Trong tỉnh

Công an Nghệ An: Miệt mài bám dân, bám bản

Với phương châm "3 bám, 4 cùng", "đâu dân cần, đâu dân khó, có Công an", lực lượng Công an tỉnh Nghệ An luôn bám địa bàn, sâu sát cơ sở, nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý thông tin. Qua đó, phát huy vai trò trong xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc, bảo đảm an ninh Quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Do đặc thù là xã tái định cư, địa hình biên giới, dân cư đa dạng, nhiều rừng núi, những năm trước đây, xã Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương), tỉnh Nghệ An được xem là địa bàn phức tạp về tình hình ANTT, là "điểm nóng" của nhiều loại tội phạm.

Năm 2019, khi triển khai Công an chính quy về công tác tại cơ sở, lực lượng Công an xã bám bản, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào và cùng đồng hành, đối thoại để nắm tình hình, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Thiếu tá Nguyễn Văn Hưng, Trưởng Công an xã Ngọc Lâm cho biết, bên cạnh công tác nghiệp vụ, Công an xã còn chú trọng hoạt động dân vận với nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, như: hỗ trợ người dân sửa chữa nhà bị hư hỏng, xuống cấp, làm đường bê tông; tuyên truyền, hướng dẫn bà con chăn nuôi gia súc đúng cách, bảo đảm vệ sinh môi trường, không săn bắn, xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu…

Những cán bộ, chiến sĩ lực lượng công an vẫn đang miệt mài, thầm lặng ngày/đêm bám dân, bám bản, xây dựng vững chắc thế trận lòng dân, bảo vệ vững chắc An ninh quốc gia, giữ gìn TTATXH.

Thiếu tá Nguyễn Văn Hưng nói: "Công an xã luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng mô hình điển hình, tiên tiến, trong phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt là tham mưu cho Cấp ủy, Chính quyền thực hiện tốt công tác dân vận, đi cùng đó là các việc làm hành động cụ thể, đó là bám bản, bám cơ sở, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân."

Mường Lống là xã miền núi, rẻo cao, cách trung tâm huyện Kỳ Sơn gần 50km, nơi 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Những năm về trước, tình hình ANTT trên địa bàn phức tạp, nổi lên là tình trạng di dịch cư trái pháp luật sang Lào. Vào những đêm sương trắng bao trùm thung lũng, đã có nhiều gia đình lặng lẽ bỏ nhà, bỏ ruộng nương, bỏ bản, dắt díu nhau băng rừng đi tìm "miền đất hứa". Chỉ tính từ năm 2010 đến tháng 06/2019 trên địa bàn xã đã phát hiện 29 hộ, 138 nhân khẩu di cư sang Lào…

Ông Và Bá Lầu, Bí thư Chi bộ bản Trung tâm, xã Mường Lống cho biết, trước tình hình trên, lực lượng An ninh Công an tỉnh phối hợp với Công an cơ sở thành lập mô hình "Phòng, chống di dịch cư trái pháp luật" tại xã Mường Lống. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, lực lượng Công an thường xuyên tổ chức tuần tra kiểm soát trên các bản làng, bất kể đêm hay ngày. Qua đó, kịp thời phát hiện, phối hợp các lực lượng chức năng giải quyết 42 vụ mâu thuẫn tranh chấp trong nội bộ nhân dân ngay từ cơ sở, giải quyết 56 đối tượng lạ mặt có biểu hiện nghi vấn tuyên truyền, dụ dỗ lôi kéo người dân di dịch cư. Đến nay, xã Mường Lống đạt "3 không": không ma túy; không tội phạm và không di dịch cư, được cấp ủy, chính quyền và quần chúng nhân dân ghi nhận và đánh giá cao thành tích của lực lượng Công an.

Công an Nghệ An tập trung chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các đơn vị, địa phương thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, gắn với tích cực triển khai thực hiện nhiều biện pháp công tác.

Ông Và Bá Lầu chia sẻ: "Từ khi có Chỉ thị, Nghị quyết, là bản với xã và lực lượng công an tuyên truyền phòng chống di cư tự do sang Lào. Từ khi có khi Chỉ thị, Nghị quyết, lực lượng công an thì phối hợp tốt để tuyên truyền và bà con nhân dân ổn định, không di cư vì phát triển kinh tế xã hội."

Trong công tác phối hợp tuyên truyền, già làng, trưởng bản, người có uy tín là lực lượng có vai trò quan trọng, tạo hiệu ứng lan toả tại cộng đồng, khu dân cư. Nói về công tác phối hợp tuyên truyền, ông Lỳ Dua Nù, người có uy tín bản Hợp Thành, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương cho biết: "Công an xã chính quy vào đây đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đó là tổ chức các buổi tuyên truyền tập trung tại các thôn/bản, cũng như vận động các trường hợp mà có ý định di cư và trong đó thì cũng đã làm tốt công tác tranh thủ người có uy tín trên địa bàn để cùng phối hợp với công an xã, cũng như cấp ủy, chính quyền, tuyên truyền cho nhân dân nhận thức được và cấp ủy, chính quyền cũng đã có những hành động là tạo điều kiện để người dân có công ăn việc làm. Nhờ đó tình trạng di dịch cư trái pháp luật tại địa bàn đã giảm hẳn."

Tỉnh Nghệ An có 11 huyện trung du, miền núi với hơn 45 vạn người dân tộc thiểu số; có đường biên giới chung với nước bạn Lào dài hơn 468km. Nhận thức vai trò quan trọng của công tác bảo đảm an ninh biên giới, thời gian qua, Công an Nghệ An đã tập trung chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các đơn vị, địa phương thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, gắn với tích cực triển khai thực hiện nhiều biện pháp công tác.

Bà Vi Thị Quyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: "Trong thời gian qua chúng tôi tập trung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về di dịch cư. Và trong đó cũng chú trọng phát triển kinh tế để đồng bào yên tâm, ổn định cuộc sống. Chú trọng giáo dục, y tế, các vấn đề xã hội để nhân dân yên tâm, tránh tình trạng di dịch cư."

Những cán bộ, chiến sĩ lực lượng công an vẫn đang miệt mài, thầm lặng ngày/đêm bám dân, bám bản, xây dựng vững chắc thế trận lòng dân, bảo vệ vững chắc An ninh quốc gia, giữ gìn TTATXH. Trên những nẻo đường biên giới xa xôi, gian khó, trở nên gần hơn, no ấm hơn, và quan trọng là khối đại đoàn kết toàn dân được giữ vững, phát huy - một phần cũng là có các anh, những người chiến sĩ Công an bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân miền biên viễn xứ Nghệ.

Tác giả: Sỹ Đức

Nguồn tin: vov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP