách tuyến đường sắt gần 30km. Không có ôtô. Đơn vị phải hành quân đi bộ ra ga.
Ngày 20-2, từ mờ sáng đến tối, những chuyến tàu đặc biệt ở ga Vinh, ga Quán Hành, ga Si (Nghệ An) cứ sầm sập chuyển bánh chở bộ đội lên đường.
“Đó là một công trường hành quân ra trận - đại tá Hoàng Hoa Chiến nói - Khi nhận lệnh hành quân, Sư đoàn 337 đang chuẩn bị đi Lào làm nhiệm vụ quốc tế. Có những trung đoàn mới chỉ có khung. Chúng tôi vừa hành quân vừa bổ sung vũ khí, trang bị và cả con người.
Đến ga Quảng Xương (Thanh Hóa), Trung đoàn pháo binh 108 nhận thêm 6 khẩu pháo 85mm. Đến ga Kép (Bắc Giang), Trung đoàn 92 nhận bổ sung chiến sĩ mới. Lên đến Lạng Sơn, sư đoàn bổ sung đầy đủ 4 trung đoàn”.
Sáng 22-2, đội hình hành quân cơ bản của sư đoàn đã đến Đồi Ngô, Lục Nam (Bắc Giang). Theo mệnh lệnh ban đầu của Bộ Tổng tham mưu, sư đoàn đứng chân ở khu vực Lạng Giang. Nhưng vừa hành quân đến nơi, đang triển khai đội hình trú quân thì được lệnh hành quân cấp tốc lên Đình Lập.
Toàn sư đoàn đang chuẩn bị lên Đình Lập thì lại nhận lệnh hành quân lên đường 1B huyện Văn Quan (Lạng Sơn). Chiều 24-2, những chuyến xe đầu tiên chở quân của Sư đoàn 337 đã đến vị trí tập kết.
Đến 12h trưa 25-2, gần như toàn bộ lực lượng của sư đoàn đã đến nơi, trừ Trung đoàn pháo binh 108 và Trung đoàn bộ binh 92 đến chiều tối 27-2 mới đến vì dọc đường phải bổ sung xe pháo, khí tài, nhận chiến sĩ mới.
Ra trận bằng ý chí
“Chúng tôi hành quân thần tốc với phong cách “Dặm bước thần kỳ, phong cách Quang Trung”. Tổng cộng sư đoàn đã hành quân hơn 500km từ Nghệ An lên Lạng Sơn với ba lần thay đổi vị trí tập kết, qua nhiều tỉnh thành, di chuyển bằng nhiều phương tiện và nhiều lúc phải đi bộ nhưng đã đến nơi đúng thời gian.
Suốt hàng mấy trăm kilômet hành quân đó, đơn vị không dừng lại nấu cơm mà chỉ ăn lương khô” - đại tá Hoàng Hoa Chiến nói.
Người cựu chiến binh này trút hết gan ruột: “Có những lúc chúng tôi phải đi bằng ý chí, không phải bằng chân nữa. Tàu, xe chạy xuyên ngày xuyên đêm.
Đi bộ cũng xuyên ngày xuyên đêm. Ai cũng thiếu ngủ, đói, khát nên người cứ bải hoải, mắt hoa lên. Trời thì nắng. Cổ khát cháy. Vai mỏi. Chân đau, nặng trĩu như đeo đá. Khi đi xa, đã mệt thì một chiếc khăn mùi xoa cũng cảm thấy nặng.
Mà lúc đó mỗi người phải mang trên mình 25-45kg: 1 khẩu AK, 1 cơ số đạn hơn 100 viên, 4 quả lựu đạn, 1 cái xẻng, 1 bao gạo vắt bên người, 2 bộ quần áo. Những chiến sĩ thông tin thì khổ hơn, phía trước thì đeo balô, sau lưng còn phải đeo cả cái máy thông tin 15W to nặng hơn 20kg.
Nhiều người không còn đi được nữa mà cứ ngả nghiêng ngả nghiêng. Vất vả nhất là những chiến sĩ khiêng vác súng cối. Khẩu súng máy 12 li 7 thì 1 nòng phải 2 người khiêng. Cối 82 thì 1 người mang nòng, 1 người mang đế, khiêng đạn. Cối 60 thì 1 người vác, đạn phải 2-3 người gánh”.
Tàu dừng ở ga Kép (Bắc Giang). Từ ga Kép vào Chũ (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) không có ôtô, bộ đội phải đi bộ. Rồi đơn vị lại hành quân bộ từ Chũ đến Tu Đồn (huyện Văn Quan, Lạng Sơn). Tổng cộng quãng đường hành quân bộ lên đến hàng trăm kilômet.
Đại tá Hoàng Hoa Chiến kể sau nhiều ngày đêm thần tốc hành quân, đến đây, bộ đội vừa đói vừa buồn ngủ lại mang vác nặng. Trước đó ở trạm dừng, nhiều người cơm không kịp ăn thì đơn vị đã hành quân, phải gói lại mang đi. Có người ngất. Có người bị sốt ngay trên đường hành quân.
Đại tá Chiến kể: “Sốt hầm hập vậy mà vẫn đi, toát mồ hôi tự khỏi lúc nào không biết. Người nào mệt, ốm ngồi xuống thì có quân y đến đưa thuốc, cán bộ chính trị đến động viên.
Có người phải nằm cáng. Mấy trăm năm trước, khi đại quân của Quang Trung hành quân, cứ 3 người thì 1 người nằm cáng 2 người khiêng rồi đổi nhau, đi liên tục, ai cũng được nghỉ, ai cũng được nằm. Còn đàng này, chúng tôi không ai được nằm, được nghỉ.
Chân anh nào cũng sưng phồng, bật máu, 10 đầu ngón chân thâm tím. Có người tét cả mắt cá chân vì giày chật quá, cọ xát rách cả da. Những ngày đó chúng tôi không có khái niệm tắm rửa”.
Bộ đội hành quân đi bộ ra chiến trường - Ảnh tư liệu
Đại tá Hoàng Hoa Chiến kể suốt dọc đường từ Nghệ An ra Bắc, ở ga nào cũng thấy người dân đứng chờ sẵn vẫy cờ, hò reo chào đón bộ đội.
Ông khẳng định: “Chúng tôi đi không nghĩ đến chuyện sống chết. Tàu đi đến đâu cờ giong trống mở đến đó rất tưng bừng, khí thế. Không có ai đào ngũ. Không ai quay về phía sau. Tất cả đều hướng về phía trước ra chiến trường. Đến ga Hàng Cỏ (Hà Nội), người dân đổ ra mừng rỡ đón bộ đội. Họ cứ hô: Bộ đội chủ lực về rồi! Bộ đội chủ lực về rồi, không sợ nữa rồi!”.
Tác giả bài viết: MY LĂNG
Nguồn tin: