Trong tỉnh

Công Phượng, Văn Đức, Xuân Mạnh: Từ Cúp Báo Nghệ An đến sân chơi châu lục

Đóng góp vào những thành công của các cầu thủ U23 Việt Nam tại Giải U23 Châu Á có những người con xứ Nghệ, những cầu thủ trưởng thành từ Giải bóng đá TN-NĐ Cúp Báo Nghệ An.

Phạm Xuân Mạnh và Phan Văn Đức - hai cầu thủ SLNA khoác áo U23 Việt Nam.

Phạm Xuân Mạnh và Phan Văn Đức, hai cầu thủ SLNA là hai người lên chuyến đò muộn nhất tham dự VCK U23 châu Á so với các đồng đội. Tuy nhiên, họ và Công Phượng cùng với 20 gương mặt còn lại là niềm tự hào của dân tộc, của quê hương sau những màn trình diễn thuyết phục tại sân chơi châu lục.

Năm 2007, bộ đôi này cùng nhau trên một chuyến xe đặc biệt, chuyến xe trên chiếc công nông của bác hàng xóm xuống thành phố Vinh tham dự Giải bóng đá TN-NĐ Cúp Báo Nghệ An. Năm đó, Văn Đức trong màu áo đội NĐ Yên Thành là người ghi bàn trong trận chung kết gặp NĐ Đô Lương nhưng đành chấp nhận ngôi Á quân của giải. Cũng từ lần lỡ hẹn với chức vô địch năm 2007, bóng đá Yên Thành ngày càng có nhiều cầu nhân tố trẻ được SLNA chiêu mộ đào tạo.

Trong lịch sử CLB SLNA, có lẽ Văn Đức và Xuân Mạnh chính là những trường hợp đầu tiên khoác áo đội bóng xứ Nghệ thi đấu tại Vòng chung kết U23 Châu Á.

Đi tìm nguyên nhân cho sự trỗi dậy của bóng đá tại địa phương này, anh Nguyễn Viết Công – Phó Giám đốc Trung tâm TDTT huyện Yên Thành chia sẻ: “Được sự quan tâm của lãnh đạo huyện, CLB SLNA, hàng năm huyện Yên Thành đều tổ chức giải bóng đá TN – NĐ và bắt buộc tất cả 39 xã đều phải tham gia đầy đủ một các nghiêm túc. Từ đó, chọn lọc những nhân tố tốt nhất thuộc lứa tuổi U10 chuẩn bị cho giải TN-NĐ Cúp Báo Nghệ An toàn tỉnh. Huyện Yên Thành có nhiều nhân tố chất lượng và Cúp Báo Nghệ An là nền móng cho quyết định đi theo nghiệp bóng đá của các cầu thủ trẻ".

Còn Nguyễn Công Phượng cũng không còn xa lạ với người hâm mộ bóng đá Việt Nam, cầu thủ nhỏ con ấy chính là "linh hồn" giúp TN-NĐ Đô Lương đoạt chức vô địch Cúp Báo Nghệ An hai năm liên tiếp 2005 và 2006. Từ những mùa hè đây sôi động ngày đó, đam mê của những ngôi sao U23 Việt Nam hiện tại đã được nuôi dưỡng và lọt vào “mắt xanh” của những nhà tuyển trạch SLNA và HAGL.

Người thầy đầu tiên của Công Phượng ông Trương Quang Vinh, HLV đội TN-NĐ Đô Lương năm đó vẫn xúc động khi nhắc lại kỷ niệm nào nào, ông Vinh chia sẻ: "Công Phượng ngày đó nhỏ lắm, nhà thì xa sân tập của huyện, bố mẹ bận công việc đồng áng nên mỗi lần đi tập là một chuyến đi vất vả. Nhiều lần em và gia đình định bỏ cuộc nhưng tôi đã vận động cháu không bỏ cuộc, tạo điều kiện cho cháu ăn ở tại gia đình tôi để khẳng định tài năng ở sân chơi Cúp Báo Nghệ An. Có thể nói giải đấu này là cánh cửa mở ra tương lai cho SLNA và HAGL phát hiện ra tài năng bẩm sinh của Phượng".

Tiền đạo Nguyễn Công Phượng. Ảnh: AFC

Phan Văn Đức và Phạm Xuân Mạnh gia nhập lò SLNA được xem như những “học sinh nghèo hiếu học”. Năm 2012, cả hai cùng lứa U17 SLNA vô địch Giải U17 Quốc gia tại Huế. Hai năm sau là danh hiệu Vô địch U21 Quốc gia và mới đây nhất là tấm HCĐ U21 Quốc gia 2017.

Nếu như Phan Văn Đức cũng là một trong số những gương mặt U19 Việt Nam gây nên cơn sốt năm 2013, 2014 cùng Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường thì Phạm Xuân Mạnh cũng được HLV Toshiya Miura triệu tập vào ĐT U23 Việt Nam. Đáng tiếc, cầu thủ đa năng này lại gặp chấn thương phút chót và lỡ hẹn với VCK U23 châu Á 2016.

Chỉ trong 2 năm lên đội 1, Phan Văn Đức và Phạm Xuân Mạnh đã có những bước tiến đáng kể trong sự nghiệp. Sau khi cùng SLNA thi đấu thuyết phục tại giai đoạn lượt về 2017, cả hai cùng đội bóng xứ Nghệ đăng quang Cúp Quốc gia 2017. Trong đó, Xuân Mạnh chính là cầu thủ ghi bàn trong trận chung kết lượt đi trên sân Bình Dương.

Trồng cây mong đến ngày hái quả, bóng đá là môn thể thao mạo hiểm nhiều rủi ro, hi sinh mồ hôi, nước mắt và cả máu để đổi lấy vinh quang. Năm nay, hai cầu thủ quê lúa góp công lớn trong thành tích vô địch Cúp QG của SLNA, góp phần tạo dựng niềm tin nơi người hâm mộ xứ Nghệ, đánh thức một tình yêu bóng đá mãnh liệt của CĐV tỉnh nhà.

Bên cạnh đó năm 2018, Xuân Mạnh và Văn Đức còn làm được nhiều hơn nữa. Tập trung muộn nhưng Văn Đức và Xuân Mạnh lại chính là 2 ẩn số được HLV Park Hang Seo tin tưởng trong những thời khác quyết định nhất. Nếu như khả năng tạo đột biến, ghi bàn của Văn Đức giúp U23 Việt Nam giải quyết bài toán trên hàng công thì Xuân Mạnh là sự thay thế xứng đáng cho Đoàn Văn Hậu không may gặp chấn thương.

Các cầu thủ U23 Việt Nam là niềm tự hào của người dân Việt Nam. Ảnh: Internet

Cùng U23 Việt Nam và HLV Park Hang Seo lọt vào đến chung kết U23 châu Á, họ làm cho nhà nhà, người người thổn thức, tự hào và sung sướng vì bóng đá, đặc biệt là người hâm mộ quê nhà. Chiến tích của U23 Việt Nam đã làm cho những bệnh nhân trong bệnh viện có được niềm vui, tiếng cười và niềm hạnh.

Và đó như là những liều thuốc quý giá không thể mua nổi bằng tiền mà đã rất lâu rồi họ không được tận hưởng. Họ và U23 Việt Nam đã mang đến niềm tự hào, gieo dắt tình yêu thể thao cho những đứa trẻ và động lực cho những người làm bóng đá, quan tâm đầu tư đến bóng đá, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp.

Quan trọng hơn, bóng đá đã giúp họ trưởng thành, cứng cáp hơn và giúp họ “thoát nghèo” một cách đầy xứng đáng. Bởi nghe đâu, số tiền mà các doanh nghiệp, đơn vị chi thưởng cho U23 Việt Nam đã lên đến hơn 20 tỷ đồng. Nếu đem ra chia nhỏ, mỗi cầu thủ cũng sẽ có được một khoản tiền kha khá về quê lo một cái Tết đủ đầy như bao nhiêu người lao động khác.

“Nước sông Lam biết khi mô cho cạn, cũng như nhân tài bóng đá của dân choa”. Hoàn thành nhiệm vụ quốc gia, những cầu thủ như Văn Đức, Xuân Mạnh và cả Công Phượng sẽ có một bước chạy đà tốt cho mùa giải mới 2018 đầy hứa hẹn. Khi được sống trong không khí cuồng nhiệt, hạnh phúc, vỡ òa mà U23 Việt Nam mang lại, nhiều người sẽ phải định nghĩa lại bóng đá là gì. Và không chỉ là một môn thể thao giải trí, bóng đá là một nghề như người ta vẫn hay nói, bóng đá vị nhân sinh./.

Tác giả: Trung Kiên

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP