Tham dự lễ công bố có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các địa phương cùng đại diện của các Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế và các hiệp hội doanh nghiệp.
Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, đồng chí Phùng Thành Vinh – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành.
![]() |
Quang cảnh tại điểm cầu Nghệ An |
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã trở thành một xu hướng chủ đạo nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại giữa các quốc gia. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tính đến đầu năm 2025, có khoảng 328 FTA có hiệu lực, tăng mạnh so với 98 FTA vào năm 2000. Các hiệp định này không chỉ tập trung vào việc cắt giảm thuế quan và hàng rào phi thuế quan, mà còn mở rộng sang các lĩnh vực phi truyền thống như lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước hay minh bạch hóa trong điều hành chính sách.
Việt Nam là quốc gia tích cực tham gia vào tiến trình này. Từ việc gia nhập Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) vào năm 1996, đến nay, Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực thi 17 FTA với hơn 60 đối tác phủ rộng khắp các châu lục. Đặc biệt, việc tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA đã khẳng định cam kết hội nhập sâu rộng và toàn diện của Việt Nam. Các FTA này mang lại nhiều lợi ích to lớn cho nền kinh tế như thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất và tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Các cam kết cải cách và minh bạch hóa thể chế trong khuôn khổ FTA cũng tạo động lực cải thiện môi trường kinh doanh trong nước.
Tuy nhiên, thực tế triển khai FTA tại Việt Nam vẫn còn không ít thách thức. Việc tận dụng cơ hội từ các FTA chưa đồng đều giữa các địa phương và doanh nghiệp, đặc biệt là trong khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều doanh nghiệp còn chưa cập nhật đầy đủ thông tin, chưa nắm rõ cam kết cụ thể và chưa đủ năng lực để đáp ứng các tiêu chuẩn về xuất xứ, kỹ thuật, môi trường, lao động... Mặt khác, sự phối hợp giữa các cơ quan trung ương, chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong triển khai FTA chưa thật sự đồng bộ và hiệu quả, làm giảm tác động lan tỏa của các hiệp định.
![]() |
|
![]() |
Các đại biểu dự Lễ công bố tại điểm cầu tỉnh Nghệ An |
Từ năm 2022, trên cơ sở các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng Đề án Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA (Bộ chỉ số FTA Index).
Nội dung khảo sát của Bộ chỉ số FTA Index tập trung vào 04 nội dung chính: Mức độ tiếp cận thông tin về FTA của doanh nghiệp; tình hình tuân thủ các quy định pháp luật nội luật hóa từ cam kết FTA; hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA và việc triển khai các cam kết phát triển bền vững trong các FTA tại địa phương, đồng thời ghi nhận các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải.
![]() |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Thành Vinh chủ trì tại điểm cầu Nghệ An |
Bộ chỉ số FTA Index hướng đến việc cung cấp cơ sở dữ liệu minh bạch và khách quan cho Chính phủ, các cơ quan trung ương và địa phương trong chỉ đạo, giám sát, điều hành công tác hội nhập; hỗ trợ địa phương đánh giá kết quả thực thi FTA theo chương trình hành động đã đề ra; đồng thời là căn cứ để hoạch định chính sách, chiến lược phát triển phù hợp với điều kiện và tiềm năng từng địa phương.
Bộ chỉ số cũng góp phần nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự tham gia chủ động của cộng đồng doanh nghiệp trong tận dụng cơ hội từ FTA, nâng cao chất lượng thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như thử nghiệm các công cụ đo lường hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế một cách khoa học và thực tiễn hơn.
Tại buổi lễ, Bộ Công Thương đã công bố kết quả khảo sát và đánh giá kết quả thực hiện các FTA tại các địa phương, mức độ tiếp cận thông tin về FTA của cộng đồng doanh nghiệp, hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA, việc triển khai các cam kết phát triển bền vững trong các FTA tại địa phương, những khó khăn, vướng mắc mà địa phương, doanh nghiệp gặp phải trong quá trình thực hiện, tận dụng các FTA...
Theo đó, tỉnh Nghệ An xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đứng đầu bảng xếp hạng là tỉnh Cà Mau, thứ 2 là tỉnh Thanh Hóa, thứ 3 là tỉnh Bình Dương, thứ 4 là tỉnh Khánh Hòa, thứ 5 là tỉnh Trà Vinh… và tỉnh Quảng Trị xếp thứ 63.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là lần đầu tiên xây dựng Bộ chỉ số đo lường về kết quả thực hiện các FTA Index trong bối cảnh thế giới hội nhập và kết nối các nền kinh tế, thể hiện tính chuyên nghiệp của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Việt Nam đã ký kết 17 FTA, điều này thể hiện vai trò và vị thế của Việt Nam, thể hiện sự hợp tác, sự tin tưởng của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam.
Việc triển khai và thực thi hiệu quả của các FTA không chỉ là thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế mà là động lực thúc đẩy giúp Việt Nam thích ứng với các hoàn cảnh khác nhau, thúc đẩy Việt Nam nỗ lực, cố gắng hơn nữa và đã mang lại hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Việt Nam luôn đề cao tinh thần 2 bên cùng thắng, nhiều bên cùng thắng; không lợi dụng và cũng không làm tổn thương ai trong quá trình hội nhập; phải nỗ lực, cố gắng, bứt phá để đi lên… Việt Nam xác định xuất khẩu là động lực nhưng không phải là động lực duy nhất; tiếp tục phát triển các động lực về tiêu dùng, đầu tư, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Phát triển các ngành kinh tế mang lại giá trị thặng dư cao như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây… Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiếp tục đàm phán với các quốc gia để đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Để nâng cao các chỉ số thực thi FTA, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương phải tự lực, tự cường, phải giảm ít nhất 30% thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, ứng dụng khoa học công nghệ… tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho nhà đầu tư.
Mở rộng, khai thác thị trường tiềm năng; nâng cao chất lượng sản phẩm; cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại vùng nguyên liệu cho phù hợp… Kiểm soát chặt chẽ xuất xứ hàng hóa; bảo vệ bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ. Biến khó khăn thách thức thành thời cơ thuận lợi, phát triển nhanh nhưng bền vững.
Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp bằng các chính sách thuế, phí, lệ phí… nhằm giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh. Nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các nước trong mở rộng thị trường xuất khẩu.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã gửi lời cảm ơn các tổ chức quốc tế, các bạn bè, đối tác đã hỗ trợ để Việt Nam xây dựng Bộ chỉ số; quan tâm hỗ trợ Việt Nam trong phát triển nguồn nhân lực đối với các ngành kinh tế mới nổi, mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm …
Tại Lễ công bố, Thủ tướng Chính phủ đã trao Bằng khen cho 5 tỉnh, thành phố đã có thành tích trong việc đánh giá kết quả thực hiện các FTA Index năm 2024. Lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Nội vụ đã trao Bằng khen cho 8 tỉnh, thành phố đạt kết quả Tốt; trao Bằng khen cho 14 tỉnh, thành phố đạt kết quả Khá trong việc đánh giá kết quả thực hiện các FTA Index tự do. Bộ Công thương cũng đã trao Bằng khen cho 04 tỉnh/thành phố đạt kết quả Tốt nhất trong việc đánh giá kết quả thực hiện các FTA Index năm 2024 đối với các chỉ số thành phần.
Tác giả: PT
Nguồn tin: nghean.gov.vn